Nhà sàn làm du lịch
Tôi nhớ đến câu chuyện của Vi Thế Thiệp, 40 tuổi, người dân tộc Thái, là hộ làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa). Anh đồng thời cũng là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Hang. Vi Thế Thiệp kể, cách đây 23 năm, một người khách đến từ nước Đức, chị tên Gabi đã đặt chân tới bản Hang. Người khách này đã hỏi rất nhiều về tình hình địa phương, phong tục, tập quán. Và chị tỏ ra thích thú khi được ngắm nhìn những chiếc váy của phụ nữ dân tộc Thái và đặc biệt, rất thích nhà sàn bởi sự khác biệt và hấp dẫn của nó.
Du khách giao lưu, tìm hiểu văn hóa văn nghệ tại Homestay Chu House, bản Mạ.
Có lẽ vì điều này mà trong phát triển du lịch cộng đồng, Vi Thế Thiệp muốn giữ lại những nếp nhà sàn truyền thống? Vì chính anh đã từng chia sẻ, rằng: “Nhiều công ty vào đây muốn được đầu tư, chuyển trạng thái rừng và địa hình nhưng quan điểm của tôi là hãy cứ để hoang sơ, dân dã, đúng bản sắc núi rừng, khách nước ngoài họ rất thích cái nguyên sơ, mộc mạc đấy. Ở bản Hang, 100% nhà dân còn giữ nếp nhà sàn. Hơn nữa, không thay đổi đồng nghĩa với việc bản sắc dân tộc được bảo tồn và phát huy”.
Chia sẻ này của Vi Thế Thiệp cách đây đã 3 năm. Bây giờ, có chút đổi khác. Vì trong số 37 hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Hang, hiện đã có một vài hộ chuyển từ kiến trúc nhà sàn truyền thống sang cách tân, trong đó có Vi Thế Thiệp. Hai nhà sàn homestay của Vi Thế Thiệp trước đây làm bằng mái cọ thì nay đã chuyển sang mái tôn và mái ngói. Sự thay đổi này chắc chắn làm ngôi nhà nóng hơn. Vi Thế Thiệp đã chống nóng bằng cách, trên mái tôn phủ thêm lớp cọ mỏng hoặc làm trần ở dưới.
Sự thay đổi này, bắt đầu từ đâu? “Từ một vài sự cố nho nhỏ mà tôi đã chứng kiến”, Vi Thế Thiệp nói. “Tất nhiên, chưa xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng nhưng tôi nhận thấy, nếu thay mái cọ bằng mái tôn hay mái ngói sẽ giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn hơn. Vẫn biết, sự thay đổi này, khi không còn nguyên sự hoang sơ sẽ làm mất đi một phần giá trị của nhà sàn truyền thống...”.
Câu trả lời của Vi Thế Thiệp ẩn chứa trong đó tâm trạng của một người làm du lịch cộng đồng và hơn thế còn là nỗi lòng người con của bản, người cán bộ của bản. Những gì chia sẻ của 3 năm về trước đã có những thay đổi so với thực tế của hiện tại. Một sự thay đổi bất đắc dĩ.
Còn ở bản Mạ - khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân), Bí thư chi bộ Vi Văn Tiên tự nhận là người đầu tiên cách tân kiến trúc nhà sàn. Vào năm 2016, ông Tiên bắt tay làm du lịch cộng đồng. Đồng thời chỉnh trang lại ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình. Sàn luồng thay bằng sàn gỗ, vẫn để mái cọ nhưng phần chân mái thì thay bằng tôn để mưa đỡ hắt vào nhà đồng thời chà, phun sơn toàn bộ phần gỗ... “Gia đình đã tu sửa, nâng cấp cho ngôi nhà đẹp hơn trong mắt khách du lịch. Khách đến bản Mạ chủ yếu là người trong nước. Khách nước ngoài đến ít hơn nhưng họ vẫn thích sự hoang sơ, thích sàn luồng, thích mái cọ...”, ông Tiên cho biết.
Khách du lịch dùng bữa tối tại nhà sàn của Vi Thế Thiệp ở bản Hang (Quan Hóa).
Thực tế, việc bảo tồn nhà sàn truyền thống phục vụ phát triển du lịch cộng đồng là quan trọng, góp phần tạo sự khác biệt, tính hấp dẫn của loại hình du lịch này. Nhiều thôn, bản du lịch cộng đồng nhờ bảo tồn tốt các giá trị văn hóa đã góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch. Đơn cử ở bản Mạ. Hiện ở đây còn khoảng 15 ngôi nhà sàn truyền thống và 38 ngôi nhà sàn cách tân kiến trúc. Mỗi năm khu du lịch cộng đồng bản Mạ thu hút khoảng hơn 110.000 lượt khách với tổng doanh thu gần 20 tỷ đồng. Hoặc tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, chỉ tính 6 tháng đầu năm, khu du lịch này đã đón hơn 139.000 lượt khách với tổng doanh thu hơn 209 tỷ đồng... Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên hấp dẫn cùng sự phát huy các giá trị văn hóa trong đó có nhà sàn đã góp phần quan trọng cho sự phát triển du lịch cộng đồng tại các khu du lịch này.
Tuy nhiên, như đã đề cập, nhà sàn truyền thống đang dần mai một do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, nhà sàn cách tân kiến trúc đang tăng dần về số lượng. Nếu để phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn, bảo tồn nhà sàn truyền thống, đây có phải là một thử thách. Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vấn đề bảo tồn nhà sàn truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang còn gặp một số khó khăn. Đó là nguồn vật liệu để xây dựng nhà sàn truyền thống ngày càng khan hiếm, trong khi giá vật liệu theo xu hướng ngày càng tăng, dẫn đến chi phí tăng cao. Tại một số hộ làm du lịch cộng đồng đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà sàn, có sử dụng các vật liệu hiện đại như mái tôn, fibro xi măng, gạch nung xây vách và lối lên... dẫn đến tình trạng làm mất đi giá trị truyền thống trong nét nhà sàn của người dân tộc.
Theo ông Hà Nam Khánh, Trưởng phòng VH&TT huyện Bá Thước, khó có thể bảo tồn sự nguyên bản của nhà sàn truyền thống trong thời hiện đại. Song ông cho rằng: “Để duy trì được nét truyền thống đó là câu chuyện quản lý của nhà nước. Còn hiện tại, nên cần duy trì một số nét đặc trưng cơ bản của nhà sàn truyền thống”. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, cho biết: “Nhà sàn truyền thống nên giữ. Nhưng giữ nguyên truyền thống là khó vì nguyên liệu để thay thế, tu sửa lúc này không đơn giản. Vì vậy, chỉ nên giữ kiểu nhà, nếp nhà. Nên khuyến khích theo nhà sàn cách tân kiến trúc, như là cột bê tông để chống mối mọt, mái ngói...”.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-08-30 16:10:00
Trên đất Kỳ Tân
Trưng bày nhiều chuyên đề tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp lễ 2/9
Nghĩa của “Mạo” trong từ “Miếu mạo”
Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh chia sẻ hồi ức về mẹ qua “Những ô cửa gió lộng”
“Gõ cửa" truyền thống tìm đến… cách tân
Phát triển công nghiệp văn hóa cần sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp
Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu
Sinh viên thi đóng góp sáng kiến vì xã hội trên sóng truyền hình VTV3
55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Văn kiện mang giá trị lịch sử và thời đại
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số