(vhds.baothanhhoa.vn) - Những chuyến đi vốn dĩ không thể tách rời, gắn bó máu thịt với người làm báo. Và trong những chuyến tác nghiệp ấy đã có những kỷ niệm vui, buồn, là tâm sự, nguồn cảm hứng động viên, thôi thúc họ cống hiến, đam mê hơn với nghề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trên hành trình tác nghiệp

Những chuyến đi vốn dĩ không thể tách rời, gắn bó máu thịt với người làm báo. Và trong những chuyến tác nghiệp ấy đã có những kỷ niệm vui, buồn, là tâm sự, nguồn cảm hứng động viên, thôi thúc họ cống hiến, đam mê hơn với nghề.

Máy ảnh thì nhỏ... máy bay thì to

Đó là câu nói đùa hóm hỉnh từ lần tác nghiệp đáng nhớ ở Cảng Hàng không Thọ Xuân những ngày đầu đi vào hoạt động với chức năng dân dụng và tôi được đến tác nghiệp.

Vừa tốt nghiệp đại học, tôi về công tác tại Báo VH&ĐS Thanh Hóa. Tuy kiến thức tiếp thu được trên giảng đường chưa được mài giũa, thực hành nhiều, song được sự tạo điều kiện của cơ quan tôi có cơ hội tham gia một số sự kiện lớn trong đó có việc đón chuyến bay đầu tiên giữa TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa. Đó là ngày 5/2/2013.

Hôm ấy, tôi có mặt tại sân bay từ rất sớm. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, tất cả phóng viên tham gia tác nghiệp tại sự kiện này được một chiếc ô tô chuyên dụng đưa ra khu vực sân bay. Bởi đây là sự kiện quan trọng nên được nhiều cơ quan thông tấn báo chí quan tâm. Trên chuyến xe chật ních người không chỉ có anh em làm báo địa phương mà hầu hết là báo trung ương, người thường trú tại Thanh Hóa, người từ Hà Nội về. Điều gây bối rối với tôi lúc đó chính là phương tiện dùng để tác nghiệp. Trong khi tất cả mọi người đều trang bị máy ảnh cơ hiện đại với ống kính góc rộng, thậm chí có te-le chuyên dụng, tôi - một sinh viên mới ra trường chỉ cầm trong tay chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Canon, mà mãi về sau chúng tôi gọi đó là máy đậu phụ (vì máy bằng cỡ miếng đậu phụ). Đó là chiếc máy tôi mua từ khi còn là sinh viên trường báo chí năm thứ 3 để phục vụ các môn học trong trường và chụp ảnh cho tin, bài cộng tác với các trang báo mạng điện tử. Bước chân ra khỏi giảng đường, dường như nó không còn phù hợp.

PV Nguyên Mai trong một chuyến tác nghiệp.

Tuy nhiên, việc trước mắt vẫn là hoàn thành tốt nhiệm vụ mà tòa soạn tin tưởng giao cho mình. Với chiếc máy ảnh nhỏ, tôi vẫn cố gắng tìm những góc chụp xa để bắt được cảnh máy bay trên bầu trời và chuẩn bị đáp xuống Cảng Hàng không Thọ Xuân. Tất nhiên, việc sử dụng một chiếc máy du lịch so với việc sử dụng một chiếc máy ảnh chuyên dụng sẽ vất vả hơn rất nhiều. Trong khi các đồng nghiệp khác có thể đứng 1 chỗ và phóng tầm ngắm thì tôi phải chạy qua nhiều vị trí khác nhau để bắt kịp sự chuyển động của máy bay. Có điều, không chỉ có mình tôi mà một cô nhà báo khác, tuổi đã ngoại ngũ tuần cũng sử dụng một chiếc máy đậu phụ như thế. Bỗng nhiên, điều đó lại trở thành niềm vui nho nhỏ sau lần đầu tác nghiệp ở một sự kiện lớn.

Sau tất cả, ảnh và tin bài vẫn được gửi về tòa soạn kịp thời. Nhưng có lẽ đây sẽ là lần tác nghiệp đáng nhớ nhất. Từ một sự kiện lớn, tôi rút ra bài học về tầm quan trọng của trang thiết bị, máy móc phụ trợ mà trong đó chiếc máy ảnh như cánh tay phải, như đôi mắt của người phóng viên. Cũng từ một sự kiện lớn, hội tụ nhiều cơ quan báo chí tham dự, tôi có cơ hội làm quen, kết bạn với nhiều đồng nghiệp. Đó cũng là yếu tố quan trọng để nắm bắt các thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tác nghiệp báo chí!

Mai Phương

Điều tôi thích ở nghề báo, đó là những chuyến đi

Có lần bạn đồng nghiệp hỏi tôi về kỷ niệm đáng nhớ của mình trong quá trình tác nghiệp là gì. Tôi không trả lời ngay lập tức, bởi với tôi, mỗi hành trình, mỗi bài viết đều là một kỷ niệm đáng nhớ.

Nghề báo đến với một số người có thể chỉ là cái “duyên”, nhưng với tôi đó là chủ đích, là mơ ước cháy bỏng từ ngày học cấp 3. Và tôi nghĩ, tôi là người may mắn khi mơ ước của mình trở thành hiện thực. Cho đến nay, sau 7 năm gắn bó với nghề, tôi vẫn còn nhớ rất rõ niềm vui đến tột độ khi những “đứa con tinh thần” đầu tiên ra đời. Có thể chỉ là một cái tin ngắn, vỏn vẹn vài trăm chữ, phía dưới đề “hẳn hoi” tên mình cũng khiến cho tôi đọc đi đọc lại cả chục lần.

Ban đầu, tôi thường viết về những đề tài xung quanh cuộc sống thường ngày, lĩnh vực giáo dục, văn hóa, đặc biệt tôi yêu thích những đề tài viết về đời sống văn hóa của người dân khu vực miền núi như “Bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào Thái ở Quan Sơn” hay “Bá Thước: Bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc”... Sau một thời gian quen với công việc, thi thoảng tôi có viết bài điều tra.

Tác giả trong một chuyến tác nghiệp tại Ninh Bình.

Tôi còn nhớ rất rõ, bài viết về nạn khai thác đất rừng trái phép tại xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn. Khi ấy, giữa trưa nắng, hành trang tác nghiệp của một nữ phóng viên như tôi chỉ là một chiếc xe máy đã cũ và một chiếc điện thoại chụp được ảnh. Tôi lượn đi lượn lại vài vòng trên con đường bụi mù đất đỏ, tay cầm sẵn điện thoại để chụp ảnh nhưng vì run quá, nên chờ mãi đến khi không thấy người qua lại tôi mới dám chụp ảnh đoàn xe đang ra vào chở đất. Chụp xong, tôi phi một mạch về nhà, nghiên cứu kỹ và ghi chi tiết từng câu hỏi để gặp gỡ người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương, đề phòng trường hợp hỏi thiếu thông tin. Khoảng hơn 1 tuần sau thì bài viết được hoàn thiện và đăng trên hơn nửa trang Báo Văn hóa và Đời sống. Các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sự việc. Với tôi, niềm vui về “đứa con tinh thần” ấy không thể nào diễn ra được.

Thế đấy, niềm vui và tình yêu nghề của tôi được bắt đầu như thế. Sau một thời gian, năm 2013 tôi được tòa soạn phân công viết về lĩnh vực du lịch. Thú thật, đầu tiên tôi không hào hứng, thậm chí cảm thấy “bực bội” khi nghĩ về hai chữ “du lịch”. Tôi mơ hồ không biết nên bắt đầu từ đâu, viết cái gì... Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, tôi bắt đầu tiếp cận với những cuốn đề án phát triển du lịch Thanh Hóa dày cộm, nghiên cứu kỹ từng trang đến nỗi nhàu nát, đọc kỹ từng vấn đề rồi lần mò chọn lọc đề tài để viết. Dần dần, vừa đi tôi vừa tìm thêm đề tài. Đến nay, sau hàng trăm bài viết về du lịch ra đời, tôi nhận ra, dù ở lĩnh vực nào cũng có những khó khăn, niềm vui riêng của nó. Và chợt nhận ra rằng, điều tôi thích nhất ở nghề báo, đơn giản đó chỉ là những chuyến đi.

Hoài Anh

Những câu chuyện đời thôi thúc tôi tiếp tục cầm bút...

Hơn 10 năm về công tác tại Báo Văn hóa và Đời sống (VH&ĐS), tôi thường được tòa soạn phân công viết về mảng đề tài đời sống xã hội, trong đó tập trung vào những mảnh đời, những số phận con người. Tôi đã đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nhân vật mà ở đó mỗi người là mỗi hoàn cảnh khác nhau, có nỗi buồn nhiều hơn niềm vui và có những câu chuyện theo tôi cho đến tận bây giờ.

Cách đây 7 năm, tôi có một bài phản ánh nhỏ đăng trên Báo VH&ĐS mang tên “Chuyện dưới gầm cầu”. Đó là câu chuyện về những mảnh đời sống dưới gầm cầu vượt Phú Sơn (TP Thanh Hóa). Họ là những người ăn xin, những người đi mua phế liệu... Họ ăn uống, ngủ, nghỉ ngay dưới gầm cầu này. Thực tế với họ, gầm cầu là nhà và hơn thế đó là một nơi trú chân bình yên.

Trong số những người này tôi đặc biệt chú ý đến một ông lão gầy gò với bộ tóc dài khoảng hơn 1m. Bộ tóc này được ông tết và gấp nó lại, có cảm giác như bộ tóc của ông đã từ lâu không được gội nên trông bết và nếu chỉ nhìn thoáng qua không nghĩ đấy là tóc. Ở dưới gầm cầu này, ông dựng một túp lều chỉ đủ một người ở. Túp lều được che đậy bằng giấy, bằng phên, bằng đệm rách mà người ta vứt đi. Ban ngày ông đi kiếm phế liệu để nuôi thân. Lúc nào đi, ông lại đóng cửa nhà bằng cách, để hình chiếc chăn cho giống hình người, để trộm không vào lấy nồi niêu, bát đũa, bếp gạch hồng của ông. Tôi cứ ngỡ tiếp xúc với ông sẽ rất khó vì với thân hình của ông như thế luôn tạo một cảm giác sợ hãi cho người đối diện. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, ông là một người bình thường và có trí nhớ rất tốt. Ông tên Minh, người xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa). Thời điểm tôi gặp ông, khi đó ông 76 tuổi.

Sau khi bài báo ra đời, tôi được Tổng biên tập lúc bấy giờ là chú Phạm Minh Trị gọi lên, yêu cầu về xã Thiệu Nguyên để xác minh lại nhân vật trong bài viết vì từ phía UBND xã Thiệu Nguyên có gửi đơn thư cho tòa soạn, khẳng định ở xã này không có ông lão nào giống nội dung cũng như hình ảnh bài báo phản ánh. Đối với tôi, việc cần làm đầu tiên lúc đấy là đến gầm cầu vượt Phú Sơn để gặp lại ông lão tên Minh và điều hết sức bất ngờ khi chính ông Minh là người đề nghị trước, rằng hãy đưa ông về Thiệu Nguyên để minh chứng ông chính là người con của mảnh đất này.

Chuyến đi đưa nhân vật trong bài viết về quê khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được ông dẫn đến từng nhà người thân, anh em, họ hàng ở xã Thiệu Nguyên. Tuy nhiên con cái của ông Minh hiện không còn ở xã này mà đã chuyển đi đến địa phương khác sinh sống. Bất ngờ là chính Chủ tịch xã Thiệu Nguyên lúc đấy là anh Nguyễn Kim Hồng khi gặp trực tiếp ông cũng phải thốt lên vì ông Minh chính là hàng xóm, ở ngay sát cạnh nhà mình, chỉ có điều là gia đình ông Minh chuyển đi đã lâu nên vị chủ tịch không thể nhớ được. Tôi nhớ lần đấy, chủ tịch Hồng có nói với tôi: Khi xem nội dung và hình ảnh bài báo, tôi hơi bức xúc vì trong xã không thể có trường hợp một ông già gần 80 tuổi lại đi lang thang, sống khổ sở như thế được. Nhưng hôm nay, có mặt phóng viên ở đây, chính quyền địa phương hứa sẽ liên lạc với gia đình, họ hàng để đưa ông về nhà. Nhưng rất tiếc, một thời gian sau đó, chủ tịch Hồng có gọi điện cho tôi báo tin ông Minh lại bỏ đi, không chịu ở lại với gia đình. Việc bỏ đi của ông Minh đã rất nhiều lần và ngay cả gia đình cũng đã nhiều lần đón ông về, thậm chí đã nghĩ đến việc đưa ông vào một trung tâm bảo trợ nhưng có lẽ ông ưa một cuộc sống tự do nên đã từ chối sự quan tâm của người khác... Về sau này tôi lại vẫn gặp ông ở dưới gầm cầu vượt Phú Sơn, vẫn hàng ngày lang thang đi nhặt phế liệu...

Nghề báo được đi nhiều nơi, gặp được nhiều nhân vật, hiểu hơn những phận người và để nhân lên trong tôi sự cảm thông, chia sẻ, tình thương yêu... Những câu chuyện đời vì thế vẫn thôi thúc tôi tiếp tục cầm bút...

Hoàng Việt Anh

Chuyến ngược ngàn đầu tiên

Gần 10 năm gắn bó với nghề báo, với biết bao kỷ niệm vui buồn, cả những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn, nhưng đọng lại trong tôi ấn tượng nhất là những lần tác nghiệp cùng đồng nghiệp ở các huyện đặc biệt khó khăn.

Một kỷ niệm mà giờ đây nhớ lại, tôi vẫn thấy lâng lâng một niềm vui khó tả. Đó là lần tôi viết bài về hoạt động văn hóa - văn nghệ ở những xã khó khăn của huyện miền núi Quan Hóa. Trước khi đi, mặc dù, đã được báo trước, đường cực kỳ khó đi, và có thể sẽ đi bộ, thế nhưng tôi vẫn quyết tâm và chuẩn bị mọi thứ thật cẩn thận. 5h30 phút sáng tôi hăng hái lên đường. Quả thật tất cả những gì diễn ra ở thực tế khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Những con đường đất, sỏi lẫn lộn, bé tí, hai bên là núi và rừng. Đoạn thì đi xe máy được, đoạn thì đi bộ, hôm đó đúng ngày trời mưa tầm tã. Đổi lại, tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp cũng những người dân giành cho mình bằng bữa cơm trên nhà sàn hay đơn giản là những bắp ngô nướng.

Trong chuyến ngược ngàn đầu tiên trong đời làm báo, tôi đã có 3 ngày cùng cán bộ văn hóa thực tế cuộc sống người dân các xã Hiền Kiệt, Phú Lẹ trong sự đùm bọc, sẻ chia... Chia tay họ trong ngậm ngùi và cũng có những giọt nước mắt... tôi hứa tôi sẽ trở lại.

Có lăn xả với nghề mới biết, làm báo không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, nhất là khi thực hiện bài điều tra. Có những vụ việc mà phóng viên phải dùng đến sự khôn khéo, tự tin thì quá trình tác nghiệp mới có kết quả. Tôi còn nhớ lần điều tra theo đơn thư bạn đọc tại một số khu tái định cư trên địa bàn TP Thanh Hóa về việc thiếu hạ tầng điện nước, chủ đầu tư bàn giao mặt bằng chậm... Những lần chúng tôi liên lạc để tác nghiệp đều bị chủ đầu tư từ chối hoặc tìm cách né tránh, thậm chí họ còn cho bảo vệ đuổi phóng viên, dọa nạt, thu máy ảnh... Vì vậy, để có được tư liệu cũng như ảnh cho bài báo, chúng tôi đã phải cải trang và giấu đồ nghề để lọt được vào bên trong gặp gỡ người dân, chụp ảnh viết bài nộp về cho tòa soạn...

Trong đời làm báo, còn biết bao kỷ niệm khó có thể kể hết. Tôi vui vì được nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình...

Nguyễn Đạt

Họa sĩ và cơ duyên vớinghề báo

Báo chí là nghề đặc biệt, người làm nghề không nhất thiết phải học trong trường báo chí thì sau này mới được làm nhà báo. Thực tiễn chứng minh rất nhiều nhà báo đã thành danh mà không qua trường đào tạo báo chí.

Nghề báo đến với tôi như một cơ duyên. Thời còn trên ghế giảng đường, được học chung và tiếp xúc với các học viên Khoa Viết văn của Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi gặp gỡ, trao đổi, thậm chí là những buổi “tranh luận” trong tiết học cùng với những học viên nhà văn, nhà thơ, nhà báo là những người lính mang quân hàm đã và đang làm báo thực thụ lúc bấy giờ, như: Nhà báo Nguyễn Văn Hạnh, nhà báo Ngô Tiến Mạnh, nhà báo Hồng Hiếu... Từ đó, với tôi cái nghề của các anh luôn được trân trọng và như một niềm ước ao.

Vốn dĩ là học viên của trường nghệ thuật chuyên ngành mỹ thuật, ra trường, sau thời gian tuyển dụng, học việc, rồi thử việc... mong ước được làm nghề báo bấy lâu thành sự thực. Tôi được tòa soạn Báo VH&ĐS nhận vào làm việc tại Ban Thư ký tòa soạn với công việc chính là trình bày trang báo in. Ở đây, tôi được sống với chuyên môn là họa sĩ qua những lần thiết kế trang báo, thiết kế bìa, hay vẽ tranh minh họa...

Tác giả (bên phải ảnh) trong lần trao đổi với PV về nghiệp vụ ảnh.

Mọi chuyện như lẽ tự nhiên, tôi xin đi theo các anh chị phóng viên trong những chuyến tác nghiệp đường dài. Từ niềm đam mê với nghề, tôi tích cóp, học hỏi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệp làm báo. Tôi bắt đầu học chụp ảnh, viết những mẩu tin ngắn, rồi đến tin sâu, lâu dần viết được bài phản ánh, rồi ghi chép... Giờ đây, sau gần chục năm công tác ở cơ quan báo chí, nghề báo đã ngấm vào huyết mạch, tôi vẫn đi và viết, vẫn vẽ minh họa, thiết kế (design) báo in.

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ trong thời đại 4.0, đòi hỏi họa sĩ hay người làm báo luôn phải sáng tạo, thích nghi kịp thời, cập nhật kiến thức, tin tức mới, nghiêm túc trong việc tiếp nhận thông tin, nâng cao bản lĩnh của người làm báo để những sản phẩm ra đời thật sự hấp dẫn, khách quan và chạm đến trái tim người đọc... Là cơ duyên hay nghề chọn người, với tôi nghề báo là cả niềm đam mê, cũng như ăn, như uống và như thở vậy!

Ngọc Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]