(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hình thức huy động vốn và cho vay vốn tín dụng không thông qua tổ chức, hệ thống Ngân hàng, được gọi là “tín dụng đen” hiện nay đang nở rộ. Chỉ với những thủ tục hết sức đơn giản, người đi vay có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lên đến hàng chục triệu đồng từ các tổ chức cho thuê tài chính. Thế nhưng, phía sau những “chiếc bánh ngọt” hấp dẫn kia lại là những cạm bẫy đáng sợ mà không phải ai cũng biết được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín dụng đen và những hệ lụy (Kỳ 1): ‘Cạm bẫy’ từ những chiếc ‘bánh ngọt’

(VH&ĐS) Hình thức huy động vốn và cho vay vốn tín dụng không thông qua tổ chức, hệ thống Ngân hàng, được gọi là “tín dụng đen” hiện nay đang nở rộ. Chỉ với những thủ tục hết sức đơn giản, người đi vay có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lên đến hàng chục triệu đồng từ các tổ chức cho thuê tài chính. Thế nhưng, phía sau những “chiếc bánh ngọt” hấp dẫn kia lại là những cạm bẫy đáng sợ mà không phải ai cũng biết được.

Thủ đoạn của các tổ chức tín dụng “đen” là thuê người đi phát, dán tờ rơi ở những nơi công cộng, tập trung đông người với nội dung “Cho vay không tín chấp, nhận tiền ngay” kèm theo địa chỉ, số điện thoại liên hệ, hay thành lập những chuỗi cửa hàng cầm đồ làm tấm “bình phong” để hoạt động."Khách hàng" mà các đối tượng nhắm đến là một bộ phận sinh viên, những người buôn bán nhỏ ít vốn xoay chuyển, các cá nhân ham mê cờ bạc... Khi "khách hàng" đã vay tiền, chưa trả được sẽ trở thành nạn nhân của các tổ chức trái phép này.

Mạng lưới dày đặc

Trên nhiều tuyến đường ở TP Thanh Hóa cũng như tại các thị trấn ở nhiều huyện, khu vực dân cư, chợ đang xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hiệu cầm đồ. Tuy được cấp phép cơ sở kinh doanh cầm đồ nhưng trên nhiều biển hiệu đều có quảng cáo thêm dịch vụ hỗ trợ tài chính, cho vay tín dụng theo hình thức cho vay “nóng”, vay trả góp với nhiều ưu đãi như “vay tiền không cần thế chấp”, “thủ tục đơn giản, nhanh chóng có tiền trong ngày"...

Trong vai một người cần gấp tiền để lo việc gia đình, chúng tôi đến công ty hỗ trợ tài chính T. P. (trên đường Quang Trung. TP Thanh Hóa) để vay “nóng”. Sau khi nghe trình bày cần tiền gấp trong ngày, một nhân viên của công ty này hướng dẫn vay theo hình thức “Vay góp”. Nghĩa là vay trên giấy tờ là 20 triệu đồng thì chỉ được cầm về 16 triệu đồng (để lại 4 triệu đồng là tiền lãi) trong vòng 50 ngày, tôi phải trả đủ số tiền 20 triệu đồng (chủ cửa hiệu sẽ thu số tiền gốc theo hình thức mỗi ngày trả góp 400 nghìn đồng).

Để được vay theo hình thức “vay góp”, yêu cầu chỉ cần người vay có chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu ở thành phố. Khi thấy tôi chần chừ vì không mang theo sổ hộ khẩu, nhân viên này nói “yên tâm, chỉ cần về lấy sổ hộ khẩu là có tiền giao ngay”. Khi chúng tôi ngỏ ý chỉ vay 5 ngày sẽ trả, không vay đến 50 ngày thì anh này cho biết: Hiện giờ ở đâu cũng áp dụng hình thức này vì tiện lợi, đơn giản dù chị có vay 5 ngày hay 50 ngày thì vẫn phải trả số tiền lãi là 4 triệu đồng, không chỗ nào làm khác, cần thì về lấy giấy tờ làm thủ tục...

Một số hiệu cầm đồ ở TP Thanh Hóa có dịch vụ “hỗ trợ tài chính”, thực chất là hoạt động cho vay nặng lãi.

Tiếp đó, tôi gọi điện đến một số điện thoại có in trên tờ rơi dán ở trụ điện trên đường Lê Lai. Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh: Cần 20 triệu để làm ăn mà không đủ điều kiện vay ngân hàng, muốn vay “nóng” ít ngày, người đàn ông tên Hiệp, trả lời: “Nếu em có hộ khẩu thành phố hoặc giấy tờ nhà chính chủ thì được, muốn vay bao nhiêu cũng có”. “Thủ tục sao?”, tôi hỏi. “Bọn anh cần xác minh giấy tờ và ngó qua nhà e đang ở là ok. Lãi suất thì cứ 4.000 đồng/1 triệu/ 1 ngày”, người tên Hiệp này trả lời.

Tính nhanh thì lãi suất sẽ là 14%/ tháng. Tôi thắc mắc sao lãi suất cao thế, người tên Hiệp kia trả lời: “Thì bọn anh đưa cho em cả đống tiền mà chỉ cầm lại một mảnh giấy, rủi ro cao như vậy nhỡ em “bùng”, ai sẽ chịu cho anh”. Thấy tôi có vẻ lưỡng lự, người tên Hiệp này đón lời: “ Em cứ suy nghĩ thêm, nếu không thì vay kiểu “bốc họ” 60 ăn 50: em cầm 50 triệu và nộp cho anh mỗi ngày 1 triệu trong vòng 60 ngày”. Như vậy, nếu tôi đồng ý vay 50 triệu thì trong vòng 60 ngày sẽ “bay” mất 10 triệu đồng vào tay chủ nợ Hiệp này.

Trên trải thảm, dưới... cắm đinh

Trên thực tế những người tìm đến “tín dụng đen” hầu hết là người nghèo, không có tài sản thế chấp, khi có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nào đó nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chính vì vậy, một trong những nguyên nhân khiến cho các “con nợ” dễ vướng vào lưới “tín dụng đen” đó chính là bị các đối tượng cho vay đánh trúng vào tâm lý “vay nóng” dễ dàng này.

Một đặc điểm cho vay này, là các thủ tục “hết sức đơn giản” để đánh lừa người vay. Theo đó, hầu hết các cửa hàng, công ty đều đưa lời chào “quảng cáo” rất ngọt. Trước khi vay, thường thì các “tay chân” của các chủ nợ sẽ tìm hiểu khá kỹ về nhân thân của các con nợ để đánh giá về khả năng trả nợ, từ đó sẽ cho vay bao nhiêu tiền và tính toán áp dụng ngón đòn nào để thu hồi nợ.

Đối với những người vay có tài sản thế chấp, các đối tượng thường chuyển hóa việc vay nợ bằng viết giấy mua bán, chuyển nhượng tài sản sang tên người khác với mục đích chiếm đoạt. Nạn nhân trong những vụ án này hầu hết không có khả năng thanh toán do lãi suất cắt cổ và nhanh chóng bị chúng chiếm đoạt tài sản thế chấp.Đáng chú ý, những tổ chức “tín dụng đen” còn núp bóng nhiều hình thức khác nhau như cơ sở kinh doanh có điều kiện để làm bình phong che chắn các hoạt động phạm pháp. Đối tượng cầm đầu thường không trực tiếp đứng tên mà cho các đối tượng khác có liên quan ra mặt để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Như vậy, người đang có nhu cầu về tài chính tìm đến những địa điểm cung cấp này nếu không tỉnh táo rất dễ bị “gài” và hậu quả mất tài sản thì khó tránh khỏi.

Các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê được tổ chức chặt chẽ, thường tập hợp những đối tượng côn đồ, lưu manh cầm đầu để hoạt động. Chúng kết nạp các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, kể cả đối tượng tỉnh ngoài hoặc có nhiều kinh nghiệm trong việc đòi nợ, xiết nợ.

Hải Lộc

Cho vay nặng lãi có thể ngồi tù

Căn cứ theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội cho vay lãi nặng:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]