(vhds.baothanhhoa.vn) - Hứng nước mưa, sử dụng nước giếng đào, giếng khoan, nước sông không đảm bảo vệ sinh, thậm chí phải mua nước bình sử dụng…

Nhiều xã ở huyện Nông Cống “khát” nước sạch sinh hoạt

Hứng nước mưa, sử dụng nước giếng đào, giếng khoan, nước sông không đảm bảo vệ sinh, thậm chí phải mua nước bình sử dụng…

Nhiều xã ở huyện Nông Cống “khát” nước sạch sinh hoạtGia đình bà Nguyễn Thị Nga, thôn Vĩnh Quang, xã Tượng Lĩnh trông chờ từ nguồn nước mưa để phục vụ ăn, uống.

Đã bao đời nay, người dân các xã phía Tây Nam huyện Nông Cống luôn sống chung với tình cảnh “khát” nước sạch sinh hoạt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều giếng khoan, giếng đào ở khu vực này bị nhiễm chua, phèn, ngả màu vàng, mùi nước tanh nồng, khó chịu, không sử dụng được. Để có nước sinh hoạt các hộ dân phải tìm đủ cách, gia đình nào có điều kiện thì xây bể chứa nước mưa, khoan giếng, chi phí rất cao, hoặc mua nước bình.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga, thôn Vĩnh Quang, xã Tượng Lĩnh đã nhiều năm phải sống trong tình cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt, vì nước giếng khoan thường xuyên bị phèn, nhiễm mặn. “Khát” nước sạch, bà phải xoay xở bằng nhiều cách như xây thêm một bể lắng để lọc nước giếng khoan dùng trong tắm giặt, phục vụ chăn nuôi, rồi xây bể chứa nước mưa. Bà Lương kể, ở trong thôn hầu như gia đình nào cũng phải xây bể từ 20 - 40m3 để chứa nước mưa phục vụ ăn, uống. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền sớm đưa nhà máy cấp nước đi vào hoạt động, đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

Nhiều xã ở huyện Nông Cống “khát” nước sạch sinh hoạtDo nguồn nước giếng khoan, nước giếng đào bị nhiễm phèn, màu đục, tanh nồng... người dân xã Tượng Văn không sử dụng được nên phải xây bể chứa nước mưa tiện sinh hoạt hàng ngày.

Ông Phạm Hữu Huynh, trưởng thôn Quỳnh Tiến, xã Tượng Văn thông tin: Thôn có 192 hộ với 817 nhân khẩu. Hiện tại, 100% hộ dân trong thôn không có nước sạch sinh hoạt. Nhiều năm nay, các hộ dân đều phải mua nước giếng khoan tại chân núi ở một số thôn trong xã, với giá bán dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/m3 để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Nhiều nhà do hoàn cảnh khó khăn đã buộc phải vay tiền xây bể chứa, trữ nước mưa, rồi mua téc nhôm đựng nước, máy RO lọc nước, hoặc phải sử dụng nước không đảm bảo khác như nước sông, nước giếng khoan…

Không chỉ Tượng Văn, Tượng Lĩnh, còn có nhiều xã với hàng chục nghìn dân của huyện Nông Cống cũng trong tình trạng “khát” nước sạch tương tự.

Huyện Nông Cống hiện có 3 nhà máy nước sạch đang hoạt động cung cấp nước cho 16/29 xã, thị trấn với 9.230 hộ/49.438 hộ dân có hợp đồng với các nhà máy nước sạch tập trung. Riêng 13 xã còn lại phía Tây Nam hiện vẫn thiếu nước sạch. Để giải quyết tình trạng trên, năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư dự án nhà máy nước sạch cho 13 xã của huyện. Dự án do Công ty CP Đầu tư phát triển - Xây dựng môi trường đô thị Việt Nam (có trụ sở tại Hà Nội) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, nhà máy hoàn thành và cấp nước cho người dân vào cuối năm 2019, nhưng đến nay mới chỉ xây dựng xong tường rào bao quanh, một số ao chứa nước và một số hạng mục khác…

Nhiều xã ở huyện Nông Cống “khát” nước sạch sinh hoạtDo thiếu nước sạch sinh hoạt, người dân xã Tượng Văn sinh sống gần khu vực sông Trục thường lấy nước về lắng, lọc để tắm giặt, phục vụ chăn nuôi.

Ông Lê Anh Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Văn, cho biết: Xã có 8 thôn, nhưng chỉ có 2 thôn người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, các hộ còn lại phải dùng bể chứa nước mưa. Nhiều hộ còn phải đi mua nước ở thôn Phú Thứ cùng xã do họ đào được nguồn nước tốt ở chân núi, nhưng giá khá cao. Theo lộ trình, năm 2018 xã phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao. Song, do chưa đạt về tiêu chí nước sạch sinh hoạt tập trung, nên đến nay địa phương vẫn chưa thể về đích. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân xã Tượng Văn rất mong muốn nhà máy nước sạch được xây dựng nhanh để bà con có nước sạch để dùng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống bày tỏ: Mong mỏi của hàng chục nghìn hộ dân các xã phía Tây Nam sớm có nước sạch sinh hoạt cũng là băn khoăn, trăn trở lớn của huyện. Dự án triển khai chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân, bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện. Vừa qua, lãnh đạo huyện đã có ý kiến với ngành chức năng báo cáo UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo quyết liệt đối với đơn vị nhà thầu thi công sớm giải quyết nhu cầu cấp bách về nước sạch của người dân trong vùng cấp nước dự án. Đồng thời, thông báo đến chính quyền địa phương vùng dự án chủ động nguồn lực, tìm kiếm nguồn nước sạch hoặc mua nước sạch từ các nhà máy khác trên địa bàn và vùng phụ cận để sử dụng nếu dự án không hoàn thành tiến độ được cam kết và phê duyệt.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]