(vhds.baothanhhoa.vn) - Sùng và Bân - người tiêu thụ tiền giả phải đi tù, người tiêu tiền thật ném vào trò đỏ đen. Nhưng lầm lỗi quá khứ không ám bụi tương lai, họ đã đứng dậy bằng niềm tin, nghị lực. Với tôi, lúc này họ là “đại gia”...

Sau lần vấp ngã...

Sùng và Bân - người tiêu thụ tiền giả phải đi tù, người tiêu tiền thật ném vào trò đỏ đen. Nhưng lầm lỗi quá khứ không ám bụi tương lai, họ đã đứng dậy bằng niềm tin, nghị lực. Với tôi, lúc này họ là “đại gia”...

Sau lần vấp ngã...

Anh Trần Văn Sùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Tuấn Thành.

Từ tù nhân thành ông chủ

Sùng có tên đầy đủ là Trần Văn Sùng, sinh năm 1982, quê xã Nga Thạch (Nga Sơn). Hơn 10 năm trước, khi đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội), Sùng bị kết án 7 năm tù vì tội tiêu thụ tiền giả. Do chấp hành án tốt, anh được đặc xá tha tù trước hạn 3 năm.

Năm 2009 ra tù, Sùng vào Nam tìm việc. Năm 2011, anh trở lại quê nhà. Ban đầu, anh làm phụ hồ. Sau 2 tháng, anh nghỉ việc rồi chuyển sang làm đá xẻ. Anh nhớ lại: “Ra tù, tôi lúc đó rất chênh vênh, chưa nghĩ được cái gì cụ thể, làm việc gì cũng chỉ trong thời gian ngắn rồi bỏ. Cũng có chán nản nhưng không cho phép mình lạc bước. Tôi đã sai lầm một lần nên không thể có lần hai. Tôi nghĩ đến làm đá vì trong trại tôi đã được học nghề này. 10 năm qua theo nghề, rất may tôi cũng đã có những thành công”.

Tuy nhiên, Trần Văn Sùng sẽ không đến được với nghề đá nếu không có 5 triệu đồng của một người bạn thân. Với 5 triệu đồng, anh dành 3,5 triệu mua máy móc còn 1,5 triệu làm vốn lưu động. Anh dùng số tiền này mua đá làm cầu thang cho người khách đầu tiên. May mắn đã mỉm cười với anh khi ngay trong tháng đầu tiên đi làm, anh đã để ra được 20 triệu đồng; sang tháng thứ 2, gần 30 triệu. Với số tiền tích lũy ban đầu cùng vốn vay 40 triệu đồng từ Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” của Công an huyện Nga Sơn, anh mở rộng quy mô sản xuất, thuê nhân công, tự thân đi phát triển thị trường.

Năm 2013, Trần Văn Sùng thành lập Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Tuấn Thành. Sau khi được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nga Sơn cho vay 200 triệu đồng, vốn khởi nghiệp của Tỉnh đoàn 180 triệu đồng, anh tiếp tục đầu tư máy móc, nguyên vật liệu. Những năm qua, sản phẩm đá ốp lát của công ty đã có mặt tại nhiều công trình trong và ngoài tỉnh. Ngay tại huyện Nga Sơn là công trình nhà truyền thống huyện, công sở các xã Nga Yên, Nga Trường... Hiện anh có 2 cơ sở sản xuất đá xẻ, đá mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho 10 công nhân với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.

Thành công từ nghề đá, Trần Văn Sùng tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Anh cũng có tiếng trong giới kinh doanh bất động sản ở Nga Sơn. Doanh thu của công ty đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Năm 2014, anh được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội.

Trần Văn Sùng giờ đã thành “đại gia”. Nhìn lại cuộc hành trình đã qua, anh bảo: “Tôi tiếc là 15 năm về trước chưa đủ bản lĩnh nên trót dính “chàm”. Ngày ấy, tôi nông nổi, ngông cuồng, biết sai nhưng vẫn đi. Tôi vì 50 triệu đồng tiền giả mà vào tù, còn sau này nhờ bạn cho vay 5 triệu đồng mà tôi đứng vững đến hôm nay”...

Sau những cuộc đỏ đen...

Nguyễn Đức Bân sinh năm 1985, quê xã Hà Lai (Hà Trung), nổi tiếng là một tay chơi cờ bạc, lô đề khi mới 19 tuổi. Ngày ấy, anh lao vào cuộc chơi như thiêu thân. Một năm sau, do mất mát quá lớn về tiền bạc, anh dừng cuộc chơi, tu chí làm ăn.

Năm 2009, Bân đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. 8 năm sau, anh trở về quê phát triển kinh tế, mở trang trại lợn và trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, anh thua lỗ gần 2 tỷ đồng do đàn lợn dịch bệnh. Cuối năm 2018, anh được một người bạn giới thiệu về may gia công túi xách siêu thị xuất khẩu. Thị trường của sản phẩm này trên thế giới rất rộng lớn. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Bân Nguyễn. Tuy nhiên, chuẩn bị khánh thành thì công ty phải tháo dỡ do thiếu hiểu biết, xây dựng công trình trên nền đất công, chưa được cấp phép. Anh trầm ngâm: “Vấp váp nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi sốc nặng nhất vì tôi hy vọng lớn vào sự đầu tư này. Tôi trắng tay sau vụ đấy. Bao nhiêu vốn liếng 8 năm làm ở Hàn Quốc coi như hết”.

Sau lần vấp ngã...

Anh Nguyễn Đức Bân, Giám đốc Công ty TNHH Bân Nguyễn.

Không nản, Bân đứng dậy đi tiếp. Anh vay người thân, bạn bè để mua 260m2 đất, máy móc, thiết bị với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời anh tuyển công nhân và cho học hỏi kinh nghiệm tại các doanh nghiệp khác. Thời điểm cao nhất, công ty có 100 công nhân, doanh thu đạt 6-7 tỷ đồng/năm. Khi công ty đang trên đà phát triển từ năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát nên đã kéo doanh thu xuống chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Bân nói, cái được nhất ở con người anh là ý chí. Càng va vấp càng được rèn luyện, có thêm nhiều kinh nghiệm sau những thất bại. Nhưng thất bại lớn nhất của anh khi ý chí không gặp thời. Suy nghĩ của anh, làm tôi nhớ đến câu nói của Evelyn Underhill: “Ý chí là điều quan trọng. Chừng nào bạn có nó, bạn vẫn an toàn”.

Nhận ra lỗi lầm để đứng dậy, làm việc tốt cho bản thân và cộng đồng là điều đáng trân trọng. Sùng, Bân đã gác lại quá khứ, tiếp tục đi bằng niềm tin và nghị lực. Họ đã trưởng thành sau vấp ngã. Con đường khởi nghiệp của họ không ít những khó khăn, thậm chí thất bại nhưng như Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hữu Tuất đã nói: “Hãy cứ mạnh dạn. Hãy thử và hãy làm. Hãy biến những suy nghĩ của mình thành hành động, việc làm cụ thể. Có thể sẽ thành công hoặc thất bại nhưng trải qua thử thách thì sẽ càng có thêm nhiều bài học quý”.

An Diệp


An Diệp

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]