(vhds.baothanhhoa.vn) - Cần cù, nhạy bén với thị trường, sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất, nhiều thanh niên trẻ ở Như Thanh đã chọn khởi nghiệp làm nông dân với những mô hình nông nghiệp thông minh, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hàng hóa.

Những người trẻ thành công với mô hình nông nghiệp thông minh

Cần cù, nhạy bén với thị trường, sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất, nhiều thanh niên trẻ ở Như Thanh đã chọn khởi nghiệp làm nông dân với những mô hình nông nghiệp thông minh, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hàng hóa.

Những người trẻ thành công với mô hình nông nghiệp thông minhTrang trại gà ri Lạc Thủy của anh Vi Văn Tuần.

Với mô hình nông nghiệp công nghệ cao, anh thanh niên Nguyễn Hữu Linh (xã Yên Thọ) vừa là ông chủ vừa là công nhân. Nếu như trước đây, với diện tích gieo trồng 2.700m2 nhà màng cần ít nhất 6 lao động thì nay đã được thay thế hoàn toàn bằng thiết bị, công nghệ. Theo đó, 3 khu nhà màng tuy không có bảo vệ nhưng an ninh vẫn được đảm bảo, cây trồng phát triển khỏe mạnh với các điều kiện chăm sóc tốt. Mô hình được xây dựng theo kinh nghiệm Linh học tập trong thời gian thực tập sinh tại Israel.

Đam mê với nông nghiệp, Linh chọn chuyên ngành khoa học cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Thời gian thực tập sinh tại Israel, được trực tiếp làm, học tập kinh nghiệm, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Linh luôn nung nấu ý định khởi nghiệp nông nghiệp. Anh cho biết: “Điều kiện khí hậu ở Israel không thuận lợi như Việt Nam nhưng bằng khoa học công nghệ họ đã xây dựng được rất nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả. Tôi thấy việc áp dụng khoa học công nghệ là điều cần thiết để xây dựng được những mô hình độc đáo, phù hợp với điều kiện địa phương mà phát huy được hiệu quả kinh tế cao”. Theo đó, Linh quyết tâm xây dựng mô hình nông nghiệp cao theo hướng hiện đại, trồng trọt trong nhà màng nhằm giảm thiểu những tác động xấu do thời tiết, chủ động chăm sóc và phát triển theo hướng hữu cơ. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật với hệ thống tưới nhỏ giọt được vận hành qua hệ thống cảm ứng thông minh điều khiển qua điện thoại, cây trồng được duy trì độ ẩm quanh năm.

Ngoài việc học tập kinh nghiệm, để mô hình đạt hiệu quả thì tự mình phải trở thành một “kỹ sư” nghĩa là phải thiết kế xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tại dựa trên các yếu tố về thời tiết, thổ nhưỡng, lao động... Theo đó, giống cây Linh gieo trồng là dưa lưới kim đế vương và cà chua giống vô hạn. "Dưa lưới là loại cây ăn quả đã trồng nhiều ở Việt Nam, được người tiêu dùng ưa thích. Cà chua giống vô hạn được tôi nhập khẩu trực tiếp từ Israel với ưu điểm: thịt nhiều, ngọt thanh, thời gian cho quả kéo dài từ 4 - 5 tháng... Thị trường đối với 2 loại quả này rất rộng”, Linh cho biết. Bên cạnh đó, Linh tự thiết kế nhà màng theo quy chuẩn để cây trồng vừa có thể hít thở khí trời nhưng vừa hạn chế tác hại từ thời tiết xấu. Nuôi ong thực hiện việc thụ phấn hoa nhằm tiết giảm chi phí nhân công... Hiện tại, cây trồng phát triển khỏe mạnh, hứa hẹn một vụ bội thu trong năm 2023.

Không lựa chọn ly hương, chàng trai trẻ Vi Văn Tuần (xã Hải Long) trở thành tấm gương nông dân giỏi với mô hình chăn nuôi gà ri Lạc Thủy. Từ nhỏ đã gắn bó với nông nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình không dư dả vì vậy muốn khởi nghiệp thành công, Tuần phải suy xét đến nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn.

Những người trẻ thành công với mô hình nông nghiệp thông minhMô hình nông nghiệp công nghệ cao của thanh niên Nguyễn Hữu Linh.

Sau quá trình tiết kiệm và vay mượn thêm từ người thân, Tuần khởi nghiệp mô hình chăn nuôi gà thương phẩm với giống gà ri Lạc Thủy. Ban đầu, để thử nghiệm, anh chăn nuôi ở quy mô nhỏ, chủ yếu để học hỏi thêm kinh nghiệm. Tuần đã chủ động liên hệ nhờ sự tư vấn giúp đỡ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương. Việc đầu tư cơ sở vật chất được anh tham khảo cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu các mô hình trên mạng và đi thực tế tại các trang trại lớn trong tỉnh. Anh tự thiết kế chuồng trại để đàn gà có một ngôi nhà ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Bên cạnh đó, Tuần còn rải lớp vỏ trấu phủ lên trên mặt đất để cho gà không bị đau chân, hỏng móng, đất bám cục vào ngón. Việc này vừa đảm bảo việc dọn dẹp vệ sinh chuồng trại tiện lợi, phân gà được tận dụng bón cho cây trồng trong vườn.

Nói về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Tuần cho biết: "Xây dựng mô hình nông nghiệp tại địa phương quan trọng nhất là tìm tòi, chịu khó và kiên trì. Một trong những điều kiện để thành công là bản thân phải xây dựng được mô hình phù hợp. Như đàn gà của tôi, trong quá trình chăm sóc, thức ăn cho gà được tôi phân chia khoa học với khẩu phần linh hoạt. Hàng ngày tôi đều thay đổi thức ăn, lúc thì cho gà ăn ngô xay, hôm lại cho ăn gạo xay, đồng thời có bổ sung thêm rau xanh để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất, vừa nâng cao chất lượng thịt vừa giúp gà khỏe mạnh”. Đến nay, quy mô đàn gà của gia đình anh đã có 2.000 con, trung bình mỗi lần xuất bán khoảng 2 tấn thịt gà, cho lợi nhuận 150 triệu đồng/năm.

Hướng đến chăn nuôi hiện đại, anh Tuần đã lắp máng uống tự động. Dự định thời gian tới, khi mở rộng quy mô, anh sẽ tiếp tục tự động hóa một số khâu nhằm giảm bớt chi phí và nhân công.

Khởi nghiệp trở thành “nông dân” công nghệ cao đang trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều thanh niên ở Như Thanh nói riêng và ở Thanh Hóa nói chung. Với sức trẻ cùng nhiều ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất nông nghiệp trên chính đồng đất quê hương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Anh Bùi Văn Lãm, Phó Bí thư Huyện đoàn Như Thanh, cho biết: “Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao của thanh niên đã giúp thay đổi tư duy nông nghiệp của địa phương. Nhiều thanh niên đã đến tham quan, học tập và làm theo. Những ông chủ trẻ này cũng rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tham gia các câu lạc bộ thanh niên xung kích phát triển kinh tế, cùng thanh niên địa phương nhân rộng mô hình, đưa kiến thức vào nông nghiệp nhằm hướng tới nền nông nghiệp an toàn theo hướng hàng hóa”.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]