(vhds.baothanhhoa.vn) - Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô giáo, nhất là giáo viên đang giảng dạy ở các điểm lẻ luôn bám lớp, bám bản, tất cả vì học sinh thân yêu.

Những người “gieo chữ” giữa đại ngàn

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô giáo, nhất là giáo viên đang giảng dạy ở các điểm lẻ luôn bám lớp, bám bản, tất cả vì học sinh thân yêu.

Những người “gieo chữ” giữa đại ngànThầy giáo Hơ Văn Pó giảng dạy tại điểm trường Ché Lầu, Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn).

Hai anh em người Mông cùng dạy học

Khi chúng tôi dừng chân đến đầu bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) cũng là lúc âm thanh rộn vang, trong trẻo của các em học sinh điểm trường Ché Lầu (Trường Tiểu học Na Mèo) đang tập đánh vần con chữ. Giữa núi rừng bao la, tiếng thầy và trò cùng nhau đọc bài gây xúc động cho những vị khách đến thăm bản.

Ché Lầu là bản Mông duy nhất của xã Na Mèo và là 1 trong 3 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống của huyện Quan Sơn. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở Ché Lầu còn gặp nhiều khó khăn. Giao thông đi lại đã thuận lợi hơn trước kia rất nhiều nhưng hành trình gần 20 cây số từ trung tâm xã Na Mèo lên đến bản Ché Lầu là chặng đường dài đối với những thầy cô cắm bản. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học còn thiếu thốn, nhưng những thầy cô giáo ở điểm trường mầm non, tiểu học ở bản Ché Lầu vẫn miệt mài “gieo chữ” cho các em nhỏ nơi đây.

Điểm trường mầm non và tiểu học Ché Lầu cùng nằm gần kề nhau trên một khu đất cao. Tại điểm trường mầm non, có 3 phòng với 5 thầy cô giáo và 40 các em học sinh. Cô giáo Hơ Thị Ly đang dạy lớp nhà trẻ độ tuổi 24 - 36 tháng chỉ có 7 em. Những đôi mắt to tròn, ngây thơ nhìn những vị khách lạ. Cô giáo Ly cho biết: “Quê em ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy. Hiện tại gia đình đang sống ở bản Xộp Huối, xã Na Mèo. Đây là năm đầu tiên em được phân công lên giảng dạy ở điểm trường Ché Lầu. Con của em đang học mẫu giáo ở điểm trường chính Trường Mầm non Na Mèo. Hằng ngày, em phải dậy thật sớm để lên điểm trường Ché Lầu cho kịp giờ đón trẻ. Tuy vất vả đi lại, điều kiện ăn nghỉ sinh hoạt thiếu thốn nhưng em cũng như các cô giáo nơi đây vẫn luôn yêu nghề, mến trẻ”.

Những người “gieo chữ” giữa đại ngànThầy giáo Hơ Văn Súa giảng dạy tại điểm trường Ché Lầu, Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn).

Bên cạnh lớp cô Ly, thầy giáo Thao Tông Xai đang dạy các em lớp ghép độ tuổi 3, 4, 5. Cô dạy trò đã vất vả, cảnh thầy dạy các em độ tuổi mầm non càng khó khăn hơn.

Tại điểm trường Ché Lầu (Trường Tiểu học Na Mèo) chỉ có 2 phòng học và 2 thầy giáo Hơ Văn Pó và Hơ Văn Súa đang đứng lớp giảng bài cho các em học sinh. Điểm trường Ché Lầu dạy học các em từ lớp 1 đến lớp 4. Thầy Pó và thầy Súa là hai anh em ruột, sinh ra tại bản Ché Lầu. Thầy Pó đã có 20 năm công tác hiện đang dạy lớp ghép 1 và 2, còn thầy Súa có 17 năm công tác, hiện đang dạy lớp ghép 3 và 4. Những năm trước đây, thầy Súa dạy học ở các điểm lẻ và khu chính, năm học mới này, được ban giám hiệu phân công giảng dạy ở điểm trường Ché Lầu. Vậy là hai anh em – hai thầy giáo cùng đồng hành dạy học cho các em của bản. Thầy Pó và thầy Súa chính là những người con của bản được học hành và trở thành những thầy giáo. Bà con Ché Lầu vì thế luôn lấy tấm gương của hai thầy để động viên con cái đến trường.

Năm đầu tiên các em vào lớp 1 còn bỡ ngỡ, thầy Pó vừa dạy các em tiếng phổ thông lại quay sang nói tiếng dân tộc Mông, giải thích để các em hiểu thêm. Thầy giáo Mông dạy trò Mông vì vậy cũng thuận lợi hơn nhiều, lớp học luôn rôm rả. Thầy Hơ Văn Pó tâm sự: “Bà con ở bản Ché Lầu vẫn còn nhiều khó khăn, nên một số phụ huynh chưa mặn mà cho con cái đến trường. Dù phải dạy lớp ghép có vất vả hơn, phải phân bổ thời gian hợp lý mới đảm bảo được tiến độ dạy và học, trang thiết bị dạy và học còn thiếu thốn nhưng vì tình yêu nghề chúng tôi vẫn bám lớp, bám bản. Mong muốn được đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình đem cái chữ đến với các em học sinh, giúp các em có thêm hy vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước. Rồi mai này, các em sẽ đem những kiến thức của mình trở về xây dựng quê hương ngày một ấm no, đổi mới”.

Gian nan con chữ ở Cha Khót

Rời bản người Mông ở Ché Lầu, chúng tôi xuôi về trung tâm xã Na Mèo, bắt đầu chặng đường đến thăm những giáo viên ở điểm trường tiểu học, mầm non Cha Khót, ở bản Cha Khót. Điểm trường cách xa trung tâm xã khoảng 10 cây số. Cha Khót có 53 hộ sinh sống, 100% đồng bào dân tộc Thái. Cũng bởi bản cách xa trung tâm nên không thể thực hiện việc dồn điểm lẻ. Hằng ngày, các cô giáo Vi Thị Phấn, Lữ Thị Nưng, Trường Mầm non Na Mèo lặn lội vào bản để dạy học cho các em. Điểm trường chỉ có duy nhất 1 phòng học với 15 em. Lớp học với 4 độ tuổi 2, 3, 4, 5, trong đó lớp 5 tuổi có 3 em theo học. Cảnh lớp ghép đã vất vả trong việc dạy học và cơ sở vật chất điểm lẻ chưa đáp ứng việc nấu ăn bán trú. Vì vậy, mỗi ngày, cô Phấn và cô Nưng thay phiên nhau ra điểm trường chính để nhận các suất ăn bán trú cho các em ở bản Cha Khót.

Những người “gieo chữ” giữa đại ngànCô giáo Vi Thị Phấn đang dạy học tại điểm trường Cha Khót (Trường Mầm non Na Mèo).

Ở điểm Trường Tiểu học Cha Khót cũng chỉ có 2 lớp học với 5 trình độ do cô giáo Hà Thị Hằng và cô Vi Thị Chuyên đều ở xã Trung Hạ lên dạy học. Cô Hà Thị Hằng dạy lớp 2, 4. Lớp cô giáo Vi Thị Chuyên có tổng số 10 em học sinh lớp 1, 3, 5. Chiếc bảng được cô Chuyên chia thành 3 phần và phòng học cũng được sắp xếp thành 3 nhóm lớp cho thuận tiện với giảng dạy. Theo những giáo viên và người dân nơi đây chia sẻ, gia cảnh cô Chuyên rất khó khăn, hiện tại cô cũng đang mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, cô vẫn miệt mài bám trụ với nghề, với các em học sinh. Vất vả là vậy, nhưng chỉ nhìn thấy những khuôn mặt ngây thơ, những tiếng cười và sự lớn lên mỗi ngày của các em là động lực để những cô giáo nơi đây tiếp tục gắn bó với mảnh đất còn nhiều khó khăn như Cha Khót.

Ông Lê Huy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn cho biết: “Toàn huyện có 40 trường mầm non, tiểu học, THCS. Trong đó, mầm non có 25 điểm lẻ, tiểu học có 23 điểm lẻ. Hiện nay, đội ngũ giáo viên bậc mầm non cơ bản đủ, đáp ứng được yêu cầu dạy học. Đội ngũ giáo viên tiểu học, THCS còn thiếu so với quy định, chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn như thiếu giáo viên văn hóa, giáo viên dạy các môn đặc thù (Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học). Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được tăng cường đáng kể, tuy nhiên vẫn còn thiếu nhiều, chưa đồng bộ. Quy mô trường lớp nhỏ lẻ, nhiều điểm trường. Khoảng cách địa lý từ xã này sang xã kia, từ bản này đến bản khác xa, bị sông suối chia cắt; đi lại khó khăn nên việc dồn khu, dồn lớp khó thực hiện. Đời sống của các thầy cô giáo dạy ở các điểm lẻ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô giáo, nhất là giáo viên đang giảng dạy ở các điểm lẻ luôn bám lớp, bám bản, tất cả vì học sinh thân yêu. Địa phương mong muốn, trung ương và tỉnh có chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên về địa bàn vùng khó. Tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án tăng cường cơ sở vật chất trường học. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế, đặc thù của từng địa phương để giao số lớp, số biên chế phù hợp. Bổ sung thêm biên chế đối với nhân viên các cấp học; bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có cơ chế, chính sách cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh ở các xã đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn đang thuộc huyện nghèo”.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]