(vhds.baothanhhoa.vn) - Những vụ bạo lực học đường trong thời gian qua ở Thanh Hóa đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xuống cấp đạo đức ngay trong môi trường được cho là chuẩn mực của xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối nạn bạo lực học đường (Kỳ 1): Những “vết thương” học đường

Những vụ bạo lực học đường trong thời gian qua ở Thanh Hóa đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xuống cấp đạo đức ngay trong môi trường được cho là chuẩn mực của xã hội.

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra liên tiếp 3 vụ bạo lực học đường. Chuyện tưởng như cũ nhưng không cũ. Một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đánh nhau, làm nhục nhau của chính những học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường...

“Nhật ký” buồn...

Lần giở lại những vụ bạo lực học đường trong 5 năm trở lại đây, tính riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã có hàng chục vụ. Trong đó, có năm xảy ra gần 10 vụ, điển hình như năm 2020 này. Nghiêm trọng có những bạo lực dẫn đến thiệt mạng.

Trước đó, vào cuối năm 2019, một học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) đã bị một đối tượng 16 tuổi (đã bỏ học) đâm tử vong. Tháng 3/2020, đối tượng P.V.T (17 tuổi) là học sinh của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc) cũng đã đâm 3 đối tượng khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Cùng tháng 3/2020, một nữ sinh lớp 9 Trường THCS Yên Hùng (Yên Định) bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng. Tháng 4/2020, hai nhóm nữ sinh THPT ở 2 huyện Thường Xuân và Như Xuân vác gậy sắt đánh nhau giữa đường... Và trong tháng 11/2020 này, một nữ sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) cũng bị đánh bởi một nhóm bạn. 2 ngày sau đó, tức vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một nữ sinh lớp 12, Trường THPT Quảng Xương 4 (huyện Quảng Xương) bị bạn cùng trường cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu và bắt quỳ để xin lỗi...

Thực tế, những câu chuyện buồn về bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng và ở mức nghiêm trọng hơn. Dù đây là một vấn đề không mới nhưng rõ ràng khi những vụ việc xảy ra, nó lại trở thành vấn đề nóng và lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo...

Bạo lực học đường là hành vi phản đạo đức. (Ảnh cắt từ clip vụ việc đánh hội đồng bạn ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi).

Còn lại những “vết thương”...

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Sự gia tăng của các vụ bạo lực học đường đã phần nào phản ánh sự xuống cấp nghiêm trọng của các giá trị đạo đức xã hội. Vẫn biết “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, nhưng những vụ việc xảy ra trong những năm gần đây thì mức độ nguy hiểm hơn và đáng sợ hơn, khiến nhiều người phải rùng mình. Những vụ bạo lực học đường như giang hồ, xã hội đen xử lý nhau.

Vậy nên, sau mỗi vụ việc, sau những đòn roi của bạn bè, sau những đớn đau về thể xác, điều còn lại chính là những “vết thương”. Vết thương da thịt và vết thương lòng. Quay trở lại với vụ việc gần đây nhất vào ngày 18/11 xảy ra giữa học sinh Đ.L.V, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) và nhóm bạn, thì sau khi bị đánh hội đồng, em Đ.L.V đã phải nhập viện do chấn thương phần mềm. Đối với Đ.L.V, có thể đến lúc này vẫn sẽ còn ám ảnh trong em về cái giây phút kinh hoàng ấy. Giữa vòng vây của nhóm bạn, em không thể kháng cự, cũng không thể kêu la ai đó tới giúp mình...

Và nếu để ý, thì không chỉ trường hợp Đ.L.V mà rất nhiều trường hợp khác (nhất là đối với nạn nhân là nữ sinh) thì khi bị đánh, các em hoàn toàn không có bất cứ một hành động nào để chống trả. Các em cứ thế im lặng và chịu đựng để cho bạn đánh. Có lẽ vì vậy, sẽ để lại cho các em những vết thương đau đớn hơn.

Hình phạt

Hình phạt, tôi nghĩ đấy cũng là một “vết thương” dành cho những học sinh đã dùng bạo lực với chính bạn của mình. Bởi nếu ngay bản thân không tham gia xúc phạm bạn, đánh bạn thì rõ ràng cái tâm của các em hãy còn rất sáng và các em không phải chịu bất cứ một hình thức xử phạt nào. Nhưng khi đã dùng bạo lực để hành hung bạn thì đó là cái tội.

Chúng tôi trở lại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi khi đã hết thời gian đình chỉ học 1 tuần đối với 3 học sinh tham gia đánh em Đ.L.V. Một tuần nghỉ học cho hành vi đánh bạn để các em nhìn lại bản thân, nhìn lại hành động và để nhận ra lỗi. Ngoài nghỉ học 1 tuần, 3 học sinh đánh bạn cũng đã bị xếp hạnh kiểm trung bình trong tháng 11. L.G.H, lớp 8A4, 1 trong 3 học sinh của trường này tham gia đánh em Đ.L.V nói với chúng tôi rằng: "1 tuần ở nhà, em suy nghĩ rất nhiều về việc đánh bạn V. Em thấy buồn vì nghe các bạn xúi giục mà đã xông vào đánh bạn. Trong thời gian một tuần, em cũng đã đến thăm bạn V. 2 lần. Bạn cũng đã nắm tay em đồng ý trở lại bạn bè như cũ. Lúc ở nhà, em cũng lo sợ vì không biết khi em quay trở lại trường, lại lớp, các bạn có chơi với em nữa không. Nhưng rất may không có ai quay lưng với em. Thầy cô, các bạn và cả bạn V. cũng động viên em nhiều"...

Từ tâm sự của em L.G.H để thấy được một điều, ngay chính bản thân em cũng sợ bị cô đơn, sợ bị bỏ rơi sau khi tham gia đánh bạn. Đồng nghĩa với việc, em cũng đã bị chấn động tâm lý và sẵn sàng đón nhận một hình phạt về tinh thần dành cho mình đó là sự quay lưng của mọi người xung quanh...

Bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi lo của gia đình - nhà trường- xã hội. Trước vụ việc xảy ra ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, cho biết: "Chúng tôi rất buồn. Sau vụ việc này, chúng tôi sẽ ban hành chỉ thị chung để ngăn chặn, chấn chỉnh việc bạo lực học đường”.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất bức xúc trước các vụ việc về bạo lực học đường xảy ra dồn dập tại các trường học trên toàn quốc trong thời gian qua. Thủ tướng đã từng nói: “Thời gian qua xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường và những hành vi thiếu văn hóa đạo đức khác. Đây có phải là vấn đề báo động không? Chúng ta đang nói một câu chuyện lo tăng trưởng, phát triển kinh tế nhưng chúng ta không thể nào bỏ quên vấn đề xã hội bức bối như vậy”.

Một sự việc đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua tại Trường TH Hoằng Kim (Hoằng Hóa), trong giờ ra chơi cháu Nguyễn Đỗ Trọng K., ( SN 2014, học sinh lớp 1B) bị nam sinh lớp 3 bắn bi vào mắt, phải nhập viện.

Trường TH Hoằng Kim nơi xảy ra sự việc.

Theo phản ánh của mẹ cháu K., chị Đỗ Thị T. (thôn Hiệp Thành, Hoằng Kim) cho biết khoảng chiều ngày 26/11, gia đình có nhận được thông báo từ phía nhà trường về việc con trai chị đang cấp cứu tại Trạm Y tế xã Hoằng Kim.

Thời điểm đó, cháu K., bị tổn thương vùng mũi, chảy máu vùng võng mạc mắt, kêu khóc. Theo hướng dẫn của bác sỹ trạm y tế, gia đình chị đưa cháu đến Bệnh viện Mắt Thanh Hóa. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán vùng tổn thương của cháu K., khá nặng nên khuyên gia đình chuyển thẳng ra Bệnh viện mắt Trung ương (Hà Nội), điều trị.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thọ - Hiệu trưởng Trường TH Hoằng Kim, cho biết: Sự việc diễn ra rất nhanh, thời điểm đó là giờ ra chơi, rất đông học sinh. Sau khi nghe học sinh hô hoán, thầy cô mới chạy ra, nhanh chóng đưa cháu đến trạm y tế, đồng thời thông tin cho phụ huynh cháu được biết.

“Hiện toàn bộ hồ sơ sự việc được chuyển sang cơ quan điều tra, nhà trường cũng xin ý kiến chỉ đạo của phòng GD&ĐT phối hợp chi hội phụ huynh hỗ trợ kinh phí, ra Hà Nội thăm, động viên gia đình. Bản thân tôi thấy sự việc này rất nghiêm trọng và cũng đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an để trả lời phụ huynh học sinh” - ông Nguyễn Văn Thọ thông tin thêm.

Hoàng Việt Anh - Trung Lê


Hoàng Việt Anh - Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]