Nơi lan tỏa tình yêu với ngôn ngữ và văn hóa Nga
(Chinhphu.vn) - Phân viện Puskin luôn tích cực hỗ trợ các cơ sở giáo dục Việt Nam trong dạy và học tiếng Nga, lan tỏa văn hóa Nga, góp phần củng cố tình bạn hữu nghị và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, công tác ngoại giao nhân dân giữa hai quốc gia.
Thành lập tại Hà Nội ngày 3/11/1983, Phân viện mang tên đầy đủ A.X. Puskin, với tình yêu dành cho nước Nga thân thiết, hiện nay trở thành Phân viện duy nhất còn tồn tại và đang hoạt động để tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Nga ở Việt Nam trong số 10 phân viện trên thế giới.
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin cho biết, Phân viện Puskin là một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga (Việt Nam – Liên Xô trước đây), thể hiện thiện chí của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đối với việc duy trì và quảng bá văn hoá – ngôn ngữ Nga ở Việt Nam.
Trải qua hơn 40 năm hoạt động, Phân viện Puskin đã hỗ trợ các cơ sở giáo dục Việt Nam trong dạy và học tiếng Nga, góp phần củng cố tình bạn hữu nghị và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, công tác ngoại giao nhân dân giữa hai quốc gia như thế nào, thưa bà?
Giám đốc Phân viện Puskin Nguyễn Thị Thu Đạt: Phân viện Puskin tiền thân là Phân viện tiếng Nga A.X.Puskin Hà Nội. Chúng tôi vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập vào tháng 11/2023. Lịch sử của một phân viện với số cán bộ nhỏ và khiêm tốn như thế này, chúng tôi nghĩ đó là một chặng đường khá dài.
Những năm đầu tiên khi phân viện mới thành lập có cả chuyên gia Liên Xô cùng làm việc với các chuyên gia Việt Nam.
Phân viện Puskin đã hoạt động rất hiệu quả, là địa chỉ hỗ trợ cung cấp các loại giáo trình, sách tham khảo, tạp chí chuyên ngành, phương thức giảng dạy cho tất cả các đơn vị, cơ sở dạy tiếng Nga ở Việt Nam.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Phân viện Puskin hiện nay vẫn là đơn vị duy nhất còn tồn tại và đang hoạt động để tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Nga ở Việt Nam trong số 10 phân viện trên thế giới. Điều này thể hiện tình cảm, thiện chí của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đối với việc duy trì và quảng bá văn hoá – ngôn ngữ Nga ở Việt Nam.
Suốt 40 năm qua, Phân viện Puskin cùng những giảng viên, giáo viên tiếng Nga tại Việt Nam vẫn rất tâm huyết với việc tuyên truyền quảng bá ngôn ngữ - văn hóa Nga, truyền lửa, truyền tình yêu tiếng Nga, văn hóa Nga cho các thế hệ; khuyến khích việc dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam.
Phân viện Puskin cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam phối hợp với phía Nga tổ chức bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ tiếng Nga quốc tế cho người Việt Nam, phục vụ mục đích khác nhau như đi học, đi lao động ở Nga, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các công ty liên doanh Việt-Nga.
Hiện nay, tiếng Nga không còn chiếm vị trí số 1 trong số các ngoại ngữ được người Việt Nam chọn học. Tuy nhiên, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Liên Bang Nga không ngừng được củng cố và phát triển. Trong đó, ngôn ngữ, văn hóa chính là cầu nối để thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.
T ừ năm 2023-2024, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga đã cử chuyên gia Nga sang Phân viện Puskin trực tiếp làm việc và giảng dạy, công việc này hiện nay được thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao , thưa bà ?
Giám đốc Phân viện Puskin Nguyễn Thị Thu Đạt: Từ sau chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga sang Phân viện Puskin, phía Nga đã cử chuyên gia Nga sang Phân viện Puskin làm việc gần như liên tục. Các chuyên gia Nga sang chủ yếu giảng dạy tiếng Nga.
Việc có chuyên gia Nga sang hỗ trợ giúp Phân viện có thể mở rộng được thêm nhiều hoạt động mà trước đó chưa làm được, hoặc có thể phải đi nhờ các đơn vị khác, nhờ các trường đại học khác ở Nga hỗ trợ.
Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa đã được triển khai sau khi chuyên gia Nga sang hỗ trợ như: Tổ chức Olympic quốc tế tiếng Nga dành cho học sinh các trường THPT chuyên ở Việt Nam; tổ chức khoá tiếng Nga giao tiếp; tổ chức những khoá nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Nga ở Việt Nam.
Đơn cử trong năm nay, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và tổ chức một khóa nâng cao trình độ cho tất cả giáo viên và giảng viên tiếng Nga ở Việt Nam trực tiếp tại Phân viện Puskin, có chuyên gia tiếng Nga giảng dạy và kéo dài trong khoảng từ 3-4 tháng.
Đó là việc mà đã từ rất lâu nay chúng tôi không thể làm được vì không có chuyên gia Nga ở Phân viện Puskin. Mặc dù chúng tôi có phối hợp với các trường đại học của Nga, nhưng việc tổ chức nâng cao trình độ với sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia Nga tại Việt Nam chưa thực hiện được.
Trước đây 1 tuần, chúng tôi bắt đầu khóa dạy tiếng Nga cho người lao động ở Việt Nam. Các chuyên gia Nga tham gia giảng dạy cả trực tiếp lẫn trực tuyến. Hiện nay chúng tôi cũng đang tổ chức ôn luyện cho các cán bộ dầu khí Vũng Tàu – VIETSOVPETRO, bồi dưỡng tiếng Nga cho các cán bộ, sĩ quan quân đội.
Nhân dịp kỷ niệm 225 năm Ngày sinh của Đại thi hào Nga Puskin, Phân viện Puskin tổ chức cuộc thi thu hút được nhiều học sinh sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới tham dự.
Chúng tôi kỳ vọng rằng nếu như có sự tham gia làm việc thường xuyên của chuyên gia Nga, Phân viện Puskin có thể tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa như những khoá tiếng Nga để bồi dưỡng kĩ năng sống, kiến thức về đất nước Nga cho các bạn du học sinh của Việt Nam trước khi sang Nga du học.
Bà có thể cho biết thêm về những hỗ trợ của Liên Bang Nga đối với Phân viện Puskin trong thời gian hiện nay và sắp tới cũng như sự hợp tác giữa hai bên trong quảng bá văn hoá – ngôn ngữ Nga ở Việt Nam , thưa bà?
Giám đốc Phân viện Puskin Nguyễn Thị Thu Đạt: Mỗi năm, Viện tiếng Nga Quốc gia mang tên A.X. Puskin trao tặng 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Nga theo học. Đồng thời, Viện này cũng thường xuyên hợp tác với Phân viện Puskin Hà Nội và Trung tâm khoa học và văn hóa Nga trong việc cung cấp các loại giáo trình, sách tham khảo, tạp chí chuyên ngành, tài trợ giải thưởng và học bổng cho các kỳ thi Olympic tiếng Nga, các hội thảo song phương và quốc tế về giảng dạy và truyền bá tiếng Nga ở cả Việt Nam và Đông Nam Á.
Về phía Phân viện, chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với Hội Hữu nghị của hai nước để tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tiếng Nga đến với đông đảo các đối tượng.
Trong quá trình tổ chức hoạt động như vậy, các đơn vị ở phía Nga luôn tích cực phối hợp. Ví dụ, với các cuộc thi hay festival văn hóa, chúng tôi không chỉ tổ chức theo hình thức trực tiếp mà còn tổ chức cả trực tuyến để các đơn vị giáo dục của Nga và các cơ sở của các nước khác tham gia.
Như Festival Văn hoá Việt – Nga từ lần đầu tổ chức năm 2012 với 150 người tham dự, đến năm 2022 đã thu hút hơn 1.200 người từ hơn 20 đơn vị giáo dục trên cả nước. Đây không chỉ là cơ hội để những học sinh, sinh viên biết đến văn hoá Nga, mà còn là cơ hội để quảng bá văn hoá Việt với thế giới.
Hay Cuộc thi tìm kiếm tài năng mang tên Puskin được mở rộng các hạng mục thi như: Đọc thơ, đóng kịch, vẽ tranh, vẽ lại những tác phẩm truyện của Puskin, thiết kế trang phục dưới thời Puskin và cả những trang phục trong những tác phẩm do Puskin sáng tác... đã thu hút được hơn 400 học sinh, sinh viên của 14 nước tham dự.
Chúng tôi cũng đã đưa các học sinh Việt Nam sang dự các khoá học ngắn ngày, trại hè APEC, hay đến các trường Đại học của Nga để tìm hiểu thêm về nền giáo dục của Nga, để có cơ hội cọ sát, giao tiếp với người bản ngữ, giao lưu với tất cả các bạn bè trên thế giới.
Đã gắn bó với nước Nga, ngôn ngữ và văn hóa Nga từ nhỏ, nước Nga trong bà là những ký ức, kỷ niệm và tình cảm như thế nào, thưa bà?
Giám đốc Phân viện Puskin Nguyễn Thị Thu Đạt: Khi học lớp 5, tôi đã lựa chọn tiếng Nga để học. Sau đó lên đến Đại học tôi vẫn lựa chọn tiếng Nga với mong ước sẽ trở thành một phiên dịch tiếng Nga. Sau này tôi trở thành giáo viên tiếng Nga.
Sau khi học Nghiên cứu sinh ở Nga, cùng với truyền thống gia đình gắn bó với tiếng Nga, văn hóa Nga và nước Nga, nên tôi quyết định xin vào Phân viện Puskin để làm việc, tiếp tục việc tuyên truyền quảng bá ngôn ngữ Nga.
Gia đình tôi không những được hưởng nền giáo dục của Nga, mà còn có những tình cảm gắn bó với nhiều thầy cô giáo, bạn bè Nga.
Người Nga có những nét tính cách rất là tương đồng với người Việt Nam, đó là hiếu khách, đôn hậu, sống rất nhân nghĩa, ân tình. Bởi vậy cho đến tận bây giờ tôi vẫn giữ liên hệ với những thầy cô, bạn bè ở Nga, và khi cần hỗ trợ bất kỳ công việc gì chúng tôi cũng đều nhận được sự giúp đỡ từ họ.
Ngọc Liên
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-06-19 08:59:00
Kĩ năng đọc thông tin - Biến thông tin thành sức mạnh
Vì sao vợ chồng gọi nhau là “Nhà” ?
Thực hư thông tin ca sỹ robot tổ chức buổi hòa nhạc gây sốc tại Mỹ
Điểm sáng phát triển văn hóa đọc
Việt Nam có MV Youtube đầu tiên đạt 1 tỉ lượt xem
Lần đầu tiên tổ chức triển lãm về nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam
“Sống đến bình minh” - Ký ức cuộc đời nhà báo Trần Mai Hạnh
“Càn” trong “ăn bậy nói càn” nghĩa là gì?
Độ nhiễu - Sai lầm trong phán đoán
Móng nhà hay móng ngựa