(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là lời tâm sự của ông Lê Quang Phúc, cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn - Thanh Hóa từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng mang theo lời thề son sắt của mối tình kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam trong chống Mỹ cứu nước vẫn luôn trong lòng ông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Quảng luôn trong trái tim tôi

Đó là lời tâm sự của ông Lê Quang Phúc, cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn - Thanh Hóa từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng mang theo lời thề son sắt của mối tình kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam trong chống Mỹ cứu nước vẫn luôn trong lòng ông.

Cựu chiến binh Lê Quang Phúc bồi hồi kể lại những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam.

Ông chia sẻ: "Tôi là một trong số các cựu chiến binh may mắn sống sót sau chiến tranh. Tôi luôn thương nhớ khôn nguôi những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Quảng thân yêu”.

Cựu thanh niên xung phong Lê Quang Phúc tình nguyện lên đường vào chiến trường miền Nam năm 1965, rồi chuyển sang Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn năm 1967 - một đơn vị với đa số là con em tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa và tăng cường chiến đấu trên mặt trận Quảng Nam. Năm 1969, ông bị thương nặng tại Điện Hồng, Điện Bàn và được đưa ra Bắc điều trị ở Bệnh viện 103 Quân đội. Đất nước thống nhất, ông trở về với cuộc sống đời thường với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 65%.

Qua hồi ức chiến tranh, ông đã kể cho tôi nghe những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, về một thời trận mạc gian khổ, hy sinh nhưng đầy chiến công và thắm nghĩa thắm tình... Ông nhắc nhiều đến Quảng Nam và bồi hồi kể lại những trận đánh đã tham gia. Các địa danh như: An Hòa, Đức Dục, Kiểm Lâm, Bồ Bồ... vẫn còn nguyên trong từng lời kể. Ông còn nhắc đến những cứ điểm khốc liệt thời ấy như: Giao Thủy, Bình Long, Trảng Nhật, Phú Phong, Bảo An... Ông đặc biệt kể về những người dân, người mẹ xứ Quảng, nhất là ở những nơi đơn vị đóng quân như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên đã đùm bọc, chở che những người lính đặc công Lam Sơn. Mỗi người lính lúc bấy giờ đều thuộc lòng và quyết tâm chiến đấu theo những câu khẩu hiệu, phong trào như "Vì Quảng Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa", "Giành danh hiệu chiến sĩ Điện Ngọc"... Đến giờ, ông vẫn còn nhớ như in câu nói thường trực của những người lính Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn ngày ấy: "Dốc Quảng Nam, gan cộng sản"... Ông nhớ đến Quảng Nam khốc liệt, tàn phá của chiến tranh và sức chiến đấu bền bỉ gan dạ của con người nơi đây.

Ông Phúc kể: "Tại căn cứ An Hòa - Đức Dục (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) đêm ngày 06 rạng sáng ngày 07/6/1969, Đại đội tôi gồm 43 chiến sĩ đã dùng ba mũi tập kích tổ chức kiểu đánh “nở hoa du kích” (có nghĩa là đánh từ trong lòng địch) đã diệt được 200 tên lính Mỹ, phá hủy 5 lô cốt và 6 súng cối, 3 đoạn hầm ngầm, bắn cháy 2 xe tăng và 2 máy bay. Chiến công này đã khích lệ tinh thần tôi và đồng đội càng hăng say lập nhiều chiến công xuất sắc, thọc sâu vào nhiều vùng tạm chiếm, đưa dân về vùng giải phóng".

Năm 1969, ông Phúc bị thương nặng trong một trận càn tại xã Điện Hồng, Điện Bàn. "Các mẹ, các chị người địa phương đã rất vất vả đưa tôi ra ngoài vòng vây của địch. Tôi làm sao quên được những bà mẹ Quảng Nam đã giúp đỡ, nuôi chúng tôi từ những năm tháng chiến tranh ấy, đào từng củ sắn củ khoai cho chúng tôi ăn. Nghĩa cử ấy đến bây giờ nhớ lại tôi xúc động vô cùng, thầm biết ơn mảnh đất và con người xứ Quảng” - ông Phúc chia sẻ.

Sau ngày giải phóng, tuy sức khỏe suy giảm nhưng khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế", ông bắt đầu một cuộc chiến đấu mới. Ông về an dưỡng và đi học tại Trường Bổ túc văn hóa Hải Hưng, nơi đào tạo văn hóa cho thương binh miền Nam. Sau đó, ông thi vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội và theo học chuyên khoa nội nhi, về công tác tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa. Năm 2002, ông tiếp tục học sau đại học chuyên khoa tim mạch, giữ chức vụ Trưởng khoa nội A đến năm 2008 thì về hưu...

Hiện nay, trong ngôi nhà nhỏ của ông Phúc ở phố Cửa Hữu, TP Thanh Hóa là điểm gặp gỡ thường xuyên của những cựu binh Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Họ đến để trò chuyện tâm tình, để ông kiểm tra sức khỏe... Ông bảo, những lần vào Đà Nẵng dự Hội nghị tim mạch toàn quốc, ông lại tranh thủ về thăm chiến trường xưa ở Quảng Nam nhưng tiếc là chưa đi được nhiều. Nơi đó, nhiều đồng đội ông quê Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Tây vẫn còn nằm lại. Hằng năm, đồng đội ông lại họp mặt truyền thống ôn lại một thời hào hùng trên mảnh đất Quảng Nam “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”... Nhắc đến đó, mắt ông nhòa lệ, giọng nghẹn ngào: “Xứ Quảng luôn trong trái tim tôi”.

Hồ Thu


Hồ Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]