(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử - cách mạng, nhất là trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Nơi góp phần giáo dục truyền thống cho lớp trẻ

Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử - cách mạng, nhất là trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Nơi góp phần giáo dục truyền thống cho lớp trẻDi tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông (Đông Sơn) thu hút đông đảo học sinh đến tham quan.

Di tích lịch sử Lò cao kháng chiến Hải Vân, thị trấn Bến Sung (Như Thanh) từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của thế hệ trẻ Như Thanh nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đây là một trong những di tích còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn cả về cảnh quan thiên nhiên và di tích, thể hiện tinh thần chiến đấu và lao động quên mình của cán bộ, kỹ sư và công nhân lò cao Hải Vân. Lò được cấu trúc thành 5 tầng theo kiểu hình trụ tháp, mặt trong lát gạch chịu lửa, mặt ngoài bọc sắt, hoạt động liên tục từ năm 1953 cho đến tháng 12-1954.

Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Như Thanh luôn chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy giá trị của di tích, nhất là trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh Đinh Xuân Thắng cho biết: Thời gian qua ngành văn hóa đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, ý nghĩa cho học sinh như tổ chức cho các cháu dọn dẹp vệ sinh môi trường, hoạt động dã ngoại, trải nghiệm, lễ kết nạp đoàn viên, hội viên, đội viên, báo công tại di tích.

Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) những năm qua cũng trở thành “địa chỉ đỏ” quen thuộc của thế hệ hệ trẻ. Đây là nơi ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu vào ngày 20-2-1947. Trong khuôn viên di tích có Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bia liệt sĩ ghi danh tên tuổi các liệt sĩ của quê hương Đông Sơn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Phòng truyền thống thuộc tổng thể Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông là nơi lưu giữ các hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về quá trình hình thành, phát triển của vùng đất, con người Đông Sơn.

Bà Nguyễn Phương Thúy, nhân viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Đông Sơn, cho biết: Những năm qua song song với tôn tạo di tích, việc phát huy giá trị di tích được trung tâm đặc biệt quan tâm. Theo ước tính, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 di tích đã thu hút được khoảng 100 đoàn khách đến tham quan, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên.

Được tận mắt tham quan di tích, nghe thuyết minh về lịch sử ngay tại địa chỉ đỏ, đoàn viên, thanh thiếu niên càng thấm thía hơn về những năm tháng hoạt động cách mạng của cha ông. Em Mai Anh, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Chích, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn), chia sẻ: “Nhà gần khu di tích nên em và các bạn thường đến địa điểm lịch sử nổi tiếng này, qua đó giúp chúng em bồi đắp thêm ý thức trân trọng, giữ gìn các giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước".

Thanh Hóa là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã để lại cho mảnh đất này một hệ thống di tích lịch sử cách mạng phong phú, đa dạng, đã và đang phát huy vai trò là điểm “về nguồn”, giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ như Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (xã Thọ Lập, Thọ Xuân), Hang Treo (xã Hà Long, Hà Trung), Nhà Mẹ Tơm (xã Đa Lộc, Hậu Lộc), Chiến Khu Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo, Thạch Thành), Tượng đài các lão dân quân Hoằng Trường (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa)... Để các di tích lịch sử cách mạng trở thành điểm đến thu hút lớp trẻ nhiều hơn, ngoài việc quan tâm giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, làm tốt công tác sưu tầm, bảo vệ và phát huy giá trị các hiện vật cách mạng, kháng chiến, thì các cấp, ngành cần tích cực quảng bá, giới thiệu di tích ngày càng rộng rãi hơn nữa. Đồng thời, tổ chức đa dạng các hoạt động tham quan, về nguồn để thu hút lớp trẻ. Việc gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - cách mạng cũng chính là góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]