(vhds.baothanhhoa.vn) - Rất nhiều người thuộc thế hệ 7X trở về trước ở TP Thanh Hóa hẳn đã từng được đến Rạp chiếu bóng Hội An, Nhà hát Lam Sơn, Nhà hát Nhân dân để xem hát tuồng, xem nghệ sĩ Mai Lan diễn.

NSND Mai Lan – người dành trọn tình yêu với nghệ thuật Tuồng

Rất nhiều người thuộc thế hệ 7X trở về trước ở TP Thanh Hóa hẳn đã từng được đến Rạp chiếu bóng Hội An, Nhà hát Lam Sơn, Nhà hát Nhân dân để xem hát tuồng, xem nghệ sĩ Mai Lan diễn.

NSND Mai Lan – người dành trọn tình yêu với nghệ thuật TuồngNSND Mai Lan ở tuổi 81.

Sau khi rời Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh khoa diễn viên Tuồng năm 1962, nghệ sĩ Nguyễn Thị Mai Lan xin về Thanh Hóa và được biên chế vào Đoàn Nghệ thuật Tuồng làm việc. Kể từ đó cô gái xứ Nghệ mãi gắn bó với xứ Thanh.

Sinh năm 1941 ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), ngay từ nhỏ nghệ sĩ Mai Lan đã bộc lộ năng khiếu thích hát, diễn tuồng. Mỗi lần nghệ sĩ nhí hát tại ao nhà mình là cả làng chạy đến xem, đến nghe. Bà nói: Tôi biết hát từ khi chưa đầy mười tuổi. Tiếng lành đồn xa, để rồi một ngày đẹp duyên tôi được huyện, rồi tỉnh về tận làng đón đi học.

Vai diễn Triệu Trinh Nương trong vở tuồng cùng tên là vai đầu tiên của chị ở Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống). Và, ngay từ vai diễn này, mọi người trong nghề đều tự tin đặt hy vọng rằng Mai Lan sẽ là ngôi sao sau này. Để rồi tiếp theo đó, các vai Đào Tam Xuân trong vở “Đào Tam Xuân loạn trào”; Ái Nương trong vở “Trần Bình Trọng”; chị Ngộ trong vở “Gia đình chị Ngộ”, rồi các nhân vật trong “Đôi dòng sữa mẹ”, “Cô gái bến phà”, “Gia đình má Tám”... tất cả đã tạo nên một cái tên Mai Lan không lẫn với bất kể ai. Mỗi khi nghệ sĩ Mai Lan cất giọng là rung chuyển cả sân khấu xứ Thanh lúc bấy giờ. Bởi chất giọng sang sảng khỏe khoắn như chuông đồng, cao vút đầy sức mạnh, nhưng vẫn pha chút bi ai khắc khoải. Dù vai diễn nào bà cũng đặt tình cảm của mình vào nhân vật, đồng thời sáng tạo ra cách diễn riêng của mình, đầy tính thuyết phục với khán giả và giới chuyên môn. Từ ánh mắt cho đến lời hát, vũ đạo, tất cả đều nhuần nhuyễn và đủ độ.

Chính bởi thế, ai đã một lần xem Mai Lan diễn là không thể quên. “Giờ đây, dù không còn ở khu tập thể văn công nữa, nhưng mỗi lần xuống Nhà hát Nhân dân cũ là ai cũng gọi Bà Triệu Trinh nương về chơi đấy ạ. Vui lắm. Đời nghệ sĩ tự hào nhất là đóng được nhiều vai, và vai nào cũng được ghi nhận, được người trong nghề và khán giả nhớ đến”, bà trải lòng.

Năm 1988, nghệ sĩ Mai Lan vinh dự là người đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Đến năm 2019, bà được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Có thể khẳng định bà là một trong số “của hiếm” của giới văn nghệ sĩ xứ Thanh. Vừa làm diễn viên, vừa làm lãnh đạo (Trưởng Đoàn tuồng Thanh Hóa từ năm 1985-1990), ở cương vị nào bà cũng làm tròn vai.

Ở tuổi 81, dù mang trong người căn bệnh tim với những vết mổ hơn 7 năm nay vẫn không lành, nhưng với NSND Mai Lan “mình chẳng có gì luyến tiếc nữa. Một đời nghệ sĩ với 4 Huy chương vàng và 1 Huy chương bạc, thế là đủ hài lòng với mình. Nhưng điều tôi tự hào hơn hết chính là đã gây dựng một gia đình nghệ sĩ, nuôi dưỡng cho các con tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật”.

Có thể nói, đây là một trong số gia đình nghệ sĩ hiếm có trong cả nước. Niềm vui lớn nhất là trong đợt xét tặng NSND và NSƯT năm 2021 vừa có kết quả, gia đình bà có thêm một người được nhận danh hiệu NSƯT và 1 người là NSND. Như vậy, ngoài NSND Mai Lan và NSƯT Vũ Trọng Quang, còn có 3 người con là NSND Vương Hà, nguyên là diễn viên Nhà hát Cải lương Trung ương; NSND Vương Hải, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và NSƯT Vương Huỳnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, ngoài ra con rể bà cũng là NSND.

Khi tôi đùa “Nhà chẳng có gì, chỉ có toàn nghệ sĩ ưu tú và nhân dân”, bà cười thật tươi. Tôi nghĩ đó là nụ cười mãn nguyện. Bởi hơn 30 năm gắn bó với sân khấu, đây không chỉ là kết quả viên mãn mà còn là nguồn động lực, sự hân hoan để bà luôn sống vui. Dù không thể cất cao giọng hát của mình được nhưng “tôi vẫn nhớ tuồng và thương “nó” lắm”.

Nghe bà nói về “nó” tôi cảm giác như đang được nghe bà tâm sự về một người bạn. Một người bạn chứng kiến những vui buồn của hơn 30 năm đứng trên sân khấu. “Còn hơn một người bạn con ạ! Bởi nhờ có “tuồng mà tôi đi được nhiều nơi, biểu diễn trong đủ các điều kiện từ khắc nghiệt của chiến tranh, đến những năm tháng khó khăn nhất của đất nước, thiếu phục trang, đạo cụ..., rồi những sân khấu rực rỡ ánh đèn, những đêm tưng bừng của các buổi hội diễn... Tất cả điều đó là chất xúc tác, tiếp thêm sự nhiệt huyết cho người diễn viên”, bà chia sẻ.

Tuy vậy, bà vẫn nói: “Nếu có đủ sức khỏe, tôi sẽ dạy thêm cho một số diễn viên trẻ. Diễn viên trẻ hiện nay thiệt thòi lắm, thế hệ đi trước hầu hết đã già, chẳng có ai chỉ dạy họ từng động tác, nắn chỉnh từng câu chữ trong giọng hát. Lại thêm không khí văn nghệ giảm sút nhiều. Khán giả bị co hẹp. Nhưng khó khăn nhất là mỗi vở tuồng gắn với một điển tích, hoặc huyền tích lịch sử, những diễn viên trẻ muốn hóa thân vào vai chính, phải công phu tìm hiểu tích tuồng thì mới có thể đặt mình vào số phận nhân vật. Đồng thời khi diễn phải biết cách sử dụng phương pháp ước lệ, cách điệu... biến cái tự nhiên thành biểu tượng, không sa vào chi tiết mà hết sức chú trọng lột tả cốt lõi, bản chất của sự việc, con người...”. Đó là chút lo âu, buồn thương của nghệ sĩ già gửi gắm các thế hệ hậu sinh.

Tiếp xúc và trò chuyện với NSND Mai Lan tôi có thể trả lời được phần nào câu hỏi mình tự đặt ra trước đó: Tại sao vai diễn nào của bà cũng được yêu thích. Vì ngoài năng khiếu trời cho, tình yêu với bộ môn này đã giúp bà thăng hoa qua từng vai diễn.

Và không chỉ có yêu, nghệ thuật tuồng là máu thịt mà NSND Mai Lan gắn bó và trân trọng.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]