(vhds.baothanhhoa.vn) - Bước ra từ cuộc thi, nhiều ý tưởng dù đạt giải nhưng khi ra thực tế xây dựng bắt đầu gặp nhiều khó khăn, cũng như chặng đường dài của quá trình khởi nghiệp phải đương đầu với nhiều thử thách, kể cả sự thất bại.

“Ý tưởng khởi nghiệp”- 5 năm, một hành trình: Chinh phục ý tưởng và sự khó

Bước ra từ cuộc thi, nhiều ý tưởng dù đạt giải nhưng khi ra thực tế xây dựng bắt đầu gặp nhiều khó khăn, cũng như chặng đường dài của quá trình khởi nghiệp phải đương đầu với nhiều thử thách, kể cả sự thất bại.

“Ý tưởng khởi nghiệp”- 5 năm, một hành trình: Chinh phục ý tưởng và sự khóBà con xã Phượng Nghi trình diễn nhảy sạp, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. (Ảnh cơ sở cung cấp)

Niềm vui ngắn ...

Có thể, đến lúc này với Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đoàn xã Thuận Minh (Thọ Xuân), được xem là một trong những người kém may mắn khi bước ra từ cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn tổ chức. Hai lần đạt giải ba cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018 và 2019 nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì một ý tưởng chưa thực hiện, một ý tưởng thực hiện được 8 tháng thì phải dừng do nhiều nguyên nhân.

Gửi gắm vào ý tưởng bằng tất cả sự đam mê, nhiệt huyết và cả những trăn trở, vậy nên khi dự án đầu tiên có tên “Xây dựng khu vui chơi trẻ em” đạt giải, đấy là niềm vui, động lực lớn với Nguyễn Thị Thu Huyền nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ý tưởng của chị không được hiện thực, nguyên nhân do không đủ khả năng về tài chính. Không dừng ở đây, chị tiếp tục với dự án mới “Sản xuất, kinh doanh sữa nghệ Nano”. Tưởng như sẽ có một kết quả khả quan cho dự án này nhưng, một lần nữa, thành công không mỉm cười với chị.

Kể về cuộc hành trình ngắn với sữa nghệ Nano, vẫn còn đó là sự nuối tiếc. Sau khi đạt giải, Nguyễn Thị Thu Huyền và 4 đồng sự khác đã triển khai, thực hiện dự án. Xuất phát là người con của nông dân, lại sinh ra trên vùng đất bán sơn địa, nơi đây, hợp với cây nghệ và được người dân trồng nhiều nhưng đầu ra lại thấp, đây cũng chính là lý do để chị đến với việc kinh doanh, sản xuất sữa nghệ Nano. “Tôi học kinh tế nên rất muốn làm kinh doanh. Trước khi tham gia “Ý tưởng khởi nghiệp”, tôi và một nhóm bạn đã làm tinh bột nghệ từ chính cây nghệ địa phương. Nguyên liệu và nhân công sẵn có, thúc đẩy tôi nghĩ đến việc sản xuất sữa nghệ Nano để không chỉ nâng tầm giá trị cây nghệ, góp phần vào sự phát kinh tế địa phương mà sản phẩm có tác dụng rất tốt cho sức khỏe”.

Một cuộc hành trình mới được mở ra với việc sản xuất sữa nghệ Nano. Để tạo sản phẩm này thì cần phân tích hoạt chất curcumin có trong tinh bột nghệ. Tuy nhiên để thực hiện công đoạn này cần phải thuê chuyên gia và sử dụng máy móc hiện đại mới thực hiện được. Theo đó, từ khâu phân tích hoạt chất curcumin đến bao bì, nhãn mác đều phải gửi ra Hà Nội để làm, thậm chí đường cũng phải nhập khẩu từ Thụy Điển, do đó buộc phải nâng giá thành sản phẩm. Chị Huyền nhớ lại: “Hơn 2 tháng đầu chúng tôi xác định lỗ hoàn toàn nhưng nhóm cứ cố gắng, hy vọng rằng, việc thua lỗ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Thị trường của sản phẩm lúc này chủ yếu là Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa. Nhưng về sau hạch toán, vẫn lỗ, đến tháng thứ 8 thì nhóm dừng sản xuất”.

Để bắt tay thực hiện dự án, ngoài việc góp vốn của từng thành viên, chị Huyền và các đồng sự còn vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng. Việc dang dở kinh doanh đã khiến mỗi người thua lỗ hơn 100 triệu đồng. “Từ ý tưởng đến hiện thực phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Chúng tôi có đam mê, nhiệt huyết nhưng nếu có người định hướng, sát cánh giúp đỡ thì biết đâu nhóm sẽ vượt qua được. Ý tưởng chỉ là ý tưởng, nếu không có tiềm năng để phát triển, không có tiền đề để bật thì sẽ rất khó”. Chị Huyền trải lòng.

Chờ đợi để gom đủ nguồn lực

Trong năm 2021, ý tưởng khởi nghiệp: “Khôi phục các nghề truyền thống, các trò chơi, các phong tục, làn điệu hát, ru, mo, xường của dân tộc Mường trên địa bàn xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa” đã đạt giải ba. Tác giả của dự án là anh Bùi Anh Sơn, Bí thư Đoàn xã Phượng Nghi (Như Thanh).

Ý tưởng khởi nghiệp về lĩnh vực văn hóa không nhiều nhưng là người con của vùng đất Phượng Nghi, được tiếp cận với văn hóa Mường đã tiếp sức cho Bùi Anh Sơn đến với ý tưởng và quan trọng như anh đã chia sẻ: “Có một thực tế đáng buồn hiện nay, dưới tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng từ mặt trái của nền văn hóa phương Tây…, đã làm thay đổi nhiều quan niệm về giá trị văn hóa. Đối với dân tộc Mường, có rất nhiều thanh niên hiện nay không biết và không muốn biết về tập quán của cha ông mình”.

Xuất phát từ những nguyên nhân trên, Bùi Anh Sơn cho rằng, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, xã Phượng Nghi mang tính thời sự cấp bách, là cần thiết nhằm góp phần bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Dự án được thực hiện với diện tích 4,3 ha, vừa tổ chức khu vui chơi vừa sản xuất đa dạng về loại hình và sản phẩm (khu tham gia trò chơi dân gian, khu nghề truyền thống, khu ẩm thực và khu lễ hội…). Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa Mường. Đặc biệt, tất cả các hoạt động du khách sẽ tự thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân địa phương. Về tính khả thi của dự án, Bùi Anh Sơn nhấn mạnh: “Tính khả thi cao, có cơ hội thu lợi nhuận nhanh, sớm quay vòng vốn. Với các hệ số tài chính thấp sẽ có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đoàn viên, thanh niên và Nhân dân Phượng Nghi”.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, kể từ khi ý tưởng đạt giải, anh Sơn vẫn chưa thể triển khai, thực hiện với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Anh cho biết, cuối năm 2023, anh sẽ bắt tay thực hiện dự án này và có thể sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn. Theo như anh phân tích, đó là khó về vốn, về nguồn nhân lực kế cận… Hơn nữa, ý tưởng là một lĩnh vực về văn hóa phi vật thể, không có một sản phẩm cụ thể nên nếu làm trong một thời gian mà chưa thấy giá trị thì những người tham gia sẽ khó tiếp cận, thậm chí có thể bỏ cuộc vì còn liên quan đến đời sống của họ. “Tôi muốn gom đủ nguồn lực kể cả về mặt chủ trương cũng như chính sách hỗ trợ, nếu được trên 50%, tôi sẽ tiến hành làm…”, anh Sơn cho biết thêm.

Nung nấu với ý tưởng, đặt niềm tin ở ý tưởng, chinh phục ý tưởng thành hiện thực… Khởi nghiệp, một cuộc hành trình dài với thuận ít, khó nhiều, ở đó có thành công và không tránh khỏi thất bại.

Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]