(vhds.baothanhhoa.vn) - Thiếu trụ sở, các phương tiện và kinh phí để hoạt động, đội ngũ quản lý phải kiêm nhiệm nên thường bị quá tải... là những nguyên nhân chính khiến nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cầm chừng, thậm chí chỉ mang tính hình thức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều trung tâm học tập cộng đồng kêu khó?

Thiếu trụ sở, các phương tiện và kinh phí để hoạt động, đội ngũ quản lý phải kiêm nhiệm nên thường bị quá tải... là những nguyên nhân chính khiến nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cầm chừng, thậm chí chỉ mang tính hình thức.

Khó từ nhiều phía

“Địa hình huyện khá phức tạp, dân cư không tập trung, đường sá đi lại khó khăn, việc tổ chức dạy nghề, phổ biến những tiến bộ khoa học còn gặp nhiều khó khăn tại các TTHTCĐ ở một số xã trên địa bàn huyện”. Đó là những gì ông Nguyễn Văn Dĩnh - Trưởng phòng GD &ĐT huyện Thạch Thành chia sẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều TTHTCĐ trên địa bàn huyện Thạch Thành, việc thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các TTHTCĐ đã khiến cho mọi hoạt động ở đây không phát huy tối đa hiệu quả, chưa thu hút được đông đảo bà con tham gia vào các chương trình, hoạt động chung. Toàn huyện hầu hết chưa có trụ sở văn phòng làm việc riêng. Không chỉ vậy, hầu hết các TTHTCĐ tại đây đều phải học nhờ nhà văn hoá xã, hội trường xã. Thậm chí, một số xã, thị trấn còn phải sử dụng thêm cả Nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn, khu phố để tổ chức các buổi học cho từng nhóm đối tượng. Thêm nữa, nguồn kinh phí giao cho các TTHTCĐ khá eo hẹp, chỉ dao động từ 25 đến 30 triệu đồng/1 trung tâm/năm không đủ để chi trả mọi hoạt động. Mặc dù các TTHTCĐ cũng đã tích cực huy động xã hội hoá nhưng về cơ bản vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Đây cũng là những khó khăn chung của các địa phương khác trong tỉnh. Ngay như ở huyện Hoằng Hóa, hoạt động của hệ thống TTHTCĐ cũng đang rất vướng bởi những khó khăn này. Trong đó, phải kể đến việc do kinh phí hoạt động còn hạn chế, chương trình, nội dung và hình thức tổ chức của một số TTHTCĐ tại đây vẫn còn sơ sài. Hay như việc bổ sung, mua sắm tài liệu, sách giáo khoa, đồ dùng phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập chưa nhiều. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc các TTHTCĐ có sự thay đổi thường xuyên do yêu cầu luân chuyển, điều động cán bộ, khiến cho việc theo dõi, nắm bắt công việc chưa thực sự chủ động. Thậm chí, một số đồng chí trong Ban Giám đốc còn phải kiêm nhiệm nhiều nên quá tải trong công việc.

Do chưa có trụ sở riêng nên TTHTCĐ xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), phải sử dụng chung với hội trường xã.

Để tìm hiểu sâu về vấn đề này, chúng tôi tìm đến TTHTCĐ xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Anh Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc TTHTCĐ - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ đầu năm đến nay, TTHTCĐ của xã mới mở được 4 lớp với tổng số 200 học viên tham gia, các lớp mở chủ yếu là liên kết với hội phụ nữ, hội nông dân để phổ biến kiến thức sản xuất, vệ sinh môi trường cho bà con nhân dân. Khó khăn dẫn đến hoạt động của trung tâm chưa được liên tục và thường xuyên. Ngoài kinh phí do nhà nước hỗ trợ là 30 triệu đồng/năm thì ngân sách địa phương cũng có hạn. Hơn nữa, ban giám đốc trung tâm đều kiêm nhiệm nên khó khăn trong điều hành, quản lý. Cán bộ chuyên môn hạn chế về trình độ, năng khiếu nên chưa chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động và chưa thể tổ chức phong trào thường xuyên, liên tục. Theo ông Hoàng Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, nguyên nhân chính dẫn tới những khó khăn này là do một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa thực sự quan tâm thường xuyên đến công tác xây dựng xã hội học tập, trong đó có hoạt động của các TTHTCĐ. Mặt khác, sự phối kết hợp của các đoàn thể, tổ chức KT-XH ở các xã, phường, thị trấn để tổ chức các hoạt động của TTHTCĐ còn chưa chặt chẽ và thường xuyên, chưa thành nền nếp và phát triển bền vững... Điều này ít nhiều cũng làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh.

Bài toán để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ

Các trung tâm này được kỳ vọng là một kênh quan trọng hỗ trợ việc học tập suốt đời của người dân, nó có vai trò giúp chính phủ đạt được chính sách về xây dựng xã hội học tập và xây dựng nền kinh tế tri thức của đất nước. Thế nhưng, trên thực tế, các trung tâm này chưa phát huy được vai trò hoạt động của mình. Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Phó phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa cũng đã đưa ra ý kiến giống ông Hoàng Hồng, phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh. Ngoài ra bà nhấn mạnh, cơ cấu tổ chức của một TTHTCĐ bao gồm: Bộ phận quản lý gồm một giám đốc do một Phó chủ tịch xã kiêm nhiệm, một phó giám đốc do hiệu trưởng trường THCS ở địa phương kiêm nhiệm. Và đội ngũ giáo viên được huy động từ các trường học, cán bộ có trình độ của các đơn vị trên địa bàn. Vì đảm nhận nhiều công việc, nên khi kiêm nhiệm các chức danh này, hầu hết họ ít chú trọng đến chức năng, nhiệm vụ của mình. Mặt khác, lĩnh vực hoạt động này hầu như không có sự giám sát, kiểm tra đánh giá của cấp trên nên cũng dễ hiểu về tình trạng làm việc thiếu hiệu quả của họ trong lĩnh vực này.

Theo quyết định của Bộ GD&ĐT thì các TTHTCĐ là đơn vị hành chính có con dấu, tài khoản riêng. Thông tư của Bộ Tài chính còn quy định mức hỗ trợ kinh phí cho các trung tâm này hoạt động mỗi năm tối thiểu là 25 triệu đồng. Thực tế, các trung tâm HTCĐ trên địa bàn tỉnh liệu đã có đơn vị nào có con dấu, tài khoản để giao dịch và nguồn kinh phí hỗ trợ trên liệu có bao nhiêu đơn vị giải ngân được một cách hiệu quả, đúng mục đích? Có nơi lãnh đạo các TTHTCĐ còn chưa biết đến hoặc quên mất chính sách, quy định liên quan đến tổ chức mà mình đang quản lý.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm, Nguyễn Văn Dĩnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành cho hay trong thời gian tới, cần tăng cường một số giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn nghiệp vụ và chia sẻ kinh nghiệm quản lý trung tâm, bổ sung tài liệu học tập cho người dân, huy động hơn các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn báo cáo viên...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]