(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh nói vui rằng: “Văn chương cũng như cuộc đời tôi. Tổng kết lại là 3 giai đoạn sáng tác. Thời kỳ đầu tôi chỉ đi viết ký, “trung kỳ” viết truyện ngắn và cuối kỳ là tiểu thuyết”. Suốt 4 năm nay, chị khép lại tất cả mọi cuộc gặp gỡ, thăm hỏi để dồn tâm trí viết tiểu thuyết. 4 năm, 6 cuốn tiểu thuyết ra đời, thật khó ai có thể làm được.

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh và mối duyên với tiểu thuyết

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh nói vui rằng: “Văn chương cũng như cuộc đời tôi. Tổng kết lại là 3 giai đoạn sáng tác. Thời kỳ đầu tôi chỉ đi viết ký, “trung kỳ” viết truyện ngắn và cuối kỳ là tiểu thuyết”. Suốt 4 năm nay, chị khép lại tất cả mọi cuộc gặp gỡ, thăm hỏi để dồn tâm trí viết tiểu thuyết. 4 năm, 6 cuốn tiểu thuyết ra đời, thật khó ai có thể làm được.

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh và mối duyên với tiểu thuyết

Đã có giai đoạn quá vất vả, chị được cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho nghỉ 3 năm để hoàn thành tiểu thuyết nhưng mà cuối cùng cũng chưa có cuốn nào ra đời. Gần đây nhất, trong một cuộc tếu táo, nhà văn Lê Xuân Giang mới khích tướng: Không viết tiểu thuyết thì không phải là nhà văn. Nghĩ mãi về câu nói ấy, lại đúng thời điểm mọi thứ rảnh rang và thảnh thơi hơn, chị ngồi vào máy tính.

Viết như sự tri ân. Nhà văn Hà Cẩm Anh thường nói với chúng tôi: “Anh em văn nghệ sĩ có thể khó chịu với nhau trong đời sống nhưng khi gặp hoạn nạn thì thương nhau lắm. Tôi nhớ rõ câu nói của đồng nghiệp: Chị ngã bên nào, em đỡ chị bên ấy”.

“Nảy nòi” ra viết văn từ năm 13 tuổi. Chị kể lại rằng, cả bố mẹ chị đều không biết chữ. Nhà nghèo quá, chẳng có cái để ăn, nên khi học xong lớp 5 là chị nghỉ học. Nhưng vì buồn, vì cơ cực quá nên ngồi viết. Viết lúc ấy là một cách giải tỏa. “Nhà có duy nhất cái rương gỗ. Hễ xong việc nhà là tôi ngồi vào viết. Lúc đó đúng vào thời điểm đồng bào miền Bắc ra sức thi đua yêu nước, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 1963 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đưa miền Bắc tiến lên CNXH và chi viện cho miền Nam. Có lần mẹ tôi bị xã gọi lên để hỏi xem con gái bà làm gì mà hí hoáy viết cả ngày. Bà hồn nhiên nói: Con tôi viết văn. Người ta cười: con bà mới thoát nạn mù chữ mà đòi viết văn, chỉ có viết truyền đơn hoặc viết thư cho trai… Sợ quá, về bà thấy bất kể giấy tờ gì có chữ là đốt hết, may còn sót lại “Thím cò khoai”. Và cũng may mắn lúc đó nhà văn Lê Sỹ Oanh, Nguyễn Thế Phương đến làm việc ở xã và mang theo “Thím cò khoai” về tỉnh in ở tạp chí Người bạn văn hóa. Chính nhà văn Nguyễn Thế Phương là người đặt bút danh Hà Thị Cẩm Anh cho chị, vì chị là người Mường Cẩm Thủy, không thể thiếu chữ “Cẩm” thay vì cái bút danh ban đầu: Hà Thị Ngọc Anh.

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh và mối duyên với tiểu thuyết

Cũng từ cái duyên ấy mà năm 1968, chị được rút về ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Sau đó đi học bổ túc công nông 2 năm 3 lớp; rồi được cử đi học lớp bồi dưỡng người viết trẻ ở Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1973. Lớp học toàn những người nổi tiếng, chỉ nghe đến tên Phạm Tiến Duật, Lê Minh Khuê, Ma Văn Kháng, Tô Ngọc Hiến… là chị đã có ý định bỏ về, vì sợ. “May lúc ấy, nhà văn Nguyên Hồng gọi lại và bảo: Cuộc đời còn dài lắm, không viết thì cũng cứ ở đây học, học anh học em, học bạn học bè rồi sẽ khôn ra.

Sau lớp học, cuối năm 1973, chị in tập “Mùa rẫy đến sớm” với 118 trang giấy trong đó có 4 truyện ngắn và 7 bút ký. Cuộc sống khốn khó chị chẳng còn lúc nào nghĩ đến viết văn nữa, cố để đủ ngày đủ tháng lĩnh lương. 30 năm, tức là năm 2013 chị mới in cuốn thứ 2 có tên là “Người con gái Mường Biện” (tập truyện và ký). Từ đó, hành trình văn chương của Hà Thị Cẩm Anh cứ đều đặn, cứ đằm dịu, đi từ từ. Năm 2023 này cũng là vừa tròn 60 năm đời viết của chị với 15 tập sách truyện, ký và 3 cuốn tiểu thuyết có tên là Lính nghĩa vụ (NXB Công an Nhân dân, 2019), Đồng đội (NXB Hội Nhà văn, 2020), Lửa đỏ (NXB Thanh Hóa, 2020) đã ra đời.

Không phải ai có thời gian cũng đều có thể viết được tiểu thuyết. Có người viết để thể hiện mình hay phải viết cho người khác đọc, còn với Hà Thị Cẩm Anh tôi tin viết là nhu cầu của chị. Chỉ có lý do đó thì người đàn bà gần 75 tuổi mới có thể ngồi xuyên thời gian từ 4 giờ sáng tới 5 giờ chiều trước chiếc máy tính cũ kỹ. Ngay cả tiểu thuyết “Lửa đỏ”, chị viết rất nhanh, viết trong đúng 1 tháng khi tham gia trại sáng tác.

Ngoài ra chị còn có 3 cuốn tiểu thuyết chưa in, đó là “Huyền thoại Hàm Rồng” viết xong năm 2021; “Con ma đen và góa phụ Mường Chiềng” (2022), “Những nẻo đường đời” (2023).

Tôi hỏi chị về căn nguyên đeo đuổi với tiểu thuyết, chị thành thực cho biết: “Tôi định viết kịch bản điện ảnh. Trước đây tôi đã được giải B (không có giải A) cuộc thi viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giai đoạn 1930-1975 với kịch bản phim truyện nhựa “Ngọc Trạo, mùa thu 1941”. Nhưng rồi tôi đang có mấy đề tài triển khai thành tiểu thuyết được và hơn hết là nó phù hợp với các cuộc thi”. Trong đó, chị nói nhiều về cuốn “Những nẻo đường đời” vừa gửi tham gia Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì. Đây là cuốn tiểu thuyết chân dung viết về một con người từ lao động mà phấn đấu đi lên. Nhân vật chính có tuổi thơ nhọc nhằn, học xong lớp 4 rồi phải bỏ học để mò cua bắt ốc, đốn củi trên núi đem ra chợ bán để kiếm sống. 14 tuổi làm nghề bốc vác, 18 tuổi đi bộ đội. Sau giải phóng trở về làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp, bước đầu đưa điện khí hóa nông thôn về vùng đất lầy thụt, chua phèn, quanh năm lũ lụt. Sau đó quyết định dừng lại, đi buôn phế liệu, phế thải kiếm sống. Trên “Những nẻo đường đời” mà ông đã đi tìm cách thoát nghèo cho mình và giúp cho rất nhiều người nữa, đầy chông gai, gập ghềnh và đèo dốc. Nhưng với bản lĩnh của mình, ý chí của một người lính Cụ Hồ đã giúp ông vượt qua tất cả. “Cái khó với tôi không phải là dựng chân dung một con người mà bởi tôi chẳng biết gì về kinh tế thị trường, vừa viết vừa dò tìm, vừa cố gắng chạm vào đúng chân dung nhân vật, lại phải né những hạn chế của mình”, nhà văn Hà Thị Cẩm Anh cho biết.

Vừa hoàn thành xong cuốn “Những nẻo đường đời” thì chị lăn ra ốm. 6 cuốn tiểu thuyết trong vòng 4 năm, “đến lúc này thì tôi trả nợ được cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, trả nợ những ân tình của bạn bè. Với tôi, việc viết và xuất bản được những tác phẩm, đó là câu nói cảm ơn ý nghĩa nhất và không phụ công bạn bè”.

“Văn chương ấy mà, khó nói lắm, cái gì mà đã đam mê thì thật sự ngấm vào máu thịt. Riêng tôi, còn có duyên và nợ với văn chương”, chị nhắc đi nhắc lại điều đó với mọi người. Với chị văn chương là điểm xuất phát nhưng cũng là điểm tựa cả về tinh thần và vật chất.

Xét ở khía cạnh nào thì vỉa quặng văn chương chị cũng đều nỗ lực khai thác và tạo nên tên tuổi Hà Thị Cẩm Anh. Bởi vậy, tôi tin chị chưa thể ngừng viết, viết là cái cây sinh mệnh để chị thể hiện mình, là động lực và là nguồn vui để chị sống.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]