(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (1/1959) đã đề ra nghị quyết và nêu rõ: Miền Bắc là căn cứ địa của cách mạng cả nước, phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị của cả nước, chống lại âm mưu thâm độc của Mỹ - Diệm ở miền Nam, ra sức cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam. Sau Nghị quyết 15 ban hành, ở miền Bắc phong trào quần chúng cổ vũ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam diễn ra mạnh mẽ như hoạt động kết nghĩa giữa các tỉnh ở hai miền Nam - Bắc gắn với các hành động cụ thể như đẩy mạnh sản xuất và xây dựng miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sâu đậm nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (1/1959) đã đề ra nghị quyết và nêu rõ: Miền Bắc là căn cứ địa của cách mạng cả nước, phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị của cả nước, chống lại âm mưu thâm độc của Mỹ - Diệm ở miền Nam, ra sức cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam. Sau Nghị quyết 15 ban hành, ở miền Bắc phong trào quần chúng cổ vũ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam diễn ra mạnh mẽ như hoạt động kết nghĩa giữa các tỉnh ở hai miền Nam - Bắc gắn với các hành động cụ thể như đẩy mạnh sản xuất và xây dựng miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam...

Khánh thành Thư viện Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu tại Hội An, công trình do thành phố Thanh Hóa tặng.

Thanh Hóa chi viện, cổ vũ cuộc đấu tranh chống Mỹ, ngụy của đồng bào Quảng Nam (1960 - 1975)

Thực hiện Nghị quyết 15, ngày 12/3/1960, tại thị xã Thanh Hóa đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể, ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ đặc biệt giữa hai tỉnh: Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa. Cũng kể từ đây một phong trào kết nghĩa sâu rộng giữa các huyện, thị của hai địa phương như thị xã Thanh Hóa - Hội An; huyện Nông Cống - Duy Xuyên; Hoằng Hóa - Điện Bàn; Đông Sơn - Thăng Bình; Nga Sơn - Tiên Phước; Tĩnh Gia - Đại Lộc; Triệu Sơn - Núi Thành; Quảng Xương - Hòa Vang, Thọ Xuân - Quế Sơn...

Với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa, Thanh Hóa đã chi viện cho chiến trường Quảng Nam hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ. Tháng 8/1967 tại xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành đã thành lập Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn gồm 500 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho tỉnh bạn và được mệnh danh là “Quả đấm thép” của Thanh Hóa trên đất Quảng Nam. Tiểu đoàn đã chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ, ngụy... Đặc biệt, ngày 29/3/1975 tiểu đoàn phối hợp cùng với lực lượng tấn công vào TP Đà Nẵng làm nên chiến thắng vẻ vang, một chiến công kỳ diệu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Quảng Nam - Đà Nẵng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào ngày 29/3/1975. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa có 1.359 người con ưu tú hy sinh trên đất Quảng Nam anh hùng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cùng với lực lượng tham gia chiến đấu tại chiến trường, quân và dân Thanh Hóa ở hậu phương luôn hướng về Quảng Nam kết nghĩa, kịch liệt tố cáo đế quốc Mỹ gây ra tội ác cho đồng bào tỉnh bạn ở chợ Được, Vĩnh Trinh, Cẩm Lệ, Quế Sơn, Thăng Bình, Điện Bàn... Biến căm thù thành sức mạnh, quân dân Thanh Hóa đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng hậu phương vững mạnh, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xây dựng mối quan hệ ngày càng sâu đậm 1975 - 2020

Bước vào thời kỳ mới, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, hai tỉnh Thanh - Quảng tiếp tục có sự phối hợp, hợp tác, giúp đỡ nhau vô tư, chí tình, chí nghĩa, chia ngọt sẻ bùi. Điều đó được thể hiện trong việc Thanh Hóa đã tích cực hỗ trợ về lương thực, sức kéo, cán bộ chuyên gia... cho tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, ổn định tình hình chính trị - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân... cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cấp ủy, chính quyền các cấp và các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn ý thức rằng, tình cảm giữa hai tỉnh là thiêng liêng, thủy chung nên cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân đều chung tay vun đắp nghĩa tình Thanh - Quảng ngày càng sâu đậm hơn. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt, hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam đã thường xuyên thăm hỏi, động viên, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn, tổ chức các hoạt động giao lưu, thực hiện chính sách xã hội, tỏ lòng biết ơn vô hạn những đóng góp, hy sinh to lớn của cá nhân, gia đình, tập thể vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như xây nhà tình nghĩa, tặng quỹ khuyến học, sổ tiết kiệm cho người nghèo, gia đình chính sách, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ... Thường niên tổ chức Tuần Văn hóa TP Hội An - TP Thanh Hóa để quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, du lịch và thành tựu xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới, bồi đắp thêm mối quan hệ tốt đẹp; cùng nhau xây dựng các công trình ghi dấu ấn của Thanh Hóa trên đất Quảng Nam như Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu nằm trên đường Phan Châu Trinh; Thư viện Hội An nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ (TP Hội An). Hai tỉnh cũng đã ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn của nhau nhằm đưa quan hệ hai tỉnh phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Trên quê hương Quảng Nam có nhiều dòng họ, chi họ, người con của quê hương Thanh Hóa đã và đang ra sức học tập, lao động, chiến đấu để góp phần nhỏ xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp. Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam cũng được thành lập với hàng nghìn hội viên tham gia là cầu nối tình cảm của những người con xứ Thanh xa quê, tổ chức các hoạt động, giáo dục truyền thống kết nghĩa, những trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ của hai tỉnh nhằm góp phần vun đắp nghĩa tình anh em Thanh Hóa - Quảng Nam ngày một phát triển.

Dấu ấn Quảng Nam trên đất Thanh Hóa

Với tình cảm keo sơn, gắn bó, chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ nên cả trong tư tưởng lẫn hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa luôn hướng về Quảng Nam kết nghĩa nhằm tạo ra những giá trị tinh thần, vật chất to lớn, là nguồn động viên, cổ vũ cho nhân dân Quảng Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ cụ thể. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào thi đua lao động sản xuất, tòng quân, lập thành tích cao nhất đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp với khẩu hiệu “Vì sự nghiệp giải phóng tỉnh Quảng Nam thân yêu và anh dũng”. Nhiều công trình, sáng kiến, cơ quan đơn vị được mang tên địa danh của tỉnh bạn như: Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam, Rạp chiếu phim Hội An, Công viên Thanh Quảng, Đội tuồng Thanh Hóa - Quảng Nam, Xí nghiệp thuốc lá Cẩm Lệ; đội thanh niên xung phong Thanh Hóa chi viện cho tiền tuyến mang tên Núi Thành (Quảng Nam)...

Thường niên hay vào những năm chẵn, tại TP Thanh Hóa và các huyện, thị của hai tỉnh đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày kết nghĩa nhằm ôn lại truyền thống lịch sử nghĩa tình, sâu đậm, gắn bó của hai địa phương. Nhiều cuốn sách viết về Quảng Nam được Ty Văn hóa (nay là Sở VH,TT&DL) sưu tầm, biên soạn để tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa, Quảng Nam như: Người Quảng Nam; Quảng Nam anh hùng; Hát mừng miền Nam - Quảng Nam chiến thắng; Mối tình Thanh - Quảng nghìn thu không mờ... đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ, trên các số báo Thanh Hóa, các chương trình phát thanh ở Thanh Hóa, đều dành những vị trí trang trọng, thời lượng để đưa tin chiến sự, cổ vũ chiến thắng của quân dân Quảng Nam kết nghĩa. Đúng như một nhà thơ đã viết: Mấy hôm nay Hàm Rồng vui khó ngủ/ Cùng Quảng Nam giải phóng sạch quân thù/ Lồng lộng cánh buồm xuôi gió sông Chu/ Chở nặng tình ta chở vào trong đó.

Trong dịp Lễ kỷ niệm 55 năm ngày hai tỉnh kết nghĩa (1960 - 2015), Công viên Hội An - công trình thể hiện tinh thần hợp tác, kết nghĩa thắm tình anh em của Thanh Hóa với tỉnh Quảng Nam - cũng được đầu tư hoàn thiện khang trang. Trong đó có sự góp sức của TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) với phiên bản Chùa Cầu - Di sản Văn hóa Thế giới ở Hội An được xây dựng trong Công viên Hội An. Chùa Cầu được xây dựng theo kiến trúc Chùa Cầu ở thành phố Hội An với tỷ lệ 75%. Ngoài Chùa Cầu còn có 2 trụ gốm với những nét chạm khắc hết sức tinh xảo do những nghệ nhân tài hoa thực hiện về vùng đất Thanh Hóa - Quảng Nam thể hiện tình cảm bền chặt, son sắt thủy chung.

Để giáo dục truyền thống lịch sử, khắc sâu tình cảm, nhiều địa danh của tỉnh Quảng Nam đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa lựa chọn đưa vào ngân hàng tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và được các huyện, thị lựa chọn đặt cho tên đường, công trình công cộng như: đường Tiên Phước (Nga Sơn); đường Quế Sơn (Thọ Xuân); Quảng trường Hòa Vang (Quảng Xương)...

Sự hợp tác, phát triển được nhân lên qua sự kiện hai tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa (12/3/1960 - 12/3/2020); lãnh đạo hai tỉnh, các huyện, thị của Thanh Hóa - Quảng Nam đã tổ chức hội nghị xúc tiến hợp tác phát triển du lịch; ký kết chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2020 - 2021 và những năm tiếp theo. Theo đó, hai tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm đạt nhiều thành quả to lớn hơn trong đó thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm trong phát triển KT-XH. Cùng nhau động viên doanh nghiệp lớn đầu tư vào 2 tỉnh trên các lĩnh vực: cơ khí, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, mở đường bay ThanhHóa - Quảng Nam... Hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ, quản trị, thu hút khách du lịch, nhất là du lịch cộng đồng; hỗ trợ tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm Quốc tế và khu vực; tổ chức các chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống luân phiên định kỳ và nhiều bản ghi nhớ, lễ ký kết hợp tác quan trọng khác.

Cuối cùng, tôi xin mượn lời thơ trong trẻo, sâu lắng đậm đà tính quê hương, khắc sâu tình cảm nghĩa tình, son sắc của con người 2 tỉnh của tác giả Hồ Tuấn Hùng viết, để khép lại bài viết: ...Đà Nẵng - Quảng Nam! Ơi quê hương yêu dấu/ Trên dòng thơ người con của quê Thanh/ Gửi Quảng Nam tất cả tấm lòng mình/ Tình ruột thịt đã vượt qua giới tuyến/ Son sắt bấy lâu đợi chờ hò hẹn/ Chung một con đường chung những niềm vui/ Và hôm nay, hiện thực đến rồi/ Khó nói hết được nghĩa tình Nam Bắc...

Mối tình Thanh - Quảng chắc chắn sẽ còn mãi.

Lê Trí Duẩn


Lê Trí Duẩn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]