(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Làng nghề làm hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) những ngày này lại vui như hội, rộn ràng với những đèn kéo quân, ông sao...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về làng nghề làm hoa giấy xem đèn trung thu

(VH&ĐS) Làng nghề làm hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) những ngày này lại vui như hội, rộn ràng với những đèn kéo quân, ông sao...

Đến hẹn lại lên, như bao mùa trung thu khác, năm nay làng nghề cũng tất bật cho ngày vui của con trẻ. Những người làng nghề cứ mỗi dịp trung thu về, lòng lại đầy những mừng vui, hồi hộp cho ra những sản phẩm mang đậm chất truyền thống của dân tộc.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghề làm hoa giấy (làm hàng mã) đã xuất hiện trên đất Mật Sơn. Năm 2016, nơi đây đã được công nhận làng nghề với hơn 50 hộ sản xuất ra các sản phẩm từ chất liệu giấy cho ngày lễ tết, ngày xá tội vong nhân... Hơn 10 năm nay, vào ngày rằm 15/8 âm lịch hàng năm, tại 3 khu phố: Mật Sơn 1, Mật Sơn 2 và Mật Sơn 3, nhiều hộ còn làm đèn ông sao, đèn kéo quân. Đây được xem như là địa chỉ duy nhất ở Thanh Hóa còn sản xuất ra các sản phẩm trung thu truyền thống này. Mặc cho đồ chơi Trung Quốc được bày bán tràn lan trên các khu phố nhưng vào ngày của chị Hằng, chú Cuội, người Thanh Hóa vẫn chuộng hàng Thanh Hóa, vì lẽ đó mà đèn kéo quân, đèn ông sao vẫn chiếm “ngôi”...

Cách đây hơn nửa tháng, khi làm hàng cho ngày xá tội vong nhân xong, gia đình bà Châu Thị Thanh ở phố Mật Sơn 2 đã bắt tay ngay vào làm hàng cho ngày Trung thu. So với năm ngoái thì số lượng hàng nhiều hơn và thị trường cũng được mở rộng hơn khi có thêm một số khách ở các huyện Bá Thước, Thọ Xuân xuống đặt hàng. Năm ngoái, gia đình bà Thanh bán được 600 chiếc đèn ông sao, kéo quân, dự kiến năm nay con số này sẽ lên tới khoảng 700 - 800 chiếc. Tùy vào yêu cầu của khách hàng mà diện tích của những chiếc đèn cũng có sự thay đổi, chiếc đèn nhỏ nhất là 1,1m, lớn nhất cũng phải 4,5- 5m. Chiếc nhỏ nhất với giá 140.000 đồng/chiếc và có những chiếc đèn được đặt với giá lên tới 4 triệu đồng/chiếc.

“Đến hẹn lại lên", làng nghề lại tất bật làm đèn cho ngày hội Trung thu.

Bà Thanh cho biết: “Những năm đầu làm đèn thì khách hàng thường làm đèn bóng kính nhưng 5,6 năm nay, dân mình lại thích đèn bạt, đèn vải hơn nên đèn bóng kính cũng ít làm hơn”. Không chỉ dừng ở việc, cả gia đình bà Thanh gồm vợ chồng bà, con gái, con trai cùng làm đèn mà gia đình còn thuê thêm 6-7 lao động với 100 - 150 nghìn đồng/người/ngày công để làm các công đoạn cho đèn.

Như vậy, trong dịp Tết Trung thu, làng nghề sẽ cho ra đời hàng nghìn chiếc đèn thủ công truyền thống. Những chiếc đèn thủ công truyền thống mà ở đó chỉ có nan, có bạt, có vải, qua những công đoạn như chẻ nan, phơi, vào khung... và cuối cùng là để có một sản phẩm rước trong đêm hội. Theo những người nhà nghề thì đèn kéo quân làm khó hơn đèn ông sao nhất là ở khâu kỹ thuật. Trên nền của đèn ông sao hay kéo quân vẫn là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của làng quê Việt đó là cây đa - con trâu - chú Cuội và chắc chắn không thể thiếu được hình ảnh của Bác Hồ với các cháu thiếu nhi...

“Tùng dinh dinh...Tùng tùng tùng...dinh dinh...”, tiếng trống hội đêm rằm đã sắp bắt đầu gióng giả vang lên ở làng trên, xóm dưới, trong từng khu phố, trên mọi nẻo đường... Đèn ông sao, kéo quân đã lại sắp được giăng lên cao hoặc được đoàn người, đoàn xe rước đi trong đêm hội. Cuộc sống càng hiện đại thì có thể những gì còn lại của truyền thống đôi khi bị lãng quên. Nhưng may mắn, đèn trung thu truyền thống vẫn được “thổi hồn” nhờ vào làng nghề làm hoa giấy Mật Sơn.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]