(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê hương ta đã đổi thay nhiều, “Mái trường tranh ta mến yêu ơi !” nay chỉ còn trong kí ức, thay vào đó là những tòa nhà ba, bốn tầng khang trang với rất nhiều thiết bị dạy học hiện đại...

Nhớ mãi bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy

Quê hương ta đã đổi thay nhiều, “Mái trường tranh ta mến yêu ơi !” nay chỉ còn trong kí ức, thay vào đó là những tòa nhà ba, bốn tầng khang trang với rất nhiều thiết bị dạy học hiện đại...

Năm học 1965-1966, tôi lên lớp 9 (hệ phổ thông 10 năm, tương đương với lớp 11 bây giờ). Tháng 8/1965, do máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nên Trường cấp III Cẩm Thủy phải sơ tán 4 lớp về làng Mùn (xã Cẩm Sơn), 2 lớp về làng Song Nga (xã Cẩm Phong). Nằm phía hữu ngạn sông Mã, cách trường cũ (ở trung tâm huyện) 4 km về phía nam theo đường chim bay, làng Mùn với những mái nhà sàn chênh vênh dưới lùm cây to; đồng bào dân tộc Mường hiền lành chất phác đã giang tay chào đón, cưu mang chúng tôi (bây giờ cả hai xã Cẩm Sơn và Cẩm Phong đều thuộc thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy).

Nhớ mãi bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy

Máy bay Mỹ bắn phá liên tục, học hành nơi sơ tán với muôn vàn khó khăn gian khổ. Mặc dù là một trường miền núi với quy mô chỉ có 6 lớp, nhưng chúng tôi rất may mắn được học với những thầy, cô vừa giỏi về chuyên môn, vừa tâm huyết với nghề, như: Thầy Trần Phan Báo (Hiệu trưởng), Vũ Đình Hào, Nguyễn Văn Hanh, Lê Minh Chúc, Nguyễn Trọng Miên, Mai Xuân Hạnh, Nguyễn Thị Ánh, Trịnh Thế Mão, Lê Như Hoằng...

Cũng chính từ làng Mùn, nơi có suối nước trong, có những lán học mái tranh, vách nứa, nép mình dưới những cây cổ thụ cao to, bên những nhà sàn cheo leo trên đồi, chúng tôi cùng hát vang: “Ta đi trên đường sớm mai, nhịp bước chân rung rinh cành lá. Mái trường tranh ta mến yêu ơi! Sông quê ta xanh bóng Cửa Hà. Giặc Mỹ kia hòng phá trường ta, trường ta đây vẫn ngát lời ca. Trận địa này đây ta quyết thắng, trong gian nan đúc thành truyền thống trường ta” - lời trong bài hát do thầy Lê Minh Chúc sáng tác.

Nói về thầy Lê Minh Chúc - thầy tốt nghiệp khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1963. Thầy là người Hà Nội gốc (nhà ở phố Khâm Thiên). 22 tuổi thầy nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tạm biệt thủ đô vào Thanh Hóa công tác và được tổ chức điều động về Trường cấp III Cẩm Thủy - ngồi trường mới được thành lập, chỉ với hai lớp 8 đầu cấp. Thầy Lê Minh Chúc có chuyên môn vững vàng, nhạc lý giỏi, hát hay, đá bóng giỏi, thầy là một thanh niên đa tài, là mẫu hình lý tưởng của một thanh niên thành thị lúc đó. Tháng 10-1965, thầy đã sáng tác ca khúc “Bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy” và đã được thầy hiệu trưởng cùng các thầy trong hội đồng giáo dục nhà trường nhất trí chọn làm bài ca truyền thống của nhà trường và đặt tên là “Bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy”.

Nhớ mãi bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy

Từ đó, “Bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy” đã được chọn làm bài hát truyền thống của trường. Trong sinh hoạt 15 phút đầu giờ đến các ngày kỷ niệm 30 năm, 40 năm, 45 năm, 50 năm thành lập trường, các thầy, cô giáo đều chọn “Bài ca trường cấp III Cẩm Thủy” để trình diễn trong màn mở đầu. Nhà trường còn mang dàn hợp xướng hát bài này đi tham dự các hội diễn văn nghệ của ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa, hội diễn văn nghệ của huyện, hoặc đi chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp.

Đến tháng 6/1967, chúng tôi thi tốt nghiệp phổ thông ra trường, rồi mỗi người đi mỗi phương: Có người được chọn đi học đại học ở nước ngoài, có người vào học các trường đại học trong nước, một bộ phận về nông thôn sản xuất, không ít người lên đường nhập ngũ. Dù đi bất cứ phương trời nào, mỗi chúng tôi đều mang theo “Bài ca trường cấp III Cẩm Thủy” làm hành trang vào đời. Vì vậy, bài hát đã được xuất ngoại “đến” với nhiều nước trên thế giới: Liên Xô cũ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Bungari, Rumani, Trung Quốc, Cu Ba... Đặc biệt, bài hát đã theo người chiến sĩ giải phóng quân vào chiến trường miền Nam: Nam Bộ, Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế, Thành cổ Quảng trị năm 1972,... Có chiến sĩ đêm trước còn thầm hát “Ta đi theo vầng ánh dương, còn bài ca súng rền diệt Mỹ,...” cho đồng đội cùng nghe, ngày hôm sau ra trận đã hy sinh anh dũng.

Anh H.V.H - người làng Hòa Bình, xã Cẩm Sơn học cùng lớp với tôi suốt ba năm cấp III. Anh H. hơn tôi ba tuổi nhưng chơi thân với tôi, anh khỏe như một con voi rừng. Anh lên đường nhập ngũ được hai tuần thì giấy báo đi học mới về đến gia đình! Một năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử. Theo lời kể lại của người anh ruột, anh H. vào chiến trường chỉ mang theo trong ba lô cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Nhà văn Nikolai Ostrovsky và bản nhạc chép tay “Bài ca trường cấp III Cẩm Thủy” gấp trong quyển sách “Thép đã tôi thế đấy”.

Đối với tôi cũng có một kỉ niêm không bao giờ quên, đó là ngày 20/5/1972, tôi cùng với khoảng 30 thầy giáo cấp III của tỉnh Thanh Hóa lên đường nhập ngũ; cả 30 người đều được biên chế ở cùng một đại đội huấn luyện tân binh. Trong số 30 giáo viên đó có tôi và anh Phạm Thanh Vân (giáo viên Vật lý) cùng học trường cấp III Cẩm Thủy.

Sau 3 tháng luyện tập ở miền Bắc, chúng tôi hành quân vào miền Nam (lúc đó gọi là đi B). Thời gian này máy bay địch bắn phá miền Bắc rất dữ dội nên bộ đội hành quân đi B rất vất vả. Đầu tháng 10/1972, đại đội vào đến Trạm 75 Bãi Hà (Vĩnh Linh) sau đó được bổ sung cho các đơn vị chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Gần 5 tháng phấn đấu và rèn luyện trên đất Bắc, cả đại đội chỉ có hai người được kết nạp Đảng tại Bãi Hà, đó là anh Hồ Quang Vinh - giáo viên Toán Trường cấp III Lam Sơn và anh Nguyễn Duy Bích - giáo viên Địa lý Trường cấp III Như Xuân.

Lễ kết nạp Đảng diễn ra vào buổi chiều, tối hôm đó mấy anh em giáo viên cấp III chúng tôi họp mặt cùng nhau chúc mừng anh Hồ Quang Vinh và anh Nguyễn Duy Bích. Trong buổi tối đó, tại khu rừng ở Bãi Hà, anh Hồ Quang Vinh đã hát cho chúng tôi nghe bài hát “Lam Sơn mến yêu”, còn tôi và anh Phạm Thanh Vân cũng cao hứng song ca “Bài ca trường cấp III Cẩm Thủÿ”. Tiếng hát vang lên giữa rừng Trường Sơn lúc xao xuyến, lúc mạnh mẽ làm lay động lòng người như thúc giục người lính nhanh tiến bước ra trận. Sáng hôm sau, chúng tôi chia tay, mỗi người về một đơn vị chiến đấu mới theo sự điều động của cấp trên. Tôi và anh Nguyễn Duy Bích được bổ sung về đại đội trinh sát Sư đoàn 320B, anh Phạm Thanh Vân đi học lớp y tá cấp tốc (sau này ra quân, anh Vân về dạy tại Trường THPT Cẩm Thủy II cho đến lúc nghỉ hưu), còn anh Hồ Quang Vinh thì được bổ sung về Sư đoàn 325. Một tháng sau đó, anh Hồ Quang Vinh đã hy sinh anh dũng ở mặt trận Cửa Việt (Quảng Trị).

Tháng 11/2003, tôi về dự lễ kỉ niệm 40 năm thành lập Trường cấp III Cẩm Thủy (tổ chức tại Trường THPT Cẩm Thủy I ) với hai tư cách: thứ nhất là cựu học sinh khóa 2 của nhà trường, thứ hai là đại diện cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo. Đêm trước của lễ kỉ niệm, lớp tôi tổ chức họp lớp có mời các thầy giáo cũ cùng dự. Lúc đó, các bạn đều ở tuổi 53, 54 trở lên, nhưng ai cũng cảm thấy mình trẻ lại như thời học trò, cùng nắm tay nhau hát vang “Bài ca trường cấp III Cẩm Thủy”. Sáng hôm sau, mở đầu lễ kỉ niệm là hợp xướng “Bài ca trường cấp III Cẩm Thủÿ”. Người chỉ huy dàn nhạc đã lễ phép mời thầy Lê Minh Chúc lên chỉ huy dàn nhạc.

Gần đây nhất, tháng 11/2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng) đã về thăm trường. Và “Bài ca trường cấp III Cẩm Thủy” lại vang lên trong buổi đón tiếp người học trò ưu tú xuất sắc (khóa 1972-1975) của nhà trường.

Tôi là một nhà giáo, cũng đã là một cán bộ quản lý giáo dục. Tôi đã đi đến và làm việc với hàng trăm trường THPT, THCS (trường cấp III, cấp II), đã nghe vài chục bài hát truyền thống của các nhà trường, bài hát nào cũng hay, cũng rung động trái tim, nhưng có hai bài hát gắn bó với cuộc đời tôi, để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi đó là: Bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy và Lam Sơn mến yêu. Ca khúc Lam Sơn mến yêu của NGƯT Trần Lê Chức là bài hát truyền thống của trường cấp III Lam Sơn, sau này là Trường THPT Lam Sơn Thanh Hóa.

Nhớ mãi bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy

Về lời hai của “Bài ca Trường cấp III Cẩm Thủy”, ban đầu là: “Ta đi trong nắng tưng bừng, rộn lời ca súng rền diệt Mỹ. Cẩm Thủy ơi mái trường yêu quý, bước chân đi bạt núi băng rừng. Vì tương lai Tổ quốc ngày mai, vì miền Nam giải phóng hôm nay, vì Đảng, vì dân ta cống hiến. Ta phất cao lá cờ truyền thống trường ta”. Sau đó được thay bằng: “Ta đi theo vầng ánh dương....” để cho dễ hát hơn).

Cho đến nay (năm 2022), bài hát đã có tuổi đời 57 năm, nó song hành và sống mãi với các thế hệ học sinh Trường cấp III Cẩm Thủy trước đây và Trường THPT Cẩm Thủy I ngày nay. “Mái trường tranh ta mến yêu ơi ! Sông quê ta xanh bóng Cửa Hà”. Núi Cửa Hà vẫn sừng sững muôn đời soi mình bên dòng sông thơ mộng. Con sông Mã chảy qua miền đồi núi ruộng vườn quê ta, vẫn rì rầm ca hát ngàn năm,... và lời tiên đoán của bài hát cách đây hơn nửa thế kỷ đã trở thành sự thật: “Nay mai trên đường ngát hương, rộn ràng vui xóm làng nhà máy. Mái trường ta tươi màu ngói mới...”. Quê hương ta đã đổi thay nhiều, “Mái trường tranh ta mến yêu ơi !” nay chỉ còn trong kí ức, thay vào đó là những tòa nhà ba, bốn tầng khang trang với rất nhiều thiết bị dạy học hiện đại...

Gần 60 năm trôi qua, các thầy cô giáo dạy chúng tôi (khóa thứ hai của trường: 1964-1967) giờ đã hơn 80 tuổi, một số thầy cô đã mất. Tôi viết những dòng cảm xúc này để tri ân tất cả các thế hệ thầy cô giáo của Nhà trường nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), đặc biệt tác giả bài hát - thầy Lê Minh Chúc bước sang tuổi 82. Bài viết cũng xem như một nén hương thơm thắp lên, để các thế hệ học trò chúng tôi nghiêng mình tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn sâu sắc những thầy cô giáo kính yêu, cùng những người bạn học của một thời gian khó nhưng rất đỗi tự hào đã ra đi mãi mãi về cõi vĩnh hằng.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Cẩm Thủy Thanh Hóa, tôi viết bài này để các thế hệ hiểu thêm về lịch sử ngôi trường và bài ca truyền thống của nhà trường.

NGND Phạm Ngọc Quang

(Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa)


NGND Phạm Ngọc Quang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]