(vhds.baothanhhoa.vn) - Tác giả sáng tạo nên tác phẩm, nên không quá khi nói rằng tên tuổi của tác giả làm nên giá trị cho tác phẩm. Song, cũng có những tác phẩm đã làm tên tuổi tác giả trở nên bất tử. Nhất là khi tác phẩm ấy viết về con người, vì phẩm giá con người. Vũ Đình Liên và bài thơ “Ông đồ” nằm trong mối quan hệ như thế. Nhân 28 năm ngày mất của ông (18/1/1996) hãy cùng đọc là cảm nhận lại tuyệt bút này.

Nhớ Vũ Đình Liên, ngẫm về ông đồ thời hiện đại

Tác giả sáng tạo nên tác phẩm, nên không quá khi nói rằng tên tuổi của tác giả làm nên giá trị cho tác phẩm. Song, cũng có những tác phẩm đã làm tên tuổi tác giả trở nên bất tử. Nhất là khi tác phẩm ấy viết về con người, vì phẩm giá con người. Vũ Đình Liên và bài thơ “Ông đồ” nằm trong mối quan hệ như thế. Nhân 28 năm ngày mất của ông (18/1/1996) hãy cùng đọc là cảm nhận lại tuyệt bút này.

Nhớ Vũ Đình Liên, ngẫm về ông đồ thời hiện đại

Nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996). (Ảnh tư liệu).

Nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996) là một trường hợp khác biệt trên thi đàn Việt Nam. Ngoài hai công trình nghiên cứu “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam” (đồng tác giả với nhóm Lê Quý Đôn) và “Nguyễn Đình Chiểu - Nhà chí sĩ yêu nước” cùng xuất bản năm 1957, thì trong 93 năm tuổi đời và 80 năm làm thơ ông chỉ xuất bản duy nhất tập thơ “Đôi mắt” năm 1975. Tuy vậy, chỉ bằng một bài thơ “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đã thành thi nhân bất tử. Bài thơ được đăng trên báo Tinh Hoa năm 1936 và sau đó được đưa vào “Thi nhân Việt Nam”.

Nhận xét về nhà thơ Vũ Đình Liên, Giáo sư Hà Minh Đức từng khẳng định: Trong phong trào Thơ Mới, một số tác giả viết không nhiều nhưng có thơ hay như Vũ Đình Liên với “Ông đồ”, “Thân tàn ma dại”, Thâm Tâm với “Tống biệt hành”; Nguyễn Nhược Pháp với “Chùa Hương”... Những bài thơ hay có thể chỉ đến một, hai lần trong đời thơ của tác giả. Trong thơ ca, dù chỉ đóng góp một bài thơ hay cũng đáng được ghi nhận. Vũ Đình Liên nằm trong trường hợp đó. Khác với những nhà thơ trong phong trào Thơ Mới ca ngợi sắc đẹp, tuổi trẻ, tình yêu với những tứ thơ bay bổng, thiết tha, quyến luyến..., Vũ Đình Liên trở về với nỗi buồn của những kiếp người nghèo khổ, những hoài niệm xưa cũ. Những trang thơ của ông gây ấn tượng một thời, đặc biệt là tình thương và sự hoài niệm những giá trị xưa.

Nhớ Vũ Đình Liên, ngẫm về ông đồ thời hiện đại

Ảnh minh họa. (Nguồn internet).

Bài thơ “Ông đồ” giống như một bức tranh, hay đúng hơn như một đoạn phim ghi nhanh mà tác giả bất ngờ chớp được trên đường phố. Những cảnh như thế xưa nay vẫn có đầy ra đấy, nhưng không mấy ai để ý ngắm nghía chứ đừng nói là ghi lại để lưu giữ cho mình. Thế rồi, xuất hiện một con người với trái tim và cặp mắt đầy mẫn cảm và nhạy cảm với nỗi đời và nỗi người, lại được hỗ trợ bởi một năng lực sử dụng ngôn từ tinh thông của một thi sĩ, cảnh trí tầm thường bỗng thăng hoa thành một tác phẩm thơ làm rung động lòng người. Cái cảm giác như nhặt được, như thiên phú của bài thơ khiến nó càng quý giá. mặc dù không hề trực tiếp tỏ thái độ, nhưng tự thân hình tượng thơ quá biểu cảm đã nói hộ tất cả tấm tình xót thương vô hạn của người viết trước “cái chết từ từ” và không gì cứu vãn nổi của cả một lớp người, một thời đại, một nền văn hiến vốn đã có mấy ngàn năm gắn bó.

Kết lại, “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”. Đây mới là ngôn ngữ trực tiếp của tác giả. Sức nặng tâm linh và ý thức của người viết cô lại trong một câu hỏi bâng khuâng không lời đáp như muối gửi đến tất cả người sau nỗi khắc khoải về một nỗi đau nhân thế không dễ gì xoa dịu nổi.

Nhớ Vũ Đình Liên, ngẫm về ông đồ thời hiện đại

Hoạt động “Gieo chữ đầu xuân” được tổ chức tại Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) vào dịp Xuân Quý Mão 2023. (Ảnh: Nguyễn Đạt).

Cho đến nay, trong xã hội hiện đại, nỗi băn khoăn của nhà thơ Vũ Đình Liên trong “Ông đồ” dường như mới dần được trả lời. Không còn hình ảnh ông đồ “Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” vào mỗi dịp hoa đào nở. Nhưng những ông đồ thời hiện đại mặc áo the, khăn xếp với nét bút điêu luyện vẫn là hình ảnh đẹp mỗi độ tết đến, xuân về.

Trong niềm hoài cổ, người thời nay “phục dựng” hình ảnh ông đồ và hoạt động “cho chữ, xin chữ” ngày xuân như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đã thành thông lệ, qua ngày Rằm tháng Chạp, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng... lại thấy bày ra những “phố ông Đồ”. Tại Thanh Hoá cũng vậy, hình ảnh “ông Đồ” trong dịp Tết đã không còn xa lạ với người dân khi tham gia một số sự kiện vui xuân đón Tết do các địa phương, đơn vị tổ chức. Có chút “hiện đại hoá” khi ngoài những ông đồ già râu dài tóc bạc là những ông đồ trẻ cả về tuổi đời, tuổi nghề, mực nghiên giấy bút cũng được cải tiến khác xưa, nhưng quan trọng cái hồn của việc xin chữ - cho chữ vẫn được các thế hệ hôm nay nâng niu, trân trọng.

Và vì thế, dù ngày nay mọi người không còn chuộng “xin chữ thánh hiền” về treo giữa nhà thì hình ảnh những “ông Đồ” cho chữ vẫn là một nét vẽ trong mùa xuân bất tận của dân tộc.

Nhà thơ, nhà giáo Vũ Đình Liên, sinh ngày 12/11/1913, tại Hà Nội (quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông mất ngày 18/1/1996, tại Hà Nội.

Quê gốc Hải Dương nhưng Vũ Đình Liên sinh ở Hà Nội. Đỗ tú tài Trường Bưởi năm 1932, ông vừa học đại học luật vừa đi dạy học kiếm sống tại các trường tư thục, viết báo làm thơ, rồi tự đứng ra mở Báo Tinh hoa. Thời chín năm chống thực dân Pháp, ông tham gia kháng chiến rồi quay trở lại nghề sư phạm, giữ một số chức vụ ở Bộ Giáo dục, đến năm 1962 làm Chủ nhiệm Khoa Pháp văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để đào tạo giáo viên làm chuyên gia tiếng Pháp cho các nước bạn.

Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

“Hoa taythảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

NM (Tổng hợp)


NM (Tổng hợp)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]