(vhds.baothanhhoa.vn) - Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ bộ đồ thờ vốn gắn với đền Sòng, gồm 59 hiện vật được làm bằng bạc, một số có khảm vàng, gắn đá quý. Do được chế tác bằng chất liệu quý, nên bộ đồ thờ này có kích thước tương đối nhỏ, nhưng chạm khắc tinh xảo, nhiều đề tài phong phú, mang đậm yếu tố văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và cung đình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sưu tập đồ thờ bạc tại Bảo tàng Thanh Hóa

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ bộ đồ thờ vốn gắn với đền Sòng, gồm 59 hiện vật được làm bằng bạc, một số có khảm vàng, gắn đá quý. Do được chế tác bằng chất liệu quý, nên bộ đồ thờ này có kích thước tương đối nhỏ, nhưng chạm khắc tinh xảo, nhiều đề tài phong phú, mang đậm yếu tố văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và cung đình.

Khánh thờ bạc và Hạc thờ bạc.

Đền Sòng Sơn (đền Sòng), xưa thuộc làng Cổ Đam, tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (nay thuộc phường Bắc Sơn, TX Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Tương truyền, đây là nơi nữ thần Giáng Tiên (tức Liễu Hạnh công chúa) hiển thánh sau giáng trần lần thứ ba, được dân gian xây dựng thành phủ để hương khói phụng thờ. Về thời gian khởi dựng đền Sòng Sơn, hiện còn có những ý kiến khác nhau. Theo văn bia (tiếng Pháp), dựng tại đền năm 1939, đền này được xây dựng từ thời Lê, đến nay đã được hơn 300 năm. Theo khảo cứu của học giả người Pháp - H.Le Breton, công bố trong cuốn Nhữngđền chùa và những nơi lịch sử trong tỉnh Thanh Hóa (xuất bản năm 1920), thì đền Sòng được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Đến thời Nguyễn, một số bia hiện còn ở đền Sòng tiếp tục ghi việc quyên góp tu sửa, mở rộng thêm vào năm Duy Tân thứ 6 (1912) - bia công đức dựng năm Khải Định thứ 4 (1919). Năm Bảo Đại thứ 3 (1928) và thứ 14 (1939), đền này tiếp tục được tu sửa. Sau đó, đền bị hư hại dần trong những năm kháng chiến chống Pháp, một số đồ thờ quý được nhân dân quanh đền đem về cất giữ. Khi hòa bình lập lại, để đảm bảo an toàn cho bộ đồ thờ, người dân cùng với chính quyền địa phương đã chuyển gửi vào Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TX Thanh Hóa. Đến năm 1973, được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Ngân hàng đã bàn giao toàn bộ số đồ thờ này cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị, từ đó đến nay đã trải qua gần nửa thế kỷ.

Từ bao đời nay, đền Sòng Sơn nổi tiếng linh thiêng không chỉ với người dân Thanh Hóa, mà hầu khắp dân cả nước biết đến. Chính vì vậy, khi bị xuống cấp, hư hỏng, đền đã được những nhà hảo tâm cùng nhân dân gần xa quyên góp tiền của để tu bổ, phục hồi, cung tiến đồ thờ. Trong số đó, có bộ đồ thờ bằng bạc quý giá hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Thanh Hóa như đã đề cập ở trên. Tuy không ghi niên đại hay các dấu hiệu cụ thể chỉ rõ năm sản xuất, nhưng qua chất liệu, kiểu dáng, phong cách, đặc biệt là đề tài trang trí tứ linh, tứ quý, lưỡng long chầu nhật, có thể khẳng định, niên đại tương đối của sưu tập này là vào khoảng thế kỷ XIX. Bộ đồ thờ gồm có các loại hình, được phân loại thành những nhóm sau đây:

- Đỉnh: có ba phần gồm nắp, thân và chân.

- Hạc: 2 con (một đôi), đối xứng nhau.

- Kiếm: 2 chiếc, tạo thành đôi đối xứng, có kích thước và dáng như kiếm chiến, nhưng chất liệu và hoa văn trang trí chỉ rõ chức năng thờ của chúng.

- Hài: 1 đôi, làm bằng bạc, trang trí tạo hình chim phượng.

- Hoa tai: 1 đôi, làm bằng bạc, cẩn đá

- Chuỗi hạt: 3 chuỗi, đều được làm bằng bạc, với kỹ thuật rất tỉ mỉ và trau chuốt. Hai chuỗi có số hạt bằng nhau (108 hạt). Chuỗi thứ ba có 151 hạt.

- Thẻ bài: 4 chiếc, hình dáng tương đối giống nhau. Có thẻ chạm nổi hai chữ “Quan Hoàng”, một chiếc khác lại chạm nổi 4 chữ Hán “Cung Tiến Thánh Bà”. Như vậy, cả 4 chiếc thẻ đều liên quan tới “Thánh và Quan”, những chức sắc trong hệ thần thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu.

- Khánh: 1 chiếc, hình dáng hệt như một cây nấm, hai mặt chạm nổi hình rồng, phượng trên nền hoa văn vẩy rồng nhỏ li ti.

- Cau, trầu: là một cặp trong đồ thờ nói chung và đền Sòng nói riêng:

- Ống vôi: 2 chiếc, được tạo thành hai phần gồm thân và nắp. Họa tiết hoa văn trên ống vôi dầy đặc, nét chạm tinh xảo, phản ánh trình độ điêu luyện của người thợ kim hoàn xưa.

- Bình rượu: 1 chiếc, làm bằng bạc, vẫn còn giữ được dáng hình truyền thống của một chiếc nậm cổ cao, thân lựu đạn. Tuy nhiên, sự xuất hiện chiếc quai, dù đã được cách điệu, vẫn toát lên sự giao thoa văn hóa với Phương Tây.

- Ly rượu: 4 chiếc, làm bằng bạc, lòng sâu, chân cao, mảnh, có đế tròn tạo sự vững chãi, là bộ đồ rượu dùng trong nghi lễ. Nếu như bình còn lưu giữ được dáng hình truyền thống, thì 4 chiếc ly hoàn toàn chịu ảnh hưởng Phương Tây.

- Tách: 5 chiếc, làm bằng bạc. 4 tách có miệng rộng, thành vát, không chân đế, trôn lõm, quai được tháp gỗ, đục thủng, thô. Đây cũng là loại hình chịu ảnh hưởng của tách cà phê phương Tây. Tuy nhiên, đề tài trang trí lại mang đậm dấu ấn phương Đông, đó là cúc, trúc được diễn tả chi tiết, tỉ mỉ như những nét công bút của hội họa mực tàu.

- Chén: 5 chiếc, dáng hình trụ, miệng có gờ, thành cong, lòng sâu, chân đế thấp. Hoa văn trang trí nổi “Lưỡng long chầu nhật”, hoa cúc và hai chữ “Phụng Tiến” được khảm vàng, bố trí đối nhau. 1 trong 4 chiếc, tại vị trí sát chân đế là băng hoa văn cánh sen bao quanh, dưới đáy khắc 2 chữ Hán “Cung tiến”.

- Đĩa: 5 chiếc, làm bằng bạc, hình tròn, lòng nông, kích thước có sự khác nhau.

- Bát: 3 chiếc, làm bằng bạc, miệng đứng, thành cong, lòng sâu, chân đế thấp, đế lõm. Thân chạm nổi đề tài mây, “Lưỡng long chầu nhật”, lưỡng long chầu 2 chữ Hán “Cung tiến”. Trên đáy của hai chiếc bát có khắc chữ Hán “Sòng Sơn” và “Vạn toàn”, chữ “Vạn toàn” nhỏ hơn.

- Bình: 4 chiếc, miệng loe, cổ thấp, thân trái chuông, thuôn dần xuống đáy, đế hai cấp. Trên thân chạm nổi 4 chữ Hán “Cung tiến Sòng Sơn”, dát vàng.

- Hộp, có số lượng tương đối nhiều, đều làm bằng bạc. Dựa vào hình dáng, có thể chia thành các loại sau đây: + Hộp khối chữ nhật (4 chiếc), + Loại khối hộp, còn 1 chiếc (chỉ còn vỏ hộp, ruột đã bị mất), + Hộp hình trụ, 2 chiếc, + Hộp hình lục giác: 1 chiếc, hộp 6 cạnh, nắp chạm nổi 2 con dơi ngậm hoa đang bay trên mây, đối xứng nhau, + Hộp hình rổ: 2 chiếc, được làm bằng bạc, có dáng tựa như một chiếc rổ đan bằng tre, miệng rộng, có nắp vồng, thân vát, lòng không sâu, đáy tròn, + Hộp hình thúng: 2 chiếc, được làm bằng bạc.

- Ống nhổ: 1 chiếc, miệng loe, mép tạo gờ nổi, cổ thắt, thân hình cầu dẹt, đáy lõm. Vai trang trí bằng hoa 6 cánh, tiếp đến là các bông hoa trong hình tròn. Thân chạm nổi đề tài tứ linh. Đệm giữa 4 linh thú là 4 chữ Hán “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Khang” trên hình tròn nổi.

Qua những khảo tả trên, có thể nhận thấy, bộ đồ thờ được làm bằng chất liệu quý hiếm, có chung một phong cách kỹ thuật và nghệ thuật, trên đó có khắc và chạm nổi chữ Hán “Sòng Sơn”, “Sùng Sơn”, “Cung tiến” hay “Phụng tiến”... Những hiện vật này, chẳng những phần nào minh định cho truyền thuyết và tài liệu thành văn về lịch sử di tích, mà còn khẳng định, đây là những đồ thờ được cung tiến vào đền Sòng cùng một thời điểm, khi nó đã vốn nổi tiếng từ trước đó. Đây là thời kỳ được các tài liệu lịch sử và văn hóa cho rằng, Phật giáo và Nho giáo trong dân gian đã đi đến thoái trào, Thiên chúa giáo chưa đủ sức thâm nhập sâu vào cộng đồng làng xã của người Việt, theo đó, tín ngưỡng dân gian trỗi dậy mạnh mẽ. Đền Sòng và bộ đồ thờ chất liệu quý là một trong rất nhiều ví dụ minh họa cho nhận định này.

Bước đầu có thể khẳng định, đây là bộ đồ thờ, tuy không hoàn toàn đầy đủ nhưng rất độc đáo, với số lượng lớn, có niên đại tương đối cổ trong hệ thống đồ thờ gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta hiện nay.

Trong sưu tập này, những loại hình và đề tài trang trí truyền thống được khai thác và thể hiện đậm nét, nhưng cũng thấy được sự giao thoa văn hóa với phương Tây qua bộ bình rượu, ly, tách. Dẫu có sự tiếp thu về kiểu dáng nhưng đề tài trang trí lại hoàn toàn mang giá trị truyền thống Việt nói riêng và phương Đông nói chung.

Ngay cả với phương Đông, mẫu hình tứ quý thường được thể hiện với tùng, cúc, trúc, mai, nhưng trên bộ sưu tập này, tứ quý được biến thể thành đào, sen, hồng, cúc và cùng nhiều biến thể khác nữa. Đó là những biến thể đã từng thấy trên đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV, khai quật được tại tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam).

Trong bộ sưu tập, xuất hiện những loại hình vô cùng mới mẻ và khác lạ, đó là hộp hình rổ, hộp hình thúng, rất gần gũi với rổ thúng bằng tre của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng hiếm thấy trên những chất liệu bằng kim loại suốt từ thời Sơ sử, cách đây vài nghìn năm cho đến nay.

Sự độc đáo và ấn tượng nhất của bộ sưu tập đồ thờ đền Sòng, chính là kỹ thuật chế tác kim hoàn của những người thợ thủ công đương thời. Các mảng đề tài chạm nổi kết hợp khắc chìm, được thể hiện qua rất nhiều thể tài, từ đơn giản đến phức tạp, từ thưa thớt đến dầy đặc, từ tâm linh đến phong cảnh. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, nếu so sánh bộ sưu tập này với những bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thì về kỹ thuật chế tác dường như không có độ chênh.

Bộ đồ thờ tại đền Sòng, một di tích văn hóa tâm linh thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng ở nước ta, nay thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Trong bối cảnh hiện nay, khi tục thờ Mẫu, với nội dung cốt lõi là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mặt khác, bộ sưu tập này, hiện được xem là hoàn chỉnh, bằng chất liệu quý, có niên đại sớm, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo đó, mọi trưng bày về tín ngưỡng thờ Mẫu, kể cả trong trình diễn hay thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, sẽ đặc biệt ý nghĩa khi có sự góp mặt của bộ sưu tập này.

Trịnh Đình Dương


Trịnh Đình Dương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]