(vhds.baothanhhoa.vn) - Hành trình của tờ Báo Văn hóa Thông tin, nay là Văn hóa & Đời sống gắn với tôi suốt chặng đường tính đến nay tròn 30 năm. Mặc dù tôi có gần 20 năm làm Trưởng đại diện Báo Thanh Niên tại Bắc Trung bộ, nhưng vẫn thường xuyên cộng tác với báo cho đến tận ngày nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thì thầm cùng Văn hóa và Đời sống!

Hành trình của tờ Báo Văn hóa Thông tin, nay là Văn hóa & Đời sống gắn với tôi suốt chặng đường tính đến nay tròn 30 năm. Mặc dù tôi có gần 20 năm làm Trưởng đại diện Báo Thanh Niên tại Bắc Trung bộ, nhưng vẫn thường xuyên cộng tác với báo cho đến tận ngày nay.

Nhà báo Cao Ngọ.

Không biết tôi nhớ có chính xác không (tuổi càng cao trí nhớ càng kém) ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi chân ướt chân ráo về làm việc tại Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thanh Hóa, tôi đã được gặp và làm việc khá nhiều các anh, chị ngành văn hóa thông tin, có lẽ từ thời cụ Trương Công Thụ làm trưởng ty (giám đốc). Thời ấy, tỉnh Thanh Hóa có “ban nếp mới” mà Ty văn hóa thông tin là cơ quan thường trực. Tôi được Tỉnh Đoàn giao nhiệm vụ là đầu mối tập hợp nội dung về hoạt động xây dựng nếp sống mới trong đoàn viên thanh niên để mỗi lần họp ban nếp sống mới (Tỉnh Đoàn là một trong những thành viên) báo cáo về công việc của mình. Thời gian đó ban nếp sống mới của tỉnh đã thai nghén và không lâu cho ra đời một tờ tin, đúng hơn là tờ báo Nếp sống quê hương.

Có tờ Nếp sống quê hương, những vấn đề về văn hóa, phong tục tập quán, nét đẹp trong đối nhân xử thế, trong cuộc sống lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới được tuyên truyền, phổ biến, biểu dương, khen, chê đúng mức, đã phát huy tốt, phục vụ cho công tác chuyên môn. Đồng thời lên án, phê phán những thói hư tật xấu, mê tín dị đoan, những biểu hiện thiếu văn hóa trong sinh hoạt, hội hè, ma chay, cưới xin trong nhân dân... Thế rồi không biết có phải khi đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình hay không mấy năm sau, tờ Nếp sống quê hương không tồn tại. Ngày đó tôi cứ tiêng tiếc khi không còn tờ Nếp sống quê hương bởi vì có tờ báo đó, chúng tôi vừa làm công tác chuyên môn của cơ quan giao cho, vừa tranh thủ “ti toe” viết báo, âu cũng là nơi rèn luyện mình trong việc viết báo sau này...

Ngày 09/6/1989, tôi được cử đi công tác cùng đoàn cán bộ (5 người) của TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, do Anh hùng Trịnh Tố Tâm, Bí thư TƯ Đoàn dẫn đầu, nghiên cứu công tác Dân số kế hoạch hóa gia đình tại Indonexia, Philipnes, Thái Lan, Singapore theo dự án VIE 88/P13 của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNPA). Sau 1 tháng làm việc tại nước ngoài trở về, tôi vô cùng bất ngờ và sung sướng được cầm trên tay tờ Báo Văn hóa - Thông tin mà cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa - Thông tin, nay là Sở VH,TT&DL. Chính cơ quan này là thường trực ban Nếp sống mới trước đây, cũng như chủ quản tờ Nếp sống quê hương. Có lẽ nhận thức được tác dụng to lớn của báo chí trong điều hành, thực thi nhiệm vụ mà lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin quyết tâm cho ra đời tờ báo với tên gọi mới phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành văn hóa thông tin. Và thế là kể từ ngày ấy tôi “lân la” làm quen và thi thoảng cũng gửi vài cái tin cho báo. Dần dà tôi trở thành cộng tác viên thân thiết của tờ Báo Văn hóa Thông tin.

Nhớ lại thời điểm Họa sĩ Hoàng Hoa Mai làm Tổng biên tập Báo Văn hóa Thông tin, ông phát động cuộc thi viết lời cho những bức tranh vẽ trên báo mà ông là “chủ xị”. Kể từ khi phát động, cứ báo phát hành nhìn thấy hình vẽ trên báo, bạn đọc, người viết báo, cộng tác viên ai có khả năng đến đâu thì tham gia đến đó. Viết lời chú thích bằng thơ hẳn hoi. Tôi hồ hởi tham gia, hầu như số báo nào phát hành tôi đều tham gia. Tổng kết cuộc thi tôi là một trong những cộng tác viên tham gia rất tích cực và được trao giải. Tôi không nhớ mình được giải ba hay giải khuyến khích gì đó. Mặc dù giải thưởng thời đó chủ yếu là tinh thần, nhưng trong tôi ngây ngất niềm vui và tự nhủ lòng mình cố gắng cộng tác tốt hơn nữa, tin, bài đều đặn hơn nữa...

Có một chuyện nhân dịp này mới kể cho bạn đọc biết về chuyện Báo Văn hóa Thông tin, nay là Báo Văn hóa & Đời sống, đã minh oan cho một đồng nghiệp công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Chuyện rằng, những năm tháng bao cấp, Nhà báo Phan Sáu, phóng viên của Chương trình phát thanh Thanh Niên (Đài Tiếng nói Việt Nam), đến công tác tại tỉnh Thanh Hóa rất nhiều lần. Tôi đưa Phan Sáu đi làm việc nhiều nơi, con người, công việc, đối nhân xử thế của Phan Sáu trong các chuyến công tác đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp cho lớp cán bộ đoàn và lãnh đạo các huyện, thị thành, đến độ huyện Nông Cống quê tôi còn xem Phan Sáu như người nhà. Ngày đấy vất vả đói kém, có những lần về công tác, vì yêu quí Phan Sáu, lãnh đạo huyện Nông Cống không có gì làm quà, bèn tặng cho Phan Sáu con lợn chừng 15kg kèm theo 1 yến thóc và cho xe chở ra thị xã Thanh Hóa. Chúng tôi đưa Phan Sáu cùng con lợn và bì thóc lên tàu về Hà Nội...

Thế rồi, chuyện xảy ra! Ngày đó không hiểu lý do gì ở Đài Truyền thanh huyện Nông Cống, có em Cúc, khá xinh, trắng trẻo, hồn hậu và rất chan hòa. Đài Truyền thanh Nông Cống lại sát tường với cơ quan huyện đoàn, thứ nữa lại đồng hương, nên thi thoảng về huyện nhà làm việc tôi có đôi lần nói chuyện với Cúc và anh em cũng trở nên thân thiết hơn. Thế rồi, bỗng dưng tôi nhận được tin em Cúc có con khi chưa có chồng và ở huyện Nông Cống, đồn thổi: Đứa con ấy là sản phẩm của Nhà báo Phan Sáu!

Chuyện đứa con của em Cúc lan truyền đến độ Phan Sáu không dám vào Thanh Hóa, mặc dù vùng đất đã ghi dấu chân của anh trong bão lũ, trong các đợt ra quân của đoàn thanh niên các cấp và nhiều hoạt động khác. Tôi nhiều lần nói với Phan Sáu: Chuyện đâu còn đó, mình không gây ra hậu quả thì cứ đàng hoàng vào làm việc “cây ngay không sợ chết đứng”. Thậm chí có vị lãnh đạo huyện Nông Cống nói với tôi: chú gọi điện biểu Phan Sáu vào không việc gì phải sợ. Bọn mình sẽ làm cầu nối, nếu không phải con của Phan Sáu thì sẽ thanh minh cho nó...

Thế rồi, tôi về quê thăm bố mẹ già các em, có qua huyện thăm anh em bạn bè. Tôi dành gần 2 tiếng đồng hồ thăm hỏi và nói chuyện với Cúc để tìm hiểu rõ ngọn ngành. Cúc nói chuyện thân tình, chân thành như anh em trong nhà với tôi và liên tục khẳng định không phải anh Phan Sáu là bố đứa bé, tội cho anh Sáu quá. Còn em mang tiếng sinh con khi chưa có chồng, trong hoàn cảnh ấy em không thể lên tiếng minh oan cho anh ấy được... Tôi có nói với Cúc: Anh sẽ ghi đầy đủ buổi nói chuyện với em hôm nay và anh sẽ viết bài minh oan chuyện này cho Phan Sáu! (thời gian này tôi chưa phải người làm báo chuyên nghiệp). Cúc đồng ý và đề nghị có báo nào đăng anh nhớ gửi cho em đọc.

Trở về cơ quan, ngoài việc chuyên môn, tôi bắt tay vào viết câu chuyện về Phan Sáu với tựa đề: “Giá như ngày ấy!” nói rõ câu chuyện đứa con mà em Cúc sinh ra và gửi Ban biên tập Báo Văn hóa Thông tin. Chừng hơn 10 ngày sau, Báo Văn hóa Thông tin đăng trọn vẹn bài viết của tôi. Tôi vô cùng phấn khởi và chạy sang cơ quan Báo Văn hóa Thông tin xin thêm ít tờ gửi cho Phan Sáu và em Cúc. Và, có lẽ trong rất nhiều tin, bài viết cho Báo Văn hóa & Đời sống thì bài “Giá như ngày ấy” mà bản báo đăng minh oan cho đồng nghiệp Phan Sáu, mãi mãi là kỷ niệm đẹp còn đọng mãi trong tôi.

Có lẽ, hành trình của tờ Báo Văn hóa Thông tin, nay là Văn hóa & Đời sống gắn với tôi suốt chặng đường tính đến nay tròn 30 năm. Mặc dù tôi có gần 20 năm làm Trưởng đại diện Báo Thanh Niên tại Bắc Trung bộ, nhưng vẫn thường xuyên cộng tác với báo cho đến tận ngày nay.

Hôm nay, nhân dịp Báo Văn hóa & Đời sống tròn 30 tuổi, cái tuổi không còn “dại khờ”, tờ báo chững chạc hơn rất nhiều với nhiều chuyên mục hấp dẫn. Đồng thời tờ báo cũng đã làm tốt phần tin tức thời sự cũng như những vấn đề thiết thực đối với đời sống xã hội và cuộc sống của nhân dân. Hy vọng, tuổi 30 của Báo Văn hóa & Đời sống tiếp tục là bệ phóng cho những tác phẩm báo chí có chất lượng trong thời điểm mà quê hương đã, đang và sẽ phát triển hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu!

Cao Ngọ


Cao Ngọ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]