(vhds.baothanhhoa.vn) - Vượt qua mọi giới hạn về khoảng cách địa lý, những trang phục truyền thống lộng lẫy sắc màu, đa dạng kiểu dáng mang theo đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam cùng hiện diện trong một không gian trưng bày độc đáo, thú vị tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa). Đó là Nhà của Mén - một cái tên mộc mạc, nhưng cũng rất ấn tượng.

Nhà của Mén

Vượt qua mọi giới hạn về khoảng cách địa lý, những trang phục truyền thống lộng lẫy sắc màu, đa dạng kiểu dáng mang theo đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam cùng hiện diện trong một không gian trưng bày độc đáo, thú vị tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa). Đó là Nhà của Mén - một cái tên mộc mạc, nhưng cũng rất ấn tượng.

Nhà của MénDu khách thích thú chụp hình lưu niệm với không gian trưng bày sắc phục dân tộc thiểu số Việt Nam tại Nhà của Mén.

Nhà của Mén là phòng trưng bày nhỏ nằm trong khu phiên bản dãy phố cổ Hội An. Những chủ nhân ngôi nhà là nhóm bạn yêu thích văn hóa truyền thống, đam mê tìm hiểu, mong muốn được chung tay gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đó là Hơ Thị Mén - một cô nàng tự nhận mình là “người con của bản làng”; anh chàng Ly Vũ đã dành những ngày tháng tuổi trẻ rong ruổi đến những bản làng Tây Bắc, ngủ nhờ, “ăn chực” mèn mén của đồng bào Mông; hay các bạn Nguyễn Cúc, Phương Lý, Sao Hôm, Thu Trang... từng tham gia nhiều chuyến đi thiện nguyện miền núi. Nhóm bạn ấy chung tình yêu và niềm đam mê với văn hóa các dân tộc, đã đồng hành cùng nhau trong nhiều hoạt động vì cộng đồng, đến các bản làng, trường học khó khăn ở miền núi để tặng áo ấm, sách vở cho trẻ em, tặng nhu yếu phẩm cho đồng bào. Sau những chặng đường trải nghiệm vùng cao, một trong những điều gợi thương gợi nhớ nhất đối với nhóm bạn ấy là vẻ đẹp của những trang phục truyền thống.

Từ tình yêu thành động lực, từ ý tưởng thành hiện thực. Để kịp ra mắt đúng dịp TP Thanh Hóa tổ chức Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An (từ 26/4 đến 1/5/2024), nhóm bạn này đã gấp rút chuẩn bị và hoàn thiện phòng trưng bày trong thời gian ngắn. Trong quá trình sưu tầm trang phục, họ đã kết nối được với nhiều bạn bè, những người có chung tình yêu dành cho văn hóa truyền thống, thích thú với ý tưởng này nên nhiệt tình giúp đỡ.

Có những người bạn ở tận Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk... công việc bận bịu nhưng sẵn sàng vào tận các làng bản, giúp đỡ kết nối với các nghệ nhân dệt thêu giỏi nhất để có được những trang phục thủ công truyền thống nguyên bản. Sau nhiều nỗ lực, Nhà của Mén đã mở cửa đúng như dự định. Từ đó đến nay, Nhà của Mén thường xuyên đón khách vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần.

Nhà của Mén hiện đang trưng bày hàng chục bộ trang phục truyền thống nam - nữ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa và nhiều địa phương trên cả nước như: trang phục truyền thống của các dân tộc Mông, Mường, Thái, Thổ, Dao tỉnh Thanh Hóa; dân tộc Cao Lan (Phú Thọ); dân tộc Giáy, Pà Thẻn, Dao áo chàm (Hà Giang); dân tộc Mông (Lào Cai); dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam); dân tộc Ba Na, Jrai (Gia Lai); dân tộc Ê đê (Đăk Lăk); dân tộc M,Nông (Đăk Nông), dân tộc Tày, Dao Đỏ và tộc người Thủy (Tuyên Quang)...

Ngoài trang phục truyền thống, Nhà của Mén còn trưng bày một số đồ dùng sinh hoạt thường ngày như gùi, cung nỏ Tây Nguyên; túi thổ cẩm, giỏ xách, nón tre Tây Bắc; mâm mây tre, túi tỉa lúa của dân tộc Cơ Tu Quảng Nam; niếng đồ xôi, đệm thổ cẩm và đồ đan lát của dân tộc Thái Thanh Hóa; đàn tính của dân tộc Tày, chiêng dân tộc Mường... và một số sách, báo, tư liệu về văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tất cả những đồ dùng, hiện vật trưng bày đều ghi rõ nguồn gốc xuất xứ như tên, địa chỉ người làm ra, thời gian làm...

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là hồn cốt văn hóa, phản ánh đặc trưng, nét độc đáo trong nhân sinh quan, thế giới quan, quan niệm thẩm mỹ, tính cách của từng dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Từ thuở bình minh loài người còn “ăn lông, ở lỗ”, mình trần, đóng khố làm từ vỏ cây đến ngày hôm nay là cả một hành trình đấu tranh sinh tồn, lao động và sáng tạo không ngừng nghỉ.

Trong lòng xứ Thanh, ở Nhà của Mén, du khách được chiêm ngưỡng, hòa mình vào văn hóa bốn phương. Du khách thích thú khi được “hóa thân” thành cô gái Thái duyên dáng, yêu kiều trong chiếc áo cóm, khăn piêu đội đầu; tươi tắn trong sắc màu rực rỡ của những chiếc váy hoa xòe dân tộc Mông; kín đáo mà trang nhã trong trang phục dân tộc Thổ; rạng ngời trong màu khăn, màu áo và trang sức cầu kỳ, đẹp mắt của người Dao Đỏ, Pà Thẻn; nền nã trong sắc chàm của dân tộc Tày...

Chị Nguyễn Thị Thanh đến từ huyện Đông Sơn chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi cùng bạn bè đến Công viên Hội An vào dịp cuối tuần. Chúng tôi rất hào hứng với các hoạt động văn hóa diễn ra tại đây, đặc biệt là Nhà của Mén. Để có được không gian trưng bày với đa dạng trang phục của các dân tộc như thế không phải dễ. Khám phá Nhà của Mén giúp chúng tôi hiểu biết hơn, yêu hơn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam”.

Với mục đích, ý nghĩa mang lại cho cộng đồng, Nhà của Mén nhận được nhiều sự yêu mến của du khách, sự quan tâm, ủng hộ từ những người có chung tình yêu dành cho văn hóa dân tộc. Vừa qua, nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã tặng cho Nhà của Mén bộ tem “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” phát hành ngày 30/8/2005 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là bộ tem đạt nhiều kỷ lục nhất của tem bưu chính nước ta như: có đội ngũ họa sĩ tham gia đông nhất (22 người), có nhiều mẫu nhất (54 mẫu và 2 vi-nhét), thời gian hoàn thành lâu nhất... 54 mẫu tem thể hiện hình ảnh đặc trưng của 54 dân tộc đã đoàn kết và sinh sống hàng ngàn năm trên dải đất hình chữ S.

Nhà thơ Hoàng Quốc Cảnh bộc bạch: “Nhà của Mén là niềm đam mê và nỗ lực rất đáng trân trọng. Được biết, quá trình để sưu tầm được những bộ trang phục trưng bày ở đây hết sức công phu, tốn kém cả thời gian và tiền bạc. Gửi tặng bộ tem “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” cho Nhà của Mén, tôi hy vọng có thể cùng chung tay làm phong phú thêm tư liệu, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc Việt”.

Mở cửa đón khách chưa lâu, nhưng Nhà của Mén đã cho thấy sức hút không hề nhỏ đối với du khách. Nơi đây đã trở thành “điểm hẹn văn hóa” mỗi dịp cuối tuần.

Thời gian tới, Nhà của Mén tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm những trang phục còn thiếu và sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu, trình diễn phù hợp để lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến với đông đảo công chúng.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]