(vhds.baothanhhoa.vn) - Phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, nhưng vẫn tham gia hoạt động, vận chuyển cát, sỏi gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy nội địa... Thực trạng này đang diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Siết chặt quản lý phương tiện thủy nội địa

Phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, nhưng vẫn tham gia hoạt động, vận chuyển cát, sỏi gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy nội địa... Thực trạng này đang diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, phần lớn phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay không đăng ký, đăng kiểm, khi đóng mới phương tiện không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật theo quy định, hoặc được mua đi, bán lại bằng hình thức trao tay, không giấy tờ mua bán được cơ quan thẩm quyền xác nhận.

Trong khi đó, vẫn còn khoảng trên 80% phương tiện thủy nội địa có tải trọng từ 50 tấn - 200 tấn tham gia hoạt động vận chuyển, khai thác cát, sỏi. Chủ phương tiện lợi dụng kẽ hở trong việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng như địa bàn rộng, lực lượng mỏng, tranh thủ về đêm thực hiện hành vi vận chuyển, khai thác cát, sỏi trái phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy, gây sạt lở sông ngòi, thay đổi dòng chảy...

Đến nay, có khoảng 14,6% phương tiện được cơ quan đăng kiểm, kiểm tra, tuy nhiên chủ phương tiện chưa hoàn thiện các thủ tục về chụp ảnh, gắn biển số kiểm soát... nhiều chủ phương tiện được cấp đăng kiểm nhưng chủ phương tiện chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định để làm đăng ký cho phương tiện...

Tính đến hết tháng 5/2019, Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa phối hợp Chi cục Đăng kiểm 12, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra 354/369 phương tiện thủy nội địa; lập hồ sơ đăng kiểm cho 302 phương tiện (52 phương tiện chưa đủ điều kiện lập hồ sơ đăng kiểm); cấp 231 đăng kiểm cho chủ phương tiện (71 chủ phương tiện chưa đến nhận đăng kiểm). Nhiều địa phương có tỉ lệ đăng ký thấp như: Thiệu Hóa, Thọ Xuân... Trong số 231 phương tiện đã nhận hồ sơ đăng kiểm, có 132 chủ phương tiện đã thực hiện đăng ký cho phương tiện.

Nhiều phương tiện thủy nội địa hoạt động trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn huyện Thọ Xuân chưa cấp đăng ký, đăng kiểm.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết: Công tác đăng ký, đăng kiểm vẫn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do một số chủ phương tiện chưa chủ động hợp tác để đưa phương tiện vào kiểm tra, làm thủ tục đăng kiểm, các phương tiện được cấp hồ sơ đăng kiểm nhưng chưa làm thủ tục đăng ký do không nộp được lệ phí trước bạ vì thiếu cơ sở xác định giá trị tài sản nộp thuế...

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 195 ngày 6/11/2017 về kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm), đăng ký cho các phương tiện thủy nội địa.

Thực tế, phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng lái, chứng chỉ, vẫn ngang nhiên hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực vận chuyển, khai thác cát, sỏi. Họ làm thuê cho chủ mỏ, thế nên khi gặp lực lượng chức năng họ chủ động liên hệ chủ mỏ lo liệu.

Theo quy định, phương tiện vận tải thủy nội địa hoạt động phải có bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa, hóa đơn bán hàng, đăng kiểm, đảm bảo đầy đủ phương tiện cứu hộ, phòng cháy...

Thế nhưng, chủ phương tiện vẫn phớt lờ, cố tình vi phạm, chống đối lực lượng chức năng khi bị xử lý.

Thọ Xuân hiện có 7 mỏ cát, 7 bãi tập kết cát, đây cũng là đơn vị có số phương tiện hoạt động trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát, sỏi lớn nhất của tỉnh (34 phương tiện). Địa phương này cũng đạt tỉ lệ thấp trong đăng ký, đăng kiểm cho phương tiện thủy nội địa (8/34 phương tiện cấp đăng ký, đăng kiểm).

Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng công an huyện phát hiện, xử lý 68 trường hợp vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, nhắc nhở, cảnh cáo 40 trường hợp, phạt tiền trên 54 triệu đồng...

Số liệu từ Thủy đội (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh), đơn vị đang quản lý trên 249 phương tiện thủy nội địa, trong đó trên 80% phương tiện đã đăng kiểm, 10 - 15% phương tiện đã đăng ký, trên 25% chủ phương tiện có bằng chứng chỉ chuyên môn.

Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho chủ phương tiện chấp hành Luật ATGT đường thủy, đơn vị đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính chung các lỗi đối với phương tiện thủy nội địa. Chủ yếu khai thác cát trái phép 17 trường hợp; trên 60 trường hợp không đăng ký; 30 – 40 trường hợp không đăng kiểm; chủ phương tiện không bằng chứng chỉ chuyên môn, chở quá vạch mớn nước an toàn... Tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh bất cập trong đăng ký, đăng kiểm phương tiện, công tác quản lý, bảo đảm ATGT lĩnh vực này cũng gặp nhiều thách thức, do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, chủ quan, các bến, bãi hoạt động thường xuyên thay đổi mực nước lên xuống. Trong khi chế tài xử phạt chở quá tải trọng, đăng ký, đăng kiểm chỉ dừng lại việc xử lý vi phạm hành chính...

Trước tình hình này, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban ngành, chính quyền địa phương, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo trật tự ATGT thủy nội địa trên địa bàn. Hạn chế mức thấp nhất tình trạng vận chuyển, khai thác cát, sỏi trái phép; tiếp tục thực hiện tốt công tác đăng ký, đăng kiểm cho phương tiện thủy nội địa, tạo điều kiện cho chủ phương tiện thủy nội địa có đầy đủ hồ sơ theo quy định trong quá trình hoạt động...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]