(vhds.baothanhhoa.vn) - Giao thông bất tiện, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trình độ dân trí còn thấp, đất canh tác ít, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao... Những rào cản đó đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân bản Vịn, xã Yên Thắng (Lang Chánh) suốt nhiều năm qua.

Nhọc nhằn bản Vịn

Giao thông bất tiện, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trình độ dân trí còn thấp, đất canh tác ít, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao... Những rào cản đó đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân bản Vịn, xã Yên Thắng (Lang Chánh) suốt nhiều năm qua.

Nhọc nhằn bản VịnMột góc bản Vịn.

Cơn mưa rào đêm hôm trước khiến con đường giao thông huyết mạch dài hơn 7km, chủ yếu là đường đất từ trung tâm xã vào bản trở nên gian nan, vất vả hơn bao giờ hết. Phải mất khoảng nửa giờ đồng hồ, chúng tôi mới có mặt tại bản Vịn - một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Yên Thắng. Từ bao đời nay, cuộc sống của đồng bào Thái, Mường nơi đây vẫn khó khăn, tuy không còn thiếu đói mùa giáp hạt nhưng cũng chẳng khấm khá là bao.

Theo Bí thư kiêm trưởng bản Hà Văn Hạnh, cách đây hơn chục năm, nơi đây như một “ốc đảo” với muôn vàn khó khăn, nhọc nhằn. Từ trung tâm xã muốn vào được trong này cũng “thấm” nhiều mồ hôi bởi giao thông duy nhất là con đường đất nhỏ, với khe suối hết sức nguy hiểm. Mùa khô bặm bụi, mùa mưa, đường bùn lầy ngập bắp chân, nhà nào có xe máy cũng không đi lại được nên chỉ còn cách cuốc bộ. Dân bản không may ốm đau hoặc sinh đẻ gặp thời tiết bất lợi cũng đành phải khiêng cáng, đi bộ vượt rừng mới ra được điểm y tế gần nhất thăm khám, điều trị. Khổ nhất các cháu theo học bậc THCS, THPT ở trung tâm xã, huyện phải dậy từ rất sớm, chuẩn bị quần áo, đồ dùng học tập, đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến điểm trường. Người dân bản Vịn phần vì trình độ dân trí còn thấp, đất canh tác ít, tập quán sản xuất cũ, manh mún, chủ yếu dựa vào ít lúa, luồng, keo, nên dù chịu khó làm việc nhưng thu nhập vẫn không cao. Sản phẩm làm ra từ chăn nuôi, trồng trọt mang nặng tính chất tự cung, tự cấp, chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa, do đường sá đi lại khó khăn, nhu cầu và khả năng buôn bán, trao đổi hàng hóa không lớn nên kinh tế trong bản chậm phát triển. Cả bản có 114 hộ, thì có đến 37 hộ nghèo.

Cô Lương Thị Thoan (SN 1994, xã Tam Văn, Lang Chánh) có thâm niên hơn 5 năm gắn bó với điểm trường bản Vịn, Trường Mầm non Yên Thắng, chia sẻ: “Điểm trường hiện có 33 học sinh, trước đây có 1 phòng học kiên cố, 1 phòng học mượn của điểm trường tiểu học, 1 phòng tranh tre nứa lá, khung gỗ dành cho các cháu từ 1 đến 3 tuổi, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, không đảm bảo. Năm 2021, Dự án “Vì trẻ em vùng cao” đã hỗ trợ, xây mới 3 phòng học và hệ thống bếp ăn, nhà vệ sinh khang trang, sạch đẹp. Dẫu vậy, do nguồn thực phẩm tươi sống phục vụ bán trú cho trẻ trong bản không đáp ứng đủ, hàng ngày các cô phải dậy sớm ra trung tâm xã lấy về, những ngày mưa gió kéo dài phải đi bộ hàng giờ đồng hồ nên khá vất vả”.

Nhọc nhằn bản VịnSau cơn mưa, con đường vào bản Vịn trở nên gian nan, vất vả.

Trường THCS Yên Thắng hiện có 33 học sinh bản Vịn theo học. Để đến trường, hàng ngày các em di chuyển bằng nhiều hình thức khác nhau như đi xe đạp, đi bộ. Theo thầy Nguyễn Văn Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Có hôm học cả ngày, sáng sớm phụ huynh vội vã đưa con đến trường, trưa các cháu ở trọ một số nhà dân quanh khu vực, ăn tạm nắm xôi, ổ bánh mỳ... chiều tan học lại chờ phụ huynh đến đón về. Nhiều em do bố mẹ đi làm ăn xa nên thiếu thốn sự quan tâm, sát sao từ gia đình dễ bị lôi cuốn vào những thói hư, tật xấu. Vậy nên, bản thân thầy, cô giáo sẽ đóng vai trò như một người cha, người mẹ trong gia đình để tâm sự, chia sẻ, quan tâm, hướng dẫn, giúp các con có thêm kiến thức thoát ra khỏi cuộc sống khó khăn.

Đồng chí Lê Hữu Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng cho biết, trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, đời sống bà con bản Vịn còn nhiều khó khăn. Mong mỏi lớn nhất của cán bộ và dân bản là được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã đến trung tâm bản, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hỗ trợ tạo mô hình, trao sinh kế, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn, con giống phát triển sản xuất, tạo động lực vươn lên thoát nghèo.

Được biết, ngày 27/12/2022 UBND huyện Lang Chánh đã ban hành Quyết định 2306/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư công trình: Đường giao thông từ bản Ngàm Pốc đi bản Cơn, bản Vịn, xã Yên Thắng (Lang Chánh) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, với chiều dài hơn 3,5km. Tổng mức đầu tư phê duyệt gần 38 tỷ đồng (phân bổ từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa) được triển khai thi công tháng 7/2023. Sau khi hoàn thành, kỳ vọng sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đối với bản Vịn nói riêng, các bản có tuyến đường trong xã đi qua nói chung.

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]