Nhà văn Nguyễn Văn Đệ từ bút ký, truyện ngắn đến tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển”
Nhà văn Nguyễn Văn Đệ sinh ra và lớn lên tại vùng biển Diêm Phố, Ngư Lộc (Hậu Lộc), nơi đời mỗi ngư dân thường được đong đếm bằng những chuyến ra khơi, họ thuộc đáy biển như lòng bàn tay. Nguyễn Văn Đệ đã dành tình yêu cho văn học từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp phổ thông ông cầm súng lăn lộn với chiến trường Bình Trị Thiên từ năm 1968 đến năm 1971. Ông đặt dấu ấn trên văn đàn bằng giải Nhất trong cuộc thi ký văn học của Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1985-1986 với bút ký Bãi cá giữa vụ cá và giải ba Báo Văn nghệ năm 1988 với bút ký Đảng viên làng tôi.
Năm 1988, Nguyễn Văn Đệ vào học Trường viết văn Nguyễn Du (hệ đại học), tốt nghiệp, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Năm 1996 bút ký Một chuyến đi biển đã đoạt giải Nhì truyện ký Báo Văn nghệ (cuộc thi không có giải nhất). Những năm sau ông cho ra mắt hai tập truyện ngắn là Vàng dưới biển xanh năm 1990 và Mắt biển xanh năm 2003 đạt giải A giải văn học Lê Thánh Tông. Truyện ngắn Điều thằng Lượng không nói thật đạt giải Ba trong cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2010. Truyện ngắn Khúc sông chảy xiết đã đạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn năm 2013 của Tạp chí Xứ Thanh. Ngoài truyện ngắn và ký ông đã cho xuất bản 5 tiểu thuyết là: Người thay thế (1991); Hồn Biển, giải ba cuộc thi viết về biển đảo năm 2008 của Hội Nhà văn Việt Nam; Tiếng biển (2015); Nỗi niềm (2019); Tâm cơn bão biển (2023). Nói đến Nguyễn Văn Đệ là người đọc nhớ đến nhà văn của biển cả, bởi từng hạt muối, hạt cát và cả nắng gió của biển cả đã ngấm sâu vào máu thịt của ông.
Không chỉ có dấu ấn đậm nét trong văn xuôi, ông còn xuất hiện trên văn đàn với những vần thơ giàu hình tượng, giàu cảm xúc, chan chứa tình người, tình biển: Đất đẻ ra cây/ Biển đẻ ra thuyền/ Mẹ đẻ tôi trong đêm mưa gió/ Khi cha còn chém sóng đường khơi/ Lúc bà đỡ chưa kịp đến/ Mẹ đập vỏ ngao làm dao cắt rốn/ Và tự tay người moi cát chôn rau/ Tôi lớn lên tôi đi chiến đấu/ Máu phía nào rơi cũng đỏ mắt mẹ thương đau/ Tôi trở lại quê hương mẹ tôi đã mất/ Sóng bạc đầu xô mộ mẹ trắng phau.
Gần đây nhất (năm 2023), Nguyễn Văn Đệ cho ra mắt cuốn tiểu thuyết: Tâm cơn bão biển do NXB Văn học ấn hành. Cuốn sách có độ dày 160 trang, nhưng nội dung cuốn tiểu thuyết đã ám ảnh day dứt và tạo những sóng ngầm sâu lắng trong tâm thức người đọc. Viết về cơn bão quái ác số 7 (Frankie) năm 1996 tàn phá miền Bắc Việt Nam với sức gió lên đến 165km/giờ, đã gây tổn thất rất nặng nề làm hơn 100 người chết, thiệt hại vật chất đến 200 triệu USD. Cơn bão vùi dập đoàn thuyền đánh lưới vây hơn trăm chiếc cùng ngư lưới cụ và cướp đi hơn năm chục ngư dân của làng Đa Ngư, những con người chân chất thật thà suốt đời bám biển. Qua tiểu thuyết tác giả đưa người đọc như được trực tiếp đối mặt với giông tố, cửa ải mà hầu như ngư dân nào cũng phải qua; được hội ngộ tình người trong cơn hoạn nạn, những bất hòa hiềm khích trong cuộc sống đời thường ngư dân đều bỏ lại phía sau. Họ chỉ mang theo tình yêu thương ra biển, quên mình để cùng nhau lao động, chống chọi với phong ba bão táp, sống chết có nhau.
Tác giả cho người đọc như được sống cùng những con người làng chài đã nhiều thế hệ đánh cá ở miền Trung nghèo khó. Những con người ăn sóng nói gió, thật thà chất phác, da chân da tay của họ dày như vỏ cam sành, nói thì thẳng như mái chèo chém sóng.
Câu chuyện đưa người đọc chao đảo trong không khí tang thương của cả làng Đa Ngư bằng nghệ thuật đặc tả nội tâm. Ông Ngư bị hối thúc chạy đua với thời gian đi tìm vớt xác những người đã chết khỏi làm mồi cho tôm cá. Suốt mấy đêm ròng ông Ngư không sao chợp mắt. Hình ảnh ông Nghê, người bạn già trái tính trái nết nhưng trong lúc hiểm nguy nhất vẫn quẳng cho ông chiếc phao... cứ hiện lên trong tâm trí ông. Ông Ngư quyết tâm đi tìm xác bạn và những ngư dân của làng Đa Ngư còn vật vờ nổi trôi trong lòng biển cả tối tăm với bao nhiêu khó khăn và rào cản...
Rồi trong đêm trăng muộn, ông Ngư lén trộm con tàu bốn lăm sức ngựa của chủ nhiệm Thục vừa tậu được qua cuộc bán hóa giá do Hợp tác xã Đa Ngư giải thể để đi vớt xác người chết. Con tàu bốn lăm sức ngựa do ông Ngư cầm lái kéo giã quét suốt đêm ngày. Lúc quá mệt tranh thủ vào mui tàu ngủ một lát, vừa chợp mắt ông Ngư đã nằm mơ thấy đàn cá Heo đang giúp ông ủi những cái xác người trôi vật vờ dưới đáy biển vào giã, ông Ngư mừng lắm, ông gặp con cá Heo Xám... Và cuối cùng trong chuyến trộm tàu đi khơi rà tìm xác những ngư dân chết vì bão, con tàu đã về bến vớt được hơn hai chục cái xác chết cuối cùng của làng, như xoa bớt nỗi đau.
Trong câu chuyện, nhà văn không chỉ dồn sức khắc họa một trận bão biển, kéo theo nhiều cơn bão trong lòng người, mà còn vẽ những bức tranh phong cảnh biển đầy chất thơ.
Tác giả đã thâm nhập sâu sắc vào nhân vật, đưa người đọc đi hết khó khăn bất ngờ này đến với những cam go khó khăn và nỗi đau khác...Những cái xác trôi vật vờ dưới đáy biển mấy ngày đêm liền, bị va đập và bị cá Nóc, thứ cá có cái răng sắc nhọn như dao cạo rỉa rói làm các thân hình không còn nguyên vẹn, rách nát nham nhở. Rất nhiều gia đình không nhận được xác người thân vì mặt mũi đều biến dạng. Một bà mẹ nhận được xác thằng con trai trẻ chưa kịp lấy vợ vì bàn tay nó chỉ có bốn ngón tay. Một ngư dân nhận được bạn mình vì dấu vết trước hôm đi đánh cá hai người đã say rượu, rồi gây sự đánh nhau, anh bạn bị gãy cái răng cửa.
Tác giả không chỉ cho người đọc chiêm ngưỡng những bức tranh miêu tả biển trời giàu đẹp; những chuyến đi khơi với những ngư dân lành nghề căng mắt dồn sức truy tìm những tía cá lớn trên biển bạc, những màn đánh cá, đánh tôm sinh động cùng bản chất cần cù nhân hậu của ngư dân. Mà tác giả còn lột tả cuộc sống khó khăn nhọc nhằn uẩn khúc của họ trong thời bao cấp. Nhà văn còn cho người đọc biết thêm về phong tục tập quán lý thú của dân vùng biển, được mục sở thị những chi tiết cười ra nước mắt. Ông Thản, một ngư dân cừ khôi vung chèo đến gãy mái chèo để con thuyền vượt lên đuổi theo tía cá Gúng đang lẩn chạy và cuối cùng thuyền của ông và ông Ngư đánh trúng mẻ cá lớn.
Tác giả viết về “xóm Chờ” trần trụi dí dỏm, như một mũi khoan xoáy vào lòng người gây đau buốt. Xóm Chờ, bột phát trên mảnh đất của làng chài, nơi những cô gái thanh niên xung phong trở về tụ ra đây ở, hy vọng cái cửa lạch có bến đò mới mở sẽ có khách qua sông... Rồi một ngày kia, có một chị tự nhiên mang bụng, rồi hai ba chị bụng to, niềm vui nhen nhóm... Vấn đề trở nên éo le, rắc rối hơn cả, chịu hy sinh tai tiếng hơn cả là bỗng dưng ông Nghê bí thư đảng ủy xã xin từ chức, xin ra khỏi Đảng, rũ bỏ tất cả để ra xóm Chờ xoa bớt nỗi đau cho xóm. Và rồi trong chuyến đi biển gặp cơn bão định mệnh lần ấy, ông Nghê đã không trở về, xóm Chờ chờ mong trong khắc khoải tang thương. Một chi tiết kết chuyện làm day dứt nhức nhối xoáy vào lòng người đọc, tìm mãi chưa xác định được chồng trong đám xác người từ cái đuôi giã quét mà ông Ngư kéo về, trong đau xót chị vợ chợt nhớ trước lúc đi khơi, vợ chồng đắm say trao nhau thân xác, lúc anh chồng đứng dậy ra biển, chị vợ đã thắt cái dút quần bằng dây đay với cái nút thắt “cổ cầy” . Và chính cái nút thắt cùng sợi dây riêng biệt ấy giúp chị nhận được xác chồng, đó chính là ông Nghê.
Bão biển là hiện tượng tự nhiên của trời đất rồi sẽ tan. Nhưng cơn bão lòng người mà nhà văn Nguyễn Văn Đệ vẽ lên với bố cục gọn, lớp tầng hợp lý, bằng ngôn từ kể chuyện mộc mạc hấp dẫn, ám ảnh mãi nỗi đau của một vùng biển mong manh xơ xác, vì thương tích triền miên của thiên tai, của chiến tranh, của u mê vô cảm, sẽ còn dai dẳng và thật khó tan.
Bài và ảnh: Bùi Hữu Thược (CTV)
- 2024-10-11 14:49:00
Nguyễn Duy Chinh về “Nơi mặt trời không lặn”
- 2024-10-11 08:59:00
Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt 2 cuốn sách ảnh về đất nước và Bác Hồ
- 2024-09-20 10:12:00
Biển đêm mùa thu