(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, toàn ngành chỉ có gần 400 triệu bản in. Nếu chia ra đầu người, tỷ lệ đọc ở Việt Nam chỉ đạt trên 1 cuốn/người/năm (chưa bao gồm sách giáo khoa và sách giáo dục tham khảo).

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc: Ngẫm về sự đọc

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, toàn ngành chỉ có gần 400 triệu bản in. Nếu chia ra đầu người, tỷ lệ đọc ở Việt Nam chỉ đạt trên 1 cuốn/người/năm (chưa bao gồm sách giáo khoa và sách giáo dục tham khảo).

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc: Ngẫm về sự đọcThanh Hóa phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2023 tại Trường THCS Định Liên (Yên Định).

Chúng ta luôn đề cao việc đọc sách, nhưng ai sẽ là người gieo trồng hạt giống thói quen đọc sách cho những đứa trẻ ngay từ thuở ấu thơ. Để sách trở thành một cái thú, chắc chắn là không dễ, bởi điều cần thiết nhất là phải có một tinh thần tự nguyện, là một niềm vui, sự chờ đợi háo hức. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng kể, 7 tuổi anh đã mê mẩn những cuốn sách do ba mua về; 8-9 tuổi, anh mày mò đọc hết rương truyện Trung Hoa của ông thợ hớt tóc trong làng. Rồi tiếp theo là khóc cười với những trang sách trong “Không gia đình” của Hector Malot, “Những người khốn khổ” của Victor Hugo... dù trên thực tế anh chưa đủ lớn để trải nghiệm. Tình yêu sách bắt nguồn từ cái tuổi chưa biết đọc, mỗi tối trước khi đi ngủ mấy anh em chen chúc giành giật nhau để được nằm gần bà nhất để nghe kể chuyện.

Ngoài ra chúng ta cũng khuyên mỗi gia đình có một tủ sách riêng, hay ít nhất mỗi đứa trẻ có một giá sách. Tôi nhớ mãi không gian thiêng thực hiện hành vi đọc sách trong “Đặng Thai Mai hồi ký”. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng khi viết hồi ký (1984) ông vẫn nhớ ngôi nhà của ông bà nội ở làng Lương Điền (nay là thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An), có riêng một căn phòng kê mấy tủ sách bằng gỗ, đóng theo kiểu tủ - gánh ngày xưa... nơi ông bị nghiêm cấm không được vào “phá sách”. Để sau này, dù ở bất kể đâu, chuyển đến ngôi nhà nào, ông cũng tạo không gian đọc sách cho mình và cho các con.

Trước đây, với lũ trẻ như chúng tôi việc đọc sách là thú chơi đặc biệt, khác hàng chục thú chơi khác vì không cần có bạn chơi cùng. Khi bố mẹ đi làm, ở trong nhà thì chúng tôi chỉ có sách là người bạn. Còn hiện nay, những đứa trẻ lại không muốn ra ngoài chơi với bạn bè, chúng thích ở trong nhà để xem tivi, xem điện thoại. Sự bùng nổ thông tin, sự xuất hiện của các loại hình đa phương tiện có thể đang lấn lướt văn hóa đọc và thói quen đọc sách của mọi người, nhưng hơn hết là bởi những đứa trẻ và cả chúng ta đang thích chơi với những “người bạn mới” là các loại hình giải trí khác.

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc được phát động ở Trường THCS Định Liên (Yên Định), ngay từ bước chân đầu tiên vào ngôi trường này tôi đã thấy rõ sự nghiêm túc của các cấp lãnh đạo, sự trân trọng của các thầy, cô giáo khi vinh dự được là nơi tổ chức lễ phát động. Tất cả mọi thứ đều chỉn chu, tạo ra một ngày hội thật ý nghĩa.

Mỗi người sẽ tìm đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Thật tiếc là đa số sách được trưng bày, giới thiệu ở Ngày Sách và Văn hóa đọc lại là sách dành cho người lớn, trong đó phần lớn là sách mảng chính trị, pháp luật, chưa phù hợp với các em tuổi học sinh THCS. Cũng chính điều đó mà khu vực có xe thư viện lưu động được các em tập trung khá đông, vì ngoài truyện tranh và các loại sách thiếu nhi khác là sách điện tử khiến trẻ nhỏ tò mò, hào hứng. Nói như thế để thấy rằng, việc đọc bắt đầu từ khi đứa trẻ cầm cuốn sách lên, còn để đạt được kết quả như việc chăm chú đọc, thu nạp kiến thức là cả một quá trình. Nếu là cuốn sách không phù hợp, bọn trẻ chỉ miễn cưỡng cầm, ngó qua quýt.

Hiện nay, chúng ta có thể mua sách ở bất cứ hiệu sách nào, thậm chí ngồi ở nhà mua qua sàn thương mại điện tử, có người ship đến. Song, trong một ngày hội đọc sách, được nhìn gương mặt và ánh mắt háo hức của bọn trẻ khi cầm cuốn sách, điều đó sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Tôi đã đến nhiều xã, nhiều thôn, ở đâu cũng có tủ sách, nhưng điều đáng tiếc là hầu hết có tủ sách cho đủ tiêu chí và người đến đọc nếu có là những người cao tuổi. Danh mục sách nghèo nàn chủ yếu là các sách pháp luật, các văn kiện, nghị quyết của Đảng, những lớp bụi phủ kín, tủ sách xếp ở một góc...

Tôi biết chắc chắn những người thích đọc sách là những người yêu sách, là người biết cách nâng niu trân trọng gìn giữ một cuốn sách để trang sách không bị nhàu, không bị rách hoặc không bị những yếu tố khác ngoài đời sống xâm phạm vào. Vài năm trở lại đây, một số công ty đã thêm hướng xuất bản sách bìa cứng in giới hạn, có đánh số và đóng triện. Sách không chỉ để đọc, sách còn để trưng bày, là một thú chơi. Tuy vậy, thành thực mà nói, có sách, trưng sách nhưng không đọc sách cũng là chuyện rất thực tế hiện nay.

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc: Ngẫm về sự đọcXe thư viện lưu động thu hút các em học sinh tìm đọc sách.

Con đường để học sinh yêu thích sách là phụ thuộc vào nhà trường và phụ huynh, trong đó trực tiếp là gia đình. Gia đình nào có ông bà, bố mẹ đọc sách, con cái sẽ yêu sách, mê sách. Có thể ngay từ đầu, sách không đủ hấp dẫn như xem tivi, xem điện thoại với những hình ảnh động, bắt mắt, vui vẻ, nhưng sách như một chiếc cầu nối bọn trẻ đến với thế giới xung quanh, vui buồn với từng nhân vật, câu chuyện cụ thể, một cách rất riêng tư. Tôi biết nhiều gia đình, khi con cái còn nhỏ, đã tạo lập thói quen đọc truyện hàng đêm trước giờ ngủ của bọn trẻ. Nhưng theo thời gian, bố mẹ bận bịu, con cái ngày càng nhiều bài tập, chạy đua với các lớp học thêm... “không có thời gian để ngủ, nói gì đến đọc sách”. Dù đã làm được việc đọc sách cho con nghe, nhưng lại rất ít người đọc sách cùng con, khi đứa trẻ lớn lên. Chúng ta thường viện rất nhiều lý do, trong đó có chủ quan và khách quan, chúng ta thúc giục con cái đọc sách, nhưng rồi chính mình cũng mải mê vào chiếc điện thoại với những zalo, facebook và các trang mạng xã hội khác mà quên đi rằng việc nuôi dưỡng thói quen, tạo cho con những thú vui khi đọc sách là vô cùng quan trọng, đòi hỏi một sự kiên trì, miệt mài.

Ngày Sách và Văn hóa đọc hay những cuộc bàn thảo việc chấn hưng văn hóa đọc, những diễn đàn về vai trò của sách trong đời sống, những cuộc thi giới thiệu, truyền cảm hứng, say mê đọc sách... tất cả nhằm mục đích kêu gọi mọi người hãy đến với sách, coi sách là người bạn lớn, là kho tàng văn hóa tri thức của nhân loại có thể chỉ diễn ra vài ngày và đã tác động phần nào đến nhận thức của mỗi con người. Nhưng việc đọc sách là một hành trình dài, là nhu cầu tự thân mỗi con người.

Giá như ai cũng hiểu và nhận thấy được “Trước những cuốn sách tất cả mọi thứ đều mờ nhạt đi” như câu nói của A.Sêkhốp, tác giả của hơn 500 truyện ngắn và truyện vừa cùng nhiều vở kịch gây chấn động toàn nước Nga cuối thế kỷ XIX, thì chắc chắn chuyện về văn hóa đọc không phải bàn luận nhiều như hiện nay.

Vẫn biết dù không có Ngày Sách và Văn hóa đọc thì nhiều người vẫn đọc sách, coi sách là nơi nương náu tâm hồn, là kho tri thức vô tận của nhân loại. Nhưng có ngày 21-4 hằng năm là thêm một lần nhắc nhở những ai chưa đọc sách, hãy đến với sách có thể họ sẽ khám phá, tìm thấy và hiểu hơn thế giới ngoài kia với đủ các sắc màu khác nhau của cuộc sống.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]