(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng đất cổ Kẻ Nưa xưa, nay là thị trấn Nưa (huyện Triệu Sơn) từ xa xưa đã được biết đến là quê hương của nhiều danh sĩ nổi tiếng lịch sử. Trong đó, những danh sĩ họ Doãn: Doãn Tử Tư, Doãn Anh Khải, Doãn Bằng Hài là những nhà ngoại giao xuất chúng thời Lý - Trần.

Những nhà ngoại giao họ Doãn trên đất cổ Kẻ Nưa

Vùng đất cổ Kẻ Nưa xưa, nay là thị trấn Nưa (huyện Triệu Sơn) từ xa xưa đã được biết đến là quê hương của nhiều danh sĩ nổi tiếng lịch sử. Trong đó, những danh sĩ họ Doãn: Doãn Tử Tư, Doãn Anh Khải, Doãn Bằng Hài là những nhà ngoại giao xuất chúng thời Lý - Trần.

Những nhà ngoại giao họ Doãn trên đất cổ Kẻ NưaDi tích lịch sử cấp tỉnh Từ đường họ Doãn Việt Nam trên địa bàn thị trấn Nưa là nơi thờ các vị thủy tổ, tiền nhân dòng họ Doãn có nhiều công trạng trong lịch sử dân tộc.

Kẻ Nưa vẫn được biết đến là một trong những vùng đất cổ xưa ở xứ Thanh. Ở Kẻ Nưa, họ Doãn là một trong những dòng họ lớn, có vị thế. Theo các bậc cao niên trong làng, Kẻ Nưa thuở xa xưa có tên gọi chạ Kẻ Nưa sau đổi là giáp Cá Na rồi hương Cổ Na (Cổ Định)... Người dân Kẻ Nưa vẫn tin rằng, vùng đất này có lịch sử từ thời các vua Hùng dựng nước. Trong số “Thập vị tiên công” có công đầu tiên khai phá, lập làng ở Kẻ Nưa, có vị thủy tổ dòng họ Doãn. Và ở Kẻ Nưa, họ Doãn cũng là dòng họ có truyền thống học hành, khoa cử, góp phần làm nên danh tiếng của vùng đất học Cổ Định.

Những người con ưu tú của dòng họ Doãn với tài năng xuất chúng không chỉ làm rạng danh vùng đất mà còn được sử sách lưu danh bởi những đóng góp to lớn, đặc biệt là trên lĩnh vực ngoại giao. Và nhà ngoại giao họ Doãn đầu tiên ở Kẻ Nưa được sử sách lưu danh là danh sĩ triều Lý - Doãn Tử Tư.

Theo tài liệu và chuyện kể còn lưu ở Kẻ Nưa, sau khi vua Lý Thái tổ cho dời đô về Thăng Long đã xuống chiếu cầu hiền để tìm người tài ra giúp vua trị quốc, an dân. Lúc bấy giờ ở đất Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay) có hiền nhân tên Doãn Tử Tư đã tìm về chốn kinh kỳ góp sức. Khi được vua Lý hỏi về kế sách đối với nhà Tống ở phương Bắc luôn có dã tâm xâm chiếm nước ta, Doãn Tử Tư đã khẳng khái tâu trình: “Tống triều đang ở thế cận suy, bởi hiện có bốn điều sợ: Một là vừa bị vua Lê Hoàn đánh cho tan tác, Hầu Nhân Bảo và nhiều tướng tài bị giết làm dân tình còn chưa hết run sợ. Hai là sợ Tây hạ gây rối. Ba, bốn sợ Liêu, Kim cử binh xâm lấn. Bởi vậy họ chưa dám đánh ta. Song, cái họa giặc phương Bắc thì không thể lơ là. Vậy phải lợi dụng lúc rảnh rang này mà sửa sang võ bị, nuôi dưỡng quân lính. Võ bị của đất nước mạnh thì dù quân giặc có muốn cũng không làm gì nổi ta” (sách Địa chí huyện Triệu Sơn).

Tương truyền, sau khi nghe kế sách của Doãn Tử Tư, vua Lý cho là phải, nhận thấy đây là bậc hiền tài, vì thế nhà vua đã bổ dụng ông làm quan trong triều. Đến thời vua Lý Thái tông, Doãn Tử Tư được thăng lên đến chức Công bộ Thượng thư. Lúc bấy giờ, nước ta và nhà Tống lại xảy ra tranh chấp biên giới. Công bộ Thượng thư Doãn Tử Tư với quan điểm biên giới quốc gia cần phải rạch ròi để làm bằng cớ cho con cháu đời sau, nên đã được vua nhà Lý cử đi sứ nhà Tống để giải quyết. Suốt 3 năm đi sứ, ông đã đem kiến thức, tài hùng biện của mình để thương thảo, đấu tranh với triều Tống, cuối cùng hai bên thỏa thuận cùng lập bản đồ đường ranh giới, ghi vào thư tịch và đặt cột mốc. Để thưởng công lao của ông, vua Lý Thái tông đã ban tặng ông tước Quận công và nhiều vàng bạc, đất đai.

Tiếp nối tài năng của cụ Doãn Tử Tư, người cháu là Doãn Anh Khải cũng là nhà ngoại giao được vua Lý tin tưởng, trọng dụng. Theo gia phả dòng họ Doãn, tiền nhân Doãn Anh Khải trời sinh bản tính thông minh, có tài biện thuyết.

Bấy giờ, nhà Tống phương Bắc vẫn chưa từ bỏ dã tâm với quốc gia Đại Việt. Bởi vậy, nhân cơ hội vua Lý Thánh tông qua đời, vua Lý Nhân tông lên ngôi còn nhỏ, bèn tập hợp binh lực hòng tiến xuống phía Nam xâm lược nước ta.

Theo sử liệu, lúc bấy giờ quan đại thần Lý Thường Kiệt nắm giữ binh quyền trong triều đảm nhận sứ mệnh tổ chức, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Tống của quốc gia Đại Việt. Với quan điểm, tiến công để tự vệ, Lý Thường Kiệt đã đem quân tập kích thẳng vào trại giặc ở biên giới phía Bắc và thành Ung Châu. Về sau, trong trận quyết chiến trên sông Như Nguyệt, quân Tống thất bại càng thảm hại, buộc phải tháo chạy.

Những nhà ngoại giao họ Doãn trên đất cổ Kẻ NưaTên của danh sĩ Doãn Tử Tư được sử dụng đặt tên đường trên địa bàn thị trấn Nưa (huyện Triệu Sơn).

Dẫu đại thắng quân Tống, song vua quan nhà Lý không vì thế mà kiêu ngạo. Nhà Lý chủ trương nhún nhường bằng con đường ngoại giao cầu hòa để người dân trong nước được yên ổn làm ăn, cũng là để kéo dài thời gian xây dựng lực lượng, củng cố quốc phòng, để Đại Việt ngày thêm vững mạnh.

Khi được vua Lý Nhân tông hỏi đối sách ngoại giao với nhà Tống, “Doãn Anh Khải tấu trình kế sách chủ động cầu hòa, tôn họ lên để họ khỏi phá rối, Nhân dân hai nước sẽ được yên ổn làm ăn, nhà vua cho là phải. Năm 1080, Doãn Anh Khải được vua Lý Nhân tông cử làm Chánh sứ dẫn đoàn đi sứ nhà Tống. Khi vào bệ kiến vua Tống, bằng những hiểu biết rộng rãi, lý lẽ sắc bén và khiêm nhường, Doãn Anh Khải tâu trình phân tích những nỗi lo, khó khăn mà vua Tống phải đối phó là các nước Liêu - Hạ ở phía Bắc và mong sự hòa hiếu bang giao giữa hai nước Tống - Việt. Vua Tống chấp nhận cầu hòa và cho thông sứ hai bên như trước... Sau kết quả của chuyến đi sứ, Doãn Anh Khải được vua Lý Nhân tông tặng thưởng rất hậu và phong tước Quận công” (sách Địa chí huyện Triệu Sơn).

Đến thời nhà Trần, Doãn Bằng Hài (có tài liệu viết Doãn Bang Hiến) là hậu duệ của cụ Doãn Tử Tư lại “tiếp nối” truyền thống ngoại giao của dòng họ Doãn. Theo sử liệu, từ nhỏ Doãn Bằng Hài đã thông minh, hiếu học, nổi tiếng với tài tranh luận. Dưới đời vua Trần Anh tông ông thi đỗ tiến sĩ.

Cũng như nhà Tống, nhà Nguyên phương Bắc dẫu sau nhiều lần bị nhà Trần đánh thắng vẫn không ngừng quấy phá ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, với kế sách “Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc sâu rễ”, nhà Trần lúc bấy giờ chủ trương giải quyết vấn đề biên giới bằng ngoại giao hòa bình. Muốn vậy, phải có sứ thần tài năng, hiểu biết sâu, tranh biện giỏi. Bấy giờ Thượng thư Doãn Bằng Hài được vua Trần Minh tông tin tưởng giao phó trọng trách đi sứ nhà Nguyên.

Ông làm quan thanh liêm chính trực, thường lấy đức hóa nhân và giữ kỷ cương phép nước. Với cương vị là Hình Bộ Thượng thư, Doãn Bằng Hài được giao soạn thảo nhiều văn kiện đối ngoại quan trọng... Đến khi đi sứ nhà Nguyên cũng thắng lợi, hoàn thành trọng trách vua giao. Tương truyền, với lý lẽ đanh thép, sắc bén, không sợ cường quyền, nắm vững nguyên tắc, đề cao quốc thể, tài ngoại giao của quan Thượng thư Doãn Bằng Hài được vua Nguyên khen ngợi là người thông minh trí lực, nên đã được khoản đãi trọng hậu.

Bởi vậy, khi quan Thượng thư Doãn Bằng Hài về nước, ông đã được vua Trần Minh tông ban thưởng rất hậu. Cùng với việc phong chức Thiếu phó, tước hiệu Hưng đình hầu, ông còn được thưởng cho nhiều ruộng để lập trang ấp. Tương truyền, trang Doãn Xá (thuộc xã Đông Thịnh ngày nay) chính là phần đất mà vua Trần ban cho nhà ngoại giao Doãn Bằng Hài năm xưa.

Ông Lê Văn Sơn - công chức văn hóa xã hội thị trấn Nưa cho biết: “Doãn Tử Tư, Doãn Anh Khải, Doãn Bằng Hài là những bậc tiên hiền, nhà ngoại giao xuất chúng, niềm tự hào của quê hương Cổ Định. Tên danh sĩ Doãn Tử Tư đã được sử dụng đặt tên cho con đường tại địa phương. Cùng với đó, Từ đường họ Doãn Việt Nam - nơi thờ các vị thủy tổ dòng họ Doãn và các vị danh sĩ họ Doãn đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng tư liệu trong sách Địa chí huyện Triệu Sơn và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]