(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tài năng văn chương xuất chúng, Đinh Thời Trung - người con của làng cổ Ngọc Tích thuộc Tứ Bôn (Cổ Bôn) xứ Thanh từng là một trong số “Tràng An tứ hổ” đương thời. Tuy nhiên, có lẽ cũng bởi chữ “tài” hơn người khiến cuộc đời ông chất chứa nhiều nỗi niềm.

Thần đồng văn học Đinh Thời Trung và “nỗi đau” cuộc đời

Với tài năng văn chương xuất chúng, Đinh Thời Trung - người con của làng cổ Ngọc Tích thuộc Tứ Bôn (Cổ Bôn) xứ Thanh từng là một trong số “Tràng An tứ hổ” đương thời. Tuy nhiên, có lẽ cũng bởi chữ “tài” hơn người khiến cuộc đời ông chất chứa nhiều nỗi niềm.

Thần đồng văn học Đinh Thời Trung và “nỗi đau” cuộc đờiVăn bia Văn Ban Tiên hiền bi lưu giữ tại đình làng Ngọc Tích nhắc đến tên tuổi của danh sĩ Đinh Thời Trung.

Một “huyền thoại” văn chương

Khi nhắc đến truyền thống học hành, khoa cử trong lịch sử, dân gian xứ Thanh vẫn lưu truyền câu ca: “Đông Sơn Tứ Bôn, Hoằng Hóa Lưỡng Bột”. Trong đó, vùng đất Tứ Bôn (tức Cổ Bôn) nay là xã Đông Thanh (Đông Sơn) được biết đến là nơi có nhiều người thi cử đỗ đạt, làm quan lớn tiếng thơm để đời, như Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi, Đăng Quận công Nguyễn Khải… và không thể không nhắc đến người được mệnh danh là “thần đồng” văn học Đinh Thời (Thì) Trung.

Lưu truyền dân gian, sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo nhưng mới bốn tuổi cậu bé Đinh Thời Trung đã ham học chữ. Con trai học đâu nhớ đó nên chỉ thời gian ngắn người cha đã “hết chữ” dạy con. Thấy con thông minh nên cha Đinh Thời Trung bèn dẫn cậu đến gặp thầy đồ già có tiếng trong vùng để nhờ dạy dỗ.

Tìm đến đúng lúc thầy đồ đang uống rượu, thầy bèn đọc chữ “tửu” và yêu cầu Thời Trung đối lại. Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh: “Cụ đồ vừa dứt lời, Thời Trung liền đáp chữ “đăng”. Chữ “tửu” gồm hai chữ “thủy, dậu”, chữ “đăng” gồm hai chữ “hỏa, đinh”, như vậy thủy, hỏa (ngũ hành) đối nhau và “dậu, đinh” (can, chi) đối nhau, thực là chỉnh. Ngạc nhiên trước sự thông minh của cậu bé, cụ đồ lại tiếp tục đọc chữ “xuyên”, không ngờ Thời Trung đối lại bằng chữ “mục”. Chữ “xuyên” xoay ngang là chữ “tam”, chữ “mục” xoay ngang là chữ “tứ”, như vậy có thể hiểu là “tam xuyên” đối với “tứ mục”, quả là kỳ tài. Thấy thế, vị lão sư nói với cha Thời Trung, đứa nhỏ này khác thường, sau này chắc sẽ hiển đạt, danh tiếng lớn lắm, sức tôi không dạy nổi, anh nên đem cháu đến người có danh vọng nhờ dạy”.

Cũng theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh, nghe lời thầy đồ già, cha Đinh Thời Trung mạnh dạn mang con đến lớp học của một vị quan trong vùng mới nghỉ hưu. Gặp lúc học trò đang tập làm thơ với đầu đề “Hán Vương như Huỳnh Dương”, Thời Trung liền đọc “Ba Thục an năng uất uất cư/ Huỳnh Dương bát nguyệt Hán Vương như”, vị quan vô cùng kinh ngạc, liền nói với cha Đinh Thời Trung rằng đây là bậc kỳ tài.

Lại nói, nhắc đến sự ra đời của Đinh Thời Trung, trong dân gian vùng đất Cổ Bôn còn lưu truyền câu chuyện kể kỳ lạ. Rằng khi bà mẹ còn đang mang thai, đêm đêm xay giã gạo thường nhìn về phía núi đất cỏ cây rậm rạp phía trước nhà, thấy lấp ló ánh đèn và tiếng trẻ học bài, cho là sự lạ nên bà bảo chồng đến đó xem sao. Nhưng kỳ lạ hơn, khi người chồng đến nơi thì lại không thấy gì. Chuyện kỳ lạ cứ diễn ra như thế cho đến khi người vợ sinh ra Thời Trung. Sau khi cậu bé Đinh Thời Trung chào đời, ở góc sân nhà họ Đinh bỗng nhiên mọc lên những chồi sen trên sân cạn và nhanh chóng trổ ra mười sáu bông sen… Cùng với việc cậu bé Thời Trung thông minh, văn hay chữ tốt, người dân trong vùng cho rằng cậu là do một vị thánh đầu thai vào nhà họ Đinh nên mới thần đồng xuất chúng như thế.

14 tuổi, Đinh Thời Trung đã đỗ Hương cống và được về kinh đô học ở Trường Quốc Tử Giám. Theo sách Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở Việt Nam của tác giả Quốc Chấn: “Thời bấy giờ các quan trong triều cũng cho con cái vào học ở trường này. Trong số đó, có Lê Quý Kiệt là con của Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Bấy giờ ông Đôn đang giữ chức Bồi tụng là chức quan to trong triều, chỉ dưới Tham tụng (Tể tướng) một bậc. Về địa vị xã hội Đinh Thời Trung thấp kém hơn Lê Quý Kiệt. Nhưng về học hành chữ nghĩa thì Đinh có phần sắc sảo hơn”.

Chuyện kể rằng, một lần Đinh Thời Trung theo bạn học Lê Quý Kiệt đến dinh thự của quan đại thần Lê Quý Đôn xin học. Thấy cậu bé mặt mũi khôi ngô lấp ló ngoài cửa như muốn vào nhưng ý chừng còn ngại, quan đại thần Lê Quý Đôn bèn ra vế đối: “Thằng quỷ cắp cái đầu lấp ló cửa Khôi nguyên”. Không phải suy nghĩ lâu, Đinh Thời Trung mạnh dạn đáp lại: “Giày mộc leo cây bàng phất phơ nhà Bảng nhãn”. Nghe xong, Bảng nhãn Lê Quý Đôn gật đầu khen. Thỉnh thoảng, Bảng nhãn Lê Quý Đôn lại hỏi chuyện sách vở, thơ phú và Đinh Thời Trung đều tự tin thể hiện tài năng, sự hiểu biết nên được quan Bồi tụng hết sức yêu mến, nhận vào chỉ dạy thêm. Và ở ngay đất kinh kỳ, danh tiếng của Đinh Thời Trung cũng được nhiều người biết đến.

Lúc bấy giờ ở chốn kinh đô, ba vị danh sĩ Lê Quý Đôn, Hà Tông Huân, Lê Như Quyền được mệnh danh là “Tam hổ” thường thi thơ phú cùng nhau. Mỗi khi các cuộc thi thơ phú được tổ chức vẫn thu hút đông người đến xem, trong số đó có Đinh Thời Trung. Đáng nói, Đinh Thời Trung đã không ít lần “giúp” sức “nhắc” bài cho các vị danh sĩ, vì thế mà văn tài lại càng vang xa, vào trong tận cung vua phủ chúa. Vì yêu mến tài năng của Đinh Thời Trung, người đời thời bấy giờ ưu ái xếp ông vào nhóm “Tràng An tứ hổ”.

Và “nỗi đau” bậc danh sĩ

Sau thời gian chăm chỉ đèn sách, dùi mài kinh sử, năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng 1775, Đinh Thời Trung và Lê Quý Kiệt cùng tham gia khoa thi hội. Sách Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở Việt Nam viết: “Đề thi kỳ này là “Chấn hưng oai vũ thu lại đất xưa”… còn đề phú là “Cẩn thận về quyền hành, xét kỹ về pháp độ” chủ ý muốn chấn chỉnh việc thi cử, chọn được người giỏi không bỏ sót. Vì vậy, từ khoa thi trước triều đình đã đặt ra lệ phúc khảo, xét nghiêm ngặt… Tính tình Đinh Thời Trung vốn rộng rãi với bạn bè và có lẽ bấy lâu học ở Quốc Tử Giám được gia đình Lê Quý Đôn cưu mang nên đến kỳ bốn của khoa thi hội, Thời Trung đã đổi quyển cho Lê Quý Kiệt”.

Thần đồng văn học Đinh Thời Trung và “nỗi đau” cuộc đờiLàng Ngọc Tích thuộc Tứ Bôn xưa là quê hương của thần đồng văn học Đinh Thời Trung.

Lại nói, vì văn tài của Đinh Thời Trung vang vào tận “cung vua phủ chúa” nên có chuyện kể rằng, trước khi kỳ thi diễn ra đã có một cuộc đánh cược giữa Vua Lê và Chúa Trịnh. Chúa Trịnh cho rằng Đinh Thời Trung sẽ đỗ Hội nguyên, còn Vua Lê lại “chọn” Lê Quý Kiệt. Đến khi yết bảng, Lê Quý Kiệt đứng đầu, Thời Trung thứ hai. Nghi có chuyện gian lận, Chúa Trịnh bèn cho tra xét lại và phát hiện hai người tráo bài cho nhau. Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh, sau khi biết Đinh Thời Trung vì nể bạn và thầy học nên đã tráo bài để Lê Quý Kiệt được đỗ trên, triều đình đã tha cho Lê Quý Đôn, Lê Quý Kiệt bị đuổi về làm dân thường, còn Đinh Thời Trung bị lưu đày đảo xa. Về việc này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục luận bàn: “Hai người cùng một tội mà xử phạt khác nhau, sao gọi là công bằng thỏa đáng được?”.

Về làng Ngọc Tích, tôi theo chân ông La Đức Mậu - một bậc cao niên trong làng am hiểu và mến mộ tài năng của danh sĩ Đinh Thời Trung ra ngôi đình làng. Ông chỉ cho chúng tôi xem tấm văn bia Văn Ban Tiên hiền bi do cụ Phó bảng Lê Thế Thứ viết, trong đó có nhắc đến tên tuổi của tiền nhân Đinh Thời Trung (Đinh Trung) và nói: “Là hậu bối, với những chuyện đã xảy ra trong lịch sử, xin không phán xét đúng sai. Nhưng với một bậc danh sĩ tài năng xuất chúng như Đinh Thời Trung, thiết nghĩ rất cần sự hiểu biết, cảm thông và trân trọng của hậu thế”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]