(vhds.baothanhhoa.vn) - Để làm nên thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với những tướng văn, tướng võ xông pha trận mạc, hiến kế đánh giặc thì không thể không nhắc đến công lao của những “hậu phương” phụ trách binh lương, khí giới… Và Nguyễn Nhữ Lãm được biết đến là một trong những tướng vận lương xuất sắc.

Nguyễn Nhữ Lãm: Tướng vận lương xuất sắc trong khởi nghĩa Lam Sơn

Để làm nên thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với những tướng văn, tướng võ xông pha trận mạc, hiến kế đánh giặc thì không thể không nhắc đến công lao của những “hậu phương” phụ trách binh lương, khí giới… Và Nguyễn Nhữ Lãm được biết đến là một trong những tướng vận lương xuất sắc.

Nguyễn Nhữ Lãm: Tướng vận lương xuất sắc trong khởi nghĩa Lam SơnĐền thờ Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm ở làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên được tôn tạo chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Trước nỗi đau mất nước, nơi núi rừng Lam Sơn xứ Thanh, Lê Lợi với tài năng xuất chúng và tấm lòng rộng mở đã “thu hút” hào kiệt khắp cả nước tìm về để cùng bàn kế khởi nghĩa đánh giặc xâm lược. Trong số đó có Nguyễn Nhữ Lãm.

Tìm về làng Thịnh Mỹ (tên thường gọi là làng Mía) xã Thọ Diên (Thọ Xuân) nơi có đền thờ Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm, hậu thế được nghe nhiều hơn về nhân vật lịch sử. Và hiểu hơn “cơ duyên” để ông trở thành tướng phụ trách vận tải binh lương, khí giới trong khởi nghĩa Lam Sơn.

Theo sử liệu và tài liệu còn lưu của dòng họ Nguyễn Mậu ở Thọ Diên, Nguyễn Nhữ Lãm vốn quê gốc ở vùng đất Sơn Nam (ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam). Cha ông làm quan cuối thời Trần, vì chán chốn quan trường nhiễu nhương, vua Trần không còn thực quyền nên đã cáo quan về quê, ở tuổi ngoài tứ tuần mới sinh được con trai, đặt tên là Nguyễn Nhữ Lãm. Nhữ Lãm lớn lên có dáng người cao đen, hay chữ, lại giỏi biện luận.

Lớn lên trong cảnh vận nước suy, giặc ngoại xâm chiếm đóng, ông trĩu nặng tâm tư của người dân mất nước. Nghe nói đất Lam Sơn xứ Thanh có hào trưởng Lê Lợi mấy lần được quân Minh trao cho quan chức mà không nhận. Đoán định đây là bậc hào kiệt đang ngầm nuôi chí lớn. Vì vậy, Nhữ Lãm đã bí mật đem cả gia quyến và tài sản vào xứ Thanh. Ông chọn vùng đất Đa Mỹ phường (tức Thịnh Mỹ) làm nơi dựng nhà lập ấp để cày cấy, sinh sống. Đồng thời, tụ tập dân vạn chài ở Lương giang (sông Chu) và vùng lân cận làm thuộc hạ. Chính Nguyễn Nhữ Lãm là người có công lập nên phường Yên Hà có nghề đánh cá trên sông. Không chỉ vậy, với những người có hoàn cảnh khốn khó, Nguyễn Nhữ Lãm đều giúp đỡ, cho nương nhờ. Bởi vậy, ông được người dân trong vùng hết mực yêu quý.

Tài năng bơi lội, giỏi nghề sông nước của Nguyễn Nhữ Lãm đến nay còn được dân gian kể lại. Tương truyền, Bình Định vương Lê Lợi trong những ngày đầu khởi nghĩa gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí còn bị giặc Minh đào mả tổ tiên lấy hài cốt treo lên thuyền ở trên sông hòng dụ Lê Lợi phải ra hàng. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Nguyễn Nhữ Lãm cùng một số người đã chèo thuyền giả làm người đánh cá, đến nơi thì đội cỏ lên đầu, lặn xuống nước, nhân lúc kẻ địch không chú ý đã lấy lại được hài cốt đem về mật táng.

Sau khi cuộc sống ở vùng đất mới Đa Mỹ ổn định, Nguyễn Nhữ Lãm quyết định tìm đến hào trưởng Lê Lợi. Theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân: “Hào kiệt các nơi tụ hội về Lam Sơn ngày càng đông, đều núp dưới danh nghĩa tôi tớ, gia thuộc. Để chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Lợi giao cho Nhữ Lãm nhiệm vụ tích chứa binh lương. Ngày khởi nghĩa, ông là một trong số 51 tướng đứng dưới cờ Bình Định vương. Nhưng ông không trực tiếp xông pha trận tiền như các tướng văn, tướng võ khác mà chuyên phụ trách đội quân thuyền chài vận tải, tiếp tế binh lương, khí giới. Hai lần nghĩa quân bị vây ở núi Chí Linh, bị tuyệt lương đến hai, ba tháng, giặc tưởng chừng họ không thể sống sót, nhưng sau đó, vẫn đủ sức giáng cho chúng những đòn chí tử. Tất cả đều nhờ công của Nhữ Lãm đưa đội quân thuyền chài ngược dòng sông Lương lên tận sông Âm, sông Cao đem gạo, muối tiếp tế”.

Viết về việc nghĩa quân Lam Sơn bị vây hãm trên núi Chí Linh và công lao của Nguyễn Nhữ Lãm, sách Thọ Xuân Di tích và Danh thắng miêu tả: “Nghĩa quân Lam Sơn tổn thất nặng nề đành rút lên núi Chí Linh và ở đây 3 tháng. Trong điều kiện thiếu lương thực, nghĩa quân phải ăn rau rừng, măng tre nứa, củ mài. Giặc Minh vây hãm chặn mọi ngả đường không cho nghĩa quân rút về miền xuôi… Nguyễn Nhữ Lãm đi đường tắt về Đa Mỹ phường huy động gạo muối, dùng thuyền của vạn chài sông Lương chở theo sông Âm, tiếp tế cho nghĩa quân, vì vậy nghĩa quân Lam Sơn vẫn bảo tồn được lực lượng để sau này tiếp tục chiến đấu. Ông là người phụ trách binh lương, vũ khí. Chiến thắng lớn ở các mặt trận Trà Lân, Bồ Đằng, Xương Giang, Tốt Động, Trúc Động, Chi Lăng đều có phần đóng góp của ông…”.

Nguyễn Nhữ Lãm: Tướng vận lương xuất sắc trong khởi nghĩa Lam SơnMột số hiện vật đá đang lưu giữ tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm.

Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Lê Lợi lên ngôi vua, lập nên nhà Lê. Khi ban biển ngạch khắc tên công thần khai quốc, Nguyễn Nhữ Lãm là một trong 14 người được phong tước Đình thượng hầu, ngang hàng với các bậc chiến tướng lừng danh như Nguyễn Chích, Nguyễn Văn An, Lê Khôi…

Không chỉ là tướng phụ trách vận tải binh lương, vũ khí xuất sắc. Khi nhà Lê được lập dựng, Nguyễn Nhữ Lãm còn thể hiện tài năng biện luận hơn người, giúp vua Lê tránh được sự sách nhiễu của nhà Minh phương Bắc. Buổi đầu xây dựng đất nước, công việc bang giao với nhà Minh rất quan trọng. Tháng Giêng năm Thuận Thiên thứ tư, nhà vua sai Nguyễn Nhữ Lãm làm chánh sứ và phó sứ là Lại bộ Thượng thư Hà Lật sang nước Minh cầu phong. Bởi vì quân Minh bị đánh thua, để chữa thẹn, chúng gửi thư đòi trả đồ khí giới và tìm con cháu họ Trần lập làm vua. Nhữ Lãm đi sứ, lời biểu cầu phong vừa mềm mại thuyết phục, lại sắc bén dứt khoát, vì vậy vua nhà Minh đã bằng lòng sai quan dưới trướng mang sắc phong Lê Lợi làm An Nam quốc vương. Sự việc vua Minh phải từ bỏ yêu sách lập con cháu nhà Trần và buộc công nhận vai trò quản lý đất nước của họ Lê là một thắng lợi rất lớn. Sau công lao của lần đi sứ này, Nguyễn Nhữ Lãm được thăng lên chức Hữu Bộc xạ - chức quan hàm ngang Thượng thư, chuyên dành cho các quan đại thần tham gia chính sự (theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân).

Dưới thời vua Lê Thái tông, khi sứ nước Chiêm Thành sang nước ta, vua Lê lấy sự vỗ về để kẻ phương xa thuần phục. Vì thế, đã sai Nguyễn Nhữ Lãm giao thiệp với sứ nước Chiêm Thành. Không phụ sự ủy thác của nhà vua, Nguyễn Nhữ Lãm không chỉ hoàn thành việc hoạch địch biên giới với Chiêm Thành mà còn buộc họ phải thuần phục cống nạp. Từ đây, nâng cao uy thế của vua Lê và quốc gia Đại Việt.

Năm Đinh Tỵ (1437) quan đại thần Nguyễn Nhữ Lãm qua đời. Ông được truy tặng Nhập nội Thái bảo, thụy là Trung Tĩnh. Suốt 20 năm dốc sức cho khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu gian khó cho đến khi toàn thắng; lại dốc lòng phụng sự hai triều vua Lê, Nguyễn Nhữ Lãm được đánh giá là một trong những khai quốc công thần có đóng góp lớn trên nhiều lĩnh vực từ quân sự, ngoại giao, chính trị… góp phần xây dựng nhà nước Đại Việt vững mạnh trong thế kỷ 15.

Với công lao to lớn đó, sau khi quan đại thần Nguyễn Nhữ Lãm qua đời, vua Lê đã sắc dụ cho con cháu dòng họ, người dân làng Đa Mỹ (Thịnh Mỹ) và các làng lân cận của tổng Diên Hào, Bất Náo, Kiên Thạch lập đền thờ phụng. Ngày nay, đền thờ Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm ở làng Thịnh Mỹ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Mậu Phúc hiện đang trông coi tại đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm cho biết: “Tương truyền, vì có nhiều công lao nên tiền nhân Nguyễn Nhữ Lãm đã được vua Lê ban cho chữ Mậu (tức Nguyễn Mậu) với hàm ý dòng họ tốt tươi, sự nghiệp thịnh vượng. Tại di tích hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật như văn bia, sập thờ, tượng đá… Mới đây, di tích được trùng tu, tôn tạo với kinh phí chủ yếu từ nguồn xã hội hóa do con cháu trong dòng họ và người dân đóng góp, cúng tiến nhằm bày tỏ lòng biết ơn, niềm tự hào với tiền nhân”.

(Bài viết tham khảo và sử dụng nội dung trong sách “Địa chí huyện Thọ Xuân” và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]