(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau gần 20 năm, TP Thanh Hóa thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ nhà nước sang doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã..., đến nay, trên địa bàn có 26 chợ đã chuyển đổi, còn lại 5 chợ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai, 6 chợ chưa chuyển đổi.

Nhìn lại việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống ở TP Thanh Hóa

Sau gần 20 năm, TP Thanh Hóa thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ nhà nước sang doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã..., đến nay, trên địa bàn có 26 chợ đã chuyển đổi, còn lại 5 chợ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai, 6 chợ chưa chuyển đổi.

Nhìn lại việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống ở TP Thanh Hóa

Chợ Phú Sơn (phường Phú Sơn) là một trong số ít chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa hoạt động không hiệu quả dù đã chuyển đổi mô hình quản lý.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã phát huy tốt vai trò của chợ trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa và tăng thu ngân sách, phát triển thị trường trong mối liên hệ thống nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ chủ động khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để đầu tư xây dựng chợ hoạt động từng bước theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy.

Chợ Tây Thành (phường Tân Sơn) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Đây là chợ duy nhất của thành phố được UBND tỉnh ủy quyền quản lý theo hình thức BOT. Các ki-ốt trong chợ được quy hoạch rộng rãi, có hệ thống chống cháy tự động; các quầy kinh doanh thực phẩm sống, hàng ăn, đều có hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải, tạo thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh. Việc thực hiện văn minh thương mại trong chợ cũng thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Chợ Tây Thành được xem là đơn vị tiên phong của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung trong việc thực hiện bán hàng theo giá niêm yết, được người tiêu dùng đánh giá cao. Theo chia sẻ của ông Lê Viết Đang, Phó trưởng Ban quản lý chợ: "Kể từ khi được đầu tư theo hình thức BOT, cơ sở vật chất khang trang, nguồn hàng phong phú, lượng khách đến chợ đông đúc hơn hẳn. Thêm nữa, việc thực hiện bán hàng theo giá niêm yết từ năm 2013 đã tạo niềm tin cho người đến mua hàng. Ban quản lý chợ cũng tạo điều kiện kết nối giữa các hộ kinh doanh với ngân hàng, giúp họ trong việc vay vốn, từ đó có nguồn tiền để đa dạng sản phẩm”.

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống là điều cần thiết và đúng đắn. Song để chợ sau chuyển đổi hoạt động có hiệu quả thì sự quyết liệt trong tổ chức hoạt động là rất quan trọng, đặc biệt là sự phối hợp với chính quyền địa phương. Chợ Phú Sơn (phường Phú Sơn) dù chuyển đổi mô hình nhưng hoạt động không hiệu quả. Theo khảo sát của chúng tôi, vào chiều ngày 31-3, thời điểm 16h là khung giờ các chợ hoạt động nhộn nhịp nhất thì trong chợ hoàn toàn không có một người bán hàng. Ông Phạm Văn Thông, bảo vệ chợ cho biết: “Chợ được đầu tư lớn, có vài chục camera an ninh, không gian rộng đủ sức cho hàng trăm hộ tiểu thương kinh doanh, nhưng hơn 2 năm đi vào hoạt động, phải nói thẳng là èo uột và không hiệu quả. Buổi sáng có khoảng 20 hộ kinh doanh nhỏ, buổi chiều họ phải di chuyển ra ngoài đường mới mong bán được hàng. Ở vị trí cuối đường cụt, lại ít mặt hàng nên chỉ vài nhà gần chợ mới đến đây mua hàng”. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một lý do, nguyên nhân lớn nhất là phía ngoài mặt đường lớn các chợ tạm, chợ cóc vẫn hoạt động nhộn nhịp.

Nhìn lại việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống ở TP Thanh Hóa

Thực hiện bán hàng theo giá niêm yết, chợ Tây Thành (phường Tân Sơn) đã tạo niềm tin cho người đến mua hàng.

Chị Lữ Thị Tú, một người dân ở phường Phú Sơn, cho biết: “Cuối tuần tôi thường đi chợ Vườn Hoa, Điện Biên mua cá, thịt... trữ cho cả tuần. Còn ngày thường tôi chỉ mua rau xanh, nên thật sự ngại vào chợ, vừa mất 3.000 đồng gửi xe mà các mặt hàng lại không phong phú, nên cứ tiện đi làm về là tạt vào bên đường mua luôn”.

Chợ Đình (phường Đông Cương) được đầu tư rất khang trang và đi vào hoạt động từ năm 2018. Tuy nhiên hiện tại chợ chỉ có 93 hộ kinh doanh cố định và 15-20 hộ kinh doanh không cố định. Theo ông Phạm Ngọc Nam, Trưởng ban quản lý chợ: "Dù được chuyển đổi mô hình quản lý nhưng chợ chưa thực sự hoạt động hiệu quả do tiền thuế đất cao, lại thêm dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người tiêu dùng chuyển sang hình thức mua hàng online. Nhưng quan trọng hơn là thời gian đầu khi đấu thầu chợ thì các tiêu chí còn đơn giản. Đến nay các tiêu chí cao hơn nhiều, vì thế doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí lớn mới hoàn thành các tiêu chí. Chẳng hạn, để hoàn thành tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi phải mất vài trăm triệu đồng đầu tư nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có sự hỗ trợ của thành phố, dù trước đó số tiền hỗ trợ đã có trong nghị quyết của HĐND thành phố. Điều này ảnh hưởng đến tiền thuê ki-ốt, mặt bằng của các hộ kinh doanh”.

Nhìn chung sau chuyển đổi mô hình quản lý, hầu hết các chợ đã thực hiện ban hành, niêm yết công khai mức thu giá dịch vụ và mức lệ phí theo quy định; thực hiện lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định; xử lý thu gom, vận chuyển tập kết rác đến nơi quy định; mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật. Duy chỉ có chợ trong Khu công nghiệp Lễ Môn chưa ban hành định mức thu các giá dịch vụ và mức lệ phí. Và để chợ truyền thống thu hút và là địa chỉ tin cậy của người dân, TP Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như: phối hợp tổ chức nghiệp vụ quản lý cho ban quản lý, hỗ trợ tiểu thương vay vốn ngân hàng, triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc, thí điểm chợ an toàn thực phẩm...

Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, TP Thanh Hóa sẽ có 6 chợ thực hiện việc chuyển đổi, gồm: chợ Rạm (xã Hoằng Long); chợ Thiệu Vân (xã Thiệu Vân); chợ Môi (xã Quảng Tâm); chợ Chớp (phường Tào Xuyên); chợ Giàng (xã Thiệu Dương); chợ Vân Nhưng (xã Đông Lĩnh). Ông Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: “TP Thanh Hóa đã kiến nghị đề xuất UBND tỉnh sớm ban hành quy định về chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ, giải quyết các vướng mắc về cơ chế chính sách, hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ... đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý, khai thác chợ. Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác phát triển hạ tầng thương mại cũng như nâng cao kiến thức về quản lý chợ để phát triển hiệu quả công tác phát triển chợ trên địa bàn”.

Để chợ truyền thống hoạt động hiệu quả hơn sau chuyển đổi mô hình quản lý, thu hút được người dân đến mua sắm, thiết nghĩ ngoài được tạo cơ chế hỗ trợ các đơn vị quản lý, các lực lượng chức năng của TP Thanh Hóa cần nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán, họp chợ tự phát tại các khu vực xung quanh chợ; đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức, thay đổi thói quen mua sắm của người dân...

Bài và ảnh: Huyền Chi


Bài và ảnh: Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]