(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ ngày thành lập (23/1/2003) đến nay, tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên, công nhân viên Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn đã có nhiều đóng góp to lớn để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của khối biểu diễn chuyên nghiệp tỉnh Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn: Vững bước đi lên

Từ ngày thành lập (23/1/2003) đến nay, tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên, công nhân viên Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn đã có nhiều đóng góp to lớn để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của khối biểu diễn chuyên nghiệp tỉnh Thanh.

Nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.jpg

Nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Việc hợp nhất 3 đơn vị: Nhà hát Lam Sơn, Đoàn Ca múa, Đoàn Kịch nói thành Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tạo nên sức mạnh cho Nhà hát. Mô hình tổ chức mới đòi hòi phải có tư duy mới cả về tổ chức bộ máy, dàn dựng chương trình, tổ chức hoạt động biểu diễn. Nhờ có phương thức tổ chức khoa học, sát với tình hình thực tế nên Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn đã hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, kế hoạch do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao. Và cao hơn nữa là nhận được niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền tỉnh và đông đảo khán giả yêu nghệ thuật xứ Thanh.

Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn hội tụ nhiều nghệ sỹ, diễn viên tài năng và tâm huyết với nghề. Trong đó có nhiều người được tặng các danh hiệu cao quý như NSND, NSƯT, Huy chương Vàng, Bạc, Bằng khen qua các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Bên cạnh đó, Nhà hát còn có đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu công việc nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động từ năm 2003 đến năm 2013, Nhà hát cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác tập luyện và biểu diễn. Trang thiết bị còn lạc hậu, thiếu đồng bộ;...

Được sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 4/2014, Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn đã được bàn giao công trình Nhà hát Lam Sơn mới được xây dựng với kiến trúc phù hợp, hệ thống trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại;...đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Ngoài ra, công trình còn có hệ thống văn phòng rộng rãi trụ sở làm việc cho Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn.

Trải qua 15 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn đã xây dựng thành công nhiều chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đặc sắc mang chủ đề như: “Lam Sơn rừng vọng”, “Âm vang nguồn cội”, “Từ Lam Kinh đến Thăng Long”, “Quê Thanh nhớ Bác”, “Bay lên dáng núi rồng thiêng”, “Sầm Sơn sắc mới”, “Tiếng vọng xứ Thanh”, “Sử thi Đẻ đất đẻ nước”... Các chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, giao lưu với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào;...

Cùng với các chương trình ca múa nhạc, trong 15 năm qua, lần lượt các vở diễn của sân khấu kịch nói được công diễn như: “Người trong cát”, “Người cần được bảo vệ”, “Tình yêu và sắc phục”, “Hồn trinh nữ”, “Người đánh trống ngũ liên”, “Cuộc chiến không khoan nhượng”, “Một người làm chằng nên non”, “Những mảnh đời run rẩy”, chùm hài kịch: “Bệnh tòng khẩu nhập”, “Tìm người tài trong thiên hạ”, “Của gia bảo”,...

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật được xây dựng hằng năm, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa trên cơ sở khai thác các nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ cho công tác sáng tạo nghệ thuật và tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã được quan tâm xây dựng. Đó là các chương trình thuộc đề án “Sân khấu truyền hình chiều thứ 7” phát sóng hàng tháng trên Đài PT&TH Thanh Hóa; đề án “Sân khấu thiếu nhi” giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Nhà hát chú trọng khai thác những đối tượng khán giả mới, đưa hoạt động nghệ thuật vào hệ thống các trường tiểu học, mầm non. Nâng cao hiệu quả hoạt động về văn hóa, xã hội và kinh tế.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và Sở VH,TT&DL, Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn đã thực sự ổn định và phát triển, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, xây dựng kế hoạch và triển khai biểu diễn phục vụ đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa của các huyện như: Mường Lát, Quan Sơn, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Xuân, Thường Xuân...

Trong quá trình hoạt động của mình, Nhà hát luôn khuyến khích cán bộ, nghệ sỹ, người lao động tích cực mở rộng các mối quan hệ, khai thác hợp đồng biểu diễn với các cơ quan, ban, ngành, địa phương để quảng bá thương hiệu Nhà hát rộng hơn, tăng nguồn thu cho đơn vị và cải thiện đời sống vật chất cho cá nhân cán bộ, nghệ sỹ, người lao động; tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho nghệ thuật và đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Qua từng bước trưởng thành, thế hệ cán bộ, nghệ sỹ, nhân viên Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn hôm nay luôn ghi nhớ và biết ơn tới các bác, các anh, các chị - thế hệ đi trước đã cống hiến, xây dựng nền móng Nhà hát đầu tiên để cho thế hệ hôm nay vững bước đi lên.

Với những thành tựu đã đạt được trong 15 năm qua, tin rằng tập thể cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên, nhân viên Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của nhân dân, xây dựng Nhà hát ngày càng phát triển vững mạnh.

Nhạc sĩ Nguyễn Thế Việt


Nhạc sĩ Nguyễn Thế Việt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]