(vhds.baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh xưa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay được xem như là một hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ. Vùng đất này là nơi chứng kiến những trang sử đầu tiên của lịch sử con người từ buổi bình minh và cũng là nơi các nền văn hóa hình thành và tỏa sáng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất này là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vùng đất Hàm Rồng trong dòng chảy lịch sử xứ Thanh

Xứ Thanh xưa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay được xem như là một hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ. Vùng đất này là nơi chứng kiến những trang sử đầu tiên của lịch sử con người từ buổi bình minh và cũng là nơi các nền văn hóa hình thành và tỏa sáng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất này là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Nét nổi trội của vùng đất Hàm Rồng không chỉ là những dấu ấn lịch sử mà còn được thể hiện bằng những tác động của lịch sử đến sự phát triển, bản sắc văn hóa với không gian văn hóa Hàm Rồng qua các thời kỳ lịch sử.

Cầu Hàm Rồng là một biểu tượng anh hùng bên dòng sông Mã.

Từ văn hóa Đông Sơn đến bộ Cửu Chân nước Văn Lang

Thanh Hóa là một vùng đất sớm được kiến tạo, là nơi có lịch sử phát triển lâu dài và liên tục.

Vùng đất Đông Sơn - Hàm Rồng là nơi hội tụ những di tích có liên quan đến lịch sử dựng nước của dân tộc.

Tài liệu điều tra, khai quật và những công trình nghiên cứu lịch sử vùng đất đôi bờ sông Mã trong hơn nửa thế kỷ qua đã khẳng định: Châu thổ sông Mã mà trung tâm là vùng đất cổ Đông Sơn là một trung tâm phát triển của văn hóa Đông Sơn. Văn hóa này góp phần quan trọng vào việc hình thành nên bộ Cửu Chân - một trong 15 bộ của nước Văn Lang.

Dấu tích về hoạt động của con người thời kỳ đầu tiên chinh phục khai phá vùng đất cổ Đông Sơn đã được phát hiện tại nhiều nơi. Tiêu biểu là các địa điểm như di tích Cồn Chân Tiên (cạnh ngã ba Đầu) Đồng Vưng, Đồng Ngầm (lớp dưới), Bái Man (Đông Lĩnh), Đông Khối (Đông Cương). Tiêu biểu là di tích Cồn Chân Tiên và di tích Đông Khối. Đây là những làng cổ được hình thành trong quá trình chinh phục vùng châu thổ hạ lưu sông Mã. Chủ nhân các làng cổ này đã có mối liên hệ ngày càng rộng mở với các nhóm cư dân vùng ven biển phía Bắc tỉnh Thanh Hóa và khu vực châu thổ sông Hồng.

Văn hóa Đông Sơn được phát hiện vào năm 1924 tại địa điểm Đông Sơn thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn (nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) và sau đó địa danh này vinh dự được mang tên “Văn hóa Đông Sơn”. Văn hóa này là một trong số ít văn hóa được phát hiện đầu tiên trên đất Việt Nam. Đây là một văn hóa khảo cổ có nhiều ảnh hưởng trong khu vực được nhiều nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới biết đến.

Trong khu vực trung tâm, không gian văn hóa Hàm Rồng là nơi tập trung nhiều di tích văn hóa Đông Sơn và đặc biệt đây là nơi tập trung những di tích quan trọng nhất.

Các di tích văn hóa Đông Sơn tiêu biểu trong khu vực trung tâm của không gian văn hóa Hàm Rồng là di tích Đông Sơn và di tích Thiệu Dương(1).

Di tích khảo cổ học Đông Sơn nằm ở vị trí phía Đông của núi Rồng bên bờ sông Mã, cách cầu Hàm Rồng chưa đầy 1 km. Đây là vị trí thuận lợi cho việc định cư lâu dài của cư dân nông nghiệp và sự giao lưu văn hóa trong vùng châu thổ sông Mã và khu vực.

Di tích này được phát hiện cách ngày nay gần 1 thế kỷ (năm 1924). Ngay sau khi được phát hiện, di tích Đông Sơn cùng với những di vật được phát hiện và công bố đã thu hút các nhà nghiên cứu. Vào đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” đã ra đời và được các nhà khảo cổ thừa nhận đây là một văn hóa khảo cổ tiêu biểu của khu vực.

Cùng với các loại công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức, tại di tích Đông Sơn còn phát hiện được nhiều ngôi mộ táng với các táng thức mang nét riêng của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Các tài liệu về nhân chủng ở đây đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định thành phần nhân chủng của người Đông Sơn.

Đặc biệt tại Đông Sơn đã phát hiện được nhiều trống Đông Sơn. Các trống Đông Sơn ở đây với kiểu dáng hài hòa, hoa văn phong phú là loại trống tiêu biểu cho nhóm trống mang đặc trưng riêng của trống Đông Sơn phổ biến ở khu vực sông Mã(2).

Di tích khảo cổ học Thiệu Dương thuộc đất Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa (nay thuộc TP Thanh Hóa). Vị trí của di tích cận kề với thành Dương Xá, nơi bắt đầu của núi rồng, bên bờ Nam của sông Mã.

Di tích Thiệu Dương được phát hiện và khai quật trong thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Các di vật phát hiện ở đây có sự tương đồng, thống nhất với những di vật được phát hiện ở di tích Đông Sơn. Sự thống nhất trong cấu tạo tầng văn hóa khảo cổ, các loại di vật giữa di tích Thiệu Dương và Đông Sơn đã phản ánh sự thống nhất về mặt văn hóa, trình độ phát triển, niên đại của các di tích trong một địa bàn của văn hóa Đông Sơn.

Sự phát triển và tỏa sáng của văn hóa Đông Sơn trên đôi bờ hạ lưu sông Mã đã có tác động đến sự ra đời của vùng trung tâm Bộ Cửu Chân và trấn lỵ xứ Thanh trong một thời gian dài của thiên niên kỷ thứ nhất.

Đối với thời kỳ “các vua Hùng đã có công dựng nước” (lời Bác Hồ), văn minh Đông Sơn là cơ sở vật chất của nhà nước Văn Lang. Trong những thành tựu của văn minh Đông Sơn, trống Đông Sơn là di vật tiêu biểu cho tài năng, trí sáng tạo của tổ tiên ta trong thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên.

Trên nền tảng văn hóa vật chất của văn hóa Đông Sơn ở khu vực này, Bộ Cửu Chân của nước Văn Lang đã hình thành và phát triển.

Cùng với châu thổ sông Hồng, nơi quê hương buổi đầu của lịch sử dân tộc, châu thổ sông Mã với văn hóa Đông Sơn đã góp phần vào bản hùng ca thời kỳ dựng nước đầu tiên(3).

Hào khí Đông Sơn là sức mạnh để đất nước ta chống lại âm mưu đồng hóa của kẻ thù trong nghìn năm Bắc thuộc.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng, sức mạnh truyền thống của văn minh Đông Sơn đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm nên chiến thắng.

Cánh chim lạc bay lên từ thuở ấy

Nâng ta lên cánh én bạc ngày nay

Đánh quỷ Mỹ bằng bốn ngàn năm đứng dậy

Đồng Đông Sơn là xương cốt núi sông này.

(Huy Cận)

Từ thành cổ Dương Xá đến Thành Hạc

Vùng đất Đông Sơn - Hàm Rồng không chỉ có vai trò quan trọng trong Bộ Cửu Chân của nước Văn Lang mà vị trí trung tâm này vẫn còn được duy trì trong dòng chảy lịch sử xứ Thanh. Trước khi thành Dương Xá được tạo dựng vùng đất Dương Xá - núi Vồm là địa bàn của thành Tư Phố. Thành Tư Phố là một thủ phủ của vùng đất xứ Thanh trong những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ đầu tiên.

Thành cổ Dương Xá là một tòa thành được xây dựng từ rất sớm trên đất Dương Xá.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết về trấn thành cũ này với đôi dòng sơ lược: “Trấn thành cũ: ở bãi Dương Xá, huyện Đông Sơn, từ nhà Lê đến Tây Sơn trấn thành ở đây, bản triều dời đến làng Thọ Hạc mà bỏ thành này”(4).

Căn cứ vào những chứng tích còn lại có thể biết đây là một tòa thành có quy mô lớn. Thành được đắp bằng đất, hình chữ nhật. Chiều dài khoảng 1.000m, chiều rộng khoảng 800m, chân thành dày 10m, mặt thành rộng 8m, cao 2m, thành phía ngoài dựng đứng tiện lợi cho việc vận động từ chân thành lên mặt thành.

Thành có 4 cửa: tả, hữu, tiền, hậu. Cửa tiền quay về hướng Nam, cửa hậu thông ra sông Mã (bến Cái). Giữa tòa thành là một khu đất hình vuông, mỗi chiều 400m, cao hơn so với xung quanh, trên khu đất này xây các dinh thự làm việc cho quan lại.

Sự tồn tại của thành Dương Xá trong nhiều thập kỷ đã tạo điều kiện để vùng đất phía Nam ngã ba Đẩu phát triển thành một đô thị cổ sầm uất và ảnh hưởng tới các khu vực. Dấu vết tòa thành cổ Dương Xá nay là một trong những điểm đến của du lịch Hàm Rồng.

Vương triều Tây Sơn đã để lại dấu ấn đậm nét trên vùng Hạc Oa - Thọ Hạc. Theo lời truyền văn, trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh, Hoàng đế Quang Trung đã dừng chân ở làng Hạc để bổ sung thêm quân, lương thực và làm lễ thệ sư, quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh. Cảm kích về ý chí quyết tâm đánh giặc và sự tham gia của nhân dân Thanh Hóa, vua Quang Trung đã tặng cho làng Hạc chữ “Thọ” để ghép với chữ “Hạc” thành địa danh “Thọ Hạc”(5).

Từ đầu thời Nguyễn, trấn lỵ của xứ Thanh được dời về làng Thọ Hạc và thành Hạc đã được tạo dựng thành tỉnh lỵ của xứ Thanh trong thời kỳ vương triều Nguyễn.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã cho biết về thành tỉnh Thanh Hóa khá cụ thể: “Thành tỉnh Thanh Hóa chu vi 600 trượng, cao 1 trượng, mở 4 cửa, hào rộng 8 trượng 8 thước, sâu 6 trượng 5 tấc, ở địa phận xã Thọ Hạc, huyện Đông Sơn... bản triều Gia Long năm thứ 3 dời đến xã Thọ Hạc hiện nay(6).

Khác với các kiểu thành truyền thống được xây dựng dựa vào địa hình tự nhiên hay hình chữ nhật, thành Thọ Hạc được xây theo kiểu vô băng, kết hợp được hai yếu tố thành và thị tạo điều kiện cho đô thị Thanh Hóa sớm hình thành và phát triển.

Sự ra đời của thành Dương Xá và thành Thọ Hạc có thể xem là hai sự kiện lớn tác động đến sự phát triển của không gian văn hóa Hàm Rồng và khẳng định vị thế trung tâm của vùng đất này.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược, địa danh Hàm Rồng đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc với huyền thoại bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ trong hai ngày 3-4/4/1965. Hào khí Hàm Rồng, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã góp phần hạ uy thế của không lực Hoa Kỳ.

Truyền thống lịch sử vùng đất Hàm Rồng trong dòng chảy lịch sử xứ Thanh đã góp phần quan trọng tạo dựng nên không gian văn hóa Hàm Rồng, một thành tố của văn hóa xứ Thanh.

--------

(1), (3) Phạm Văn Đẩu, Phạm Võ Thanh Hà (2006) - Những nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu trên đất Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội.

(2) Phạm Văn Đẩu, Đỗ Như Chung (2004) - Trống Đông Sơn phát hiện ở Thanh Hóa, Nxb KHXH, Hà Nội.

(4), (5) Quốc sử quán triều Nguyễn (1992) - Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.213, 272.

(6) Chi hội Sử học thành phố Thanh Hóa (2010) - Thành phố Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, tr105.

Mạnh Hà


Mạnh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]