(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã tích cực kết nối, thành lập, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó lan tỏa, nhân lên tinh thần khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã tích cực kết nối, thành lập, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó lan tỏa, nhân lên tinh thần khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niênHTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng, xã Yên Thọ (Như Thanh) là mô hình kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả.

Tận dụng lợi thế có diện tích rừng và hoa rừng tự nhiên, năm 2020, thanh niên Quách Văn Đạt, sinh năm 1992 tại thôn Ấp Cũ, xã Xuân Thái (Như Thanh) đã kết nối 6 hộ nuôi ong mật trên địa bàn xã thành lập Tổ hợp tác (THT) Nông lâm nghiệp Xuân Thái để phát triển sản phẩm mật ong và một số sản phẩm con nuôi đặc sản. Anh Đạt, cho biết: “Toàn xã có 270 hộ nuôi ong mật, trong đó có 6 hộ là ĐVTN. Chúng tôi có cùng đam mê và hoài bão đưa sản phẩm mật ong rừng của địa phương vươn xa nên đã tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch và hỗ trợ nhau bao tiêu sản phẩm mật ong”. Nhờ sự liên kết này, THT đã xây dựng thành công sản phẩm Mật ong Ngàn hoa Xuân Thái trở thành sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022, hiện được bao tiêu 100% với mức giá ổn định. Hiện nay, THT đang triển khai phát triển thêm dịch vụ cung cấp ong giống, kỹ thuật nuôi ong mật và thí điểm mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm".

Anh Trần Tiến Hưng, Bí thư Huyện đoàn Như Thanh, cho biết: Để hạn chế tình trạng ĐVTN ly hương, chuyên tâm phát triển kinh tế tại quê hương, Huyện đoàn Như Thanh đã tổ chức nhiều hoạt động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, từ đó đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển sản xuất tại địa phương. Theo đó, Huyện đoàn đã định hướng, chỉ đạo các cơ sở đoàn xây dựng các mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ. Huyện đoàn Như Thanh còn giới thiệu các mô hình, THT, HTX tiêu biểu cho ĐVTN tiếp cận, tham quan, học tập và định hướng cho ĐVTN xây dựng các mô hình kinh tế từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được hàng chục mô hình kinh tế tập thể do ĐVTN khởi xướng, hoạt động hiệu quả, như: HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng, HTX Nông nghiệp Yên Thọ, THT Nông lâm nghiệp Xuân Thái...

Trên cơ sở các mô hình kinh tế nhỏ lẻ, tự phát và xuất phát từ nhu cầu của thanh niên địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn đoàn cơ sở vận động, khuyến khích những ĐVTN cùng chung ý tưởng, ngành nghề sản xuất tổ chức liên kết kinh tế, xây dựng, thành lập mô hình câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế, THT, HTX thanh niên. Theo đó, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thành lập và duy trì phát triển 189 mô hình CLB thanh niên phát triển kinh tế, 19 mô hình THT, HTX do thanh niên làm chủ. Những mô hình kinh tế tập thể này đã trở thành những điểm sáng, góp phần phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu, như: HTX Dịch vụ tổng hợp Hạc Sơn (Cẩm Thủy); THT Thanh niên xã Minh Lộc, HTX Dịch vụ thương mại tổng hợp thanh niên xã Triệu Lộc (Hậu Lộc); HTX Chăn nuôi gà Hán Sơn Dương (Lang Chánh); CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Mậu Lâm (Như Thanh); CLB Thanh niên phát triển kinh tế VAC Quảng Xương; HTX Thanh niên Thiệu Giao (Thiệu Hóa); HTX Rau an toàn Quảng Cư (TP Sầm Sơn); HTX Nuôi ong xã Xuân Chinh (Thường Xuân)...

Mô hình kinh tế tập thể do ĐVTN làm chủ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ như tay nghề, vốn đất đai, sở trường của thanh niên. Không chỉ làm giàu cho hội viên, các mô hình còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên. Đồng thời, trở thành động lực góp phần cổ vũ phong trào lập nghiệp trong ĐVTN.

Khó khăn nhất hiện nay trong việc phát huy các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên là việc nhận thức về HTX, THT còn mơ hồ. Hầu hết ĐVTN chưa hiểu cặn kẽ các vấn đề cốt lõi của kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên có ý tưởng, có nhu cầu hợp tác để xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể song chưa tiếp cận được nguồn kinh phí để triển khai xây dựng, thành lập THT, HTX...

Anh Nguyễn Đình Nhất, Trưởng Ban Phong trào, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết: Để phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên hiệu quả, trên cơ sở nhu cầu của thanh niên tại các địa phương, các cấp bộ đoàn cần tiếp tục định hướng, vận động và lựa chọn các mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên, chú trọng cùng nhóm kinh tế cũng ngành nghề và phù hợp với đặc trưng sản phẩm, thế mạnh sản xuất của vùng để xây dựng, thành lập các THT hoặc HTX thanh niên.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]