(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 12 tháng 3 năm Giáp Thìn (tức 20/4/2024), dòng họ Nguyễn Văn làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) tổ chức lễ giỗ lần thứ 53 cụ trưởng tộc Nguyễn Văn Nắm (1971 - 2024) và kỷ niệm 100 năm phát hiện chiếc trống đồng văn hóa Đông Sơn đầu tiên (1924 - 2024).

Phác họa chân dung người phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên

Ngày 12 tháng 3 năm Giáp Thìn (tức 20/4/2024), dòng họ Nguyễn Văn làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) tổ chức lễ giỗ lần thứ 53 cụ trưởng tộc Nguyễn Văn Nắm (1971 - 2024) và kỷ niệm 100 năm phát hiện chiếc trống đồng văn hóa Đông Sơn đầu tiên (1924 - 2024).

Phác họa chân dung người phát hiện chiếc trống đồng đầu tiênAnh Nguyễn Văn Vệ, trưởng làng Đông Sơn, hậu duệ 3 đời của Nguyễn Văn Nắm đọc lời khai mạc buổi lễ.

Làng cổ Đông Sơn là một làng nhỏ, nằm lọt thỏm trong thung lũng của dãy núi Rồng. Cả làng đến nay mới có trên 3.500 khẩu, trên 90% số khẩu mang hai họ lớn trong làng là họ Lương và họ Dương. Họ Nguyễn chỉ có gần 200 nhân khẩu, nhưng đã tổ chức lễ giỗ cụ trưởng tộc rất hoành tráng ngay tại nhà văn hóa nằm ở giữa làng, có mời chính quyền địa phương và các dòng họ bạn trong làng về dự. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa gửi lẵng hoa chúc mừng. Chiếc phông lớn treo giữa hội trường, ngoài câu lễ giỗ cụ trưởng tộc, còn ghi: “100 năm phát hiện trống đồng văn hóa Đông Sơn” - vì cụ trưởng tộc họ Nguyễn Văn... chính là người phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên của nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn.

Theo tiểu sử tóm tắt do con cháu trong gia đình vừa lập (được tấu trình trong lễ giỗ): Cụ Nguyễn Văn Nắm sinh năm 1888 trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Đông Sơn. Cụ là con cả trong một gia đình có 6 anh chị em. Với tư chất thông minh, cụ theo học đến Đệ Tam Hán học, nên được dân làng coi là người có học. Khi trưởng thành, cụ xây dựng gia đình với cụ bà Lương Thị Gián, người cùng làng và sinh hạ được ba người con, hai trai một gái.

Là một nông dân có lối sống giản dị, quần nâu áo vải, lại có tính trung thực, trọng nghĩa nên cụ Nguyễn Văn Nắm được con cháu trong họ kính trọng, được bà con trong làng tín nhiệm. Năm 1923, cụ được bổ nhiệm làm Hương kiểm. Cụ đảm nhiệm chức Hương kiểm sau khi trải qua nhiều nhiệm kỳ Lý trưởng. Uy tín và tính trung thực, ngay thẳng trong hành sự việc làng của cụ được bà con ghi nhận và suy tôn là ông Kiểm Đại. Trong thời gian làm Hương kiểm, cụ đã tổ chức công tác trị an trong làng, nhất là việc cắt cử trai tráng thường xuyên đi tuần, canh gác tại hai điếm canh ở hai đầu làng nên làng xóm được bình an, Nhân dân yên ổn làm ăn.

Làng Đông Sơn thời cụ Nguyễn Văn Nắm làm Hương kiểm là thời phát triển phồn thịnh. Ngày đó, sản vật địa phương như trâu bò, dê núi, khoai, sắn, củ từ, khoai sọ của làng nổi tiếng khắp vùng. Sắn Đông Sơn trồng trên các sườn đồi được thị trường ghi nhận là một đặc sản bởi hương vị đặc trưng không nơi nào có được.

Cụ là người thích quảng giao kết bạn gần xa. Bạn bè của cụ từ Hà Trung, Thọ Xuân, Hậu Lộc, cả Nghệ An, Ninh Bình thường đến chơi nhà. Thỉnh thoảng cụ lại theo bạn bè đi chơi xa vài ba hôm để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, khi về cụ hướng dẫn cho bà con trong làng. Nhờ thế mà nhiều hộ trong làng làm ăn khá giả lên.

Cụ có sở thích đến đam mê nghề câu cá. Trong nhà cụ lúc nào cũng có từ 5 đến 7 cần câu các loại, loại câu xa, loại câu gần, tùy từng mùa và tùy vào thời tiết. Cụ là người có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về cá và nghề câu cá. Cá đồng câu buổi sáng, cá sông câu buổi chiều tối. Các loại cá vược, cá tráp ở sông Mã, phải chờ đến chiều tối, nước sông phẳng lặng, yên ắng mới bơi vào bờ ăn mồi. Trong nghề câu cá, cụ có thói quen mang màu sắc “tâm linh”, mỗi lần đi câu cụ đốt một đống lửa, huơ cần câu và giỏ đựng cá trên ngọn lửa trước khi đi. Chẳng biết đó có phải là phép màu nhiệm không, nhưng cụ đã đi câu là được cá, chưa bao giờ chịu về với giỏ không. Dân làng thường coi cụ là người “sát cá”.

Cái duyên với nghề câu cá vô tình đưa cụ Hương kiểm Nguyễn Văn Nắm trở thành người phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên của nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn. Theo ông Nguyễn Văn Đốc, cháu đích tôn của cụ Nguyễn Văn Nắm kể lại (theo lời kể của cụ): Vào năm 1924, một lần đi câu cá bên bờ Nam sông Mã, thuộc xứ đồng Xuôi của làng Đông Sơn, cụ phát hiện một gò đất ven sông sụt lở. Tưởng là mộ phần của ai đó bị sóng đánh lộ thiên, cụ đến xem, nếu đúng là mộ, cụ sẽ tìm đất đắp lại. Nhưng không ngờ bên trong hố đất có nhiều hiện vật bằng đồng và bằng sứ. Cụ liền báo cho anh em trong họ ra thu lượm về, tất cả được 8 gánh trong đó đồ gốm sứ có: tô, chén, bát, đĩa, bình rượu, bình hoa; đồ đồng có: thau, mâm, nồi, chảo và đặc biệt có một chiếc trống đồng được chế tác rất tinh xảo vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Cụ coi việc phát hiện ra kho đồ cổ là một vận may trời cho nên đem về nhà cụ phân phát cho anh em trong nhà, còn lại tặng cho bạn bè trong làng và các vùng lân cận để làm kỷ niệm. Riêng chiếc trống đồng, cụ biết là vật quý nên giữ lại, đặt trên bàn giữa nhà để mọi người đến chơi cùng chiêm ngưỡng.

Việc cụ Kiểm Đại làng Đông Sơn phát hiện được trống đồng nhanh chóng lan truyền ra khắp vùng. Quan lại địa phương, các nhà sưu tầm cổ vật, các thương gia tìm đến quan sát, bình phẩm. Sau này chiếc trống đồng này đã được một người Pháp tên là L.Pajot mua lại và anh ta cấp cho cụ một văn bằng xác nhận nguồn gốc, xuất xứ của chiếc trống đồng ấy. Rất tiếc giấy chứng nhận đó đã thất lạc trong những năm chiến tranh.

Khi nghe ông Nguyễn Văn Đốc cháu đích tôn của cụ Kiểm Đại kể về văn bằng xác nhận nguồn gốc, xuất xứ chiếc trống đồng người Pháp cấp cho cụ, tôi cứ ngờ ngợ. Cụ Kiểm Đại, một người nông dân Việt Nam có học, dứt khoát cụ đòi bằng được người Pháp mang trống đồng đi phải cấp cho cụ một văn bằng xác nhận chiếc trống đồng là do ông phát hiện tại làng Đông Sơn trên đất Việt Nam, như một thứ “bản quyền” khi nó được mang ra thế giới.

Sự việc sau đó được báo lên Trường Viễn đông Bác Cổ và L.Pajot được ủy nhiệm tiến hành khai quật ở Đông Sơn. Những cổ vật đã tìm thấy trong các cuộc khai quật ở làng Đông Sơn được công bố tại Pháp vào năm 1929 đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của nhiều học giả đương thời. Các nhà học giả phương Tây lúc bấy giờ không thể giải thích nổi vì sao, tại một khu vực còn hết sức nghèo nàn, lạc hậu, ở vào thời điểm vài thập kỷ đầu của thế kỷ trước, mà trong quá khứ hai ngàn năm, lại có thể nảy sinh một quốc gia có nền văn minh cao đến như vậy.

Năm 1934, nhà khảo cổ học người Áo tên là Hai-nơ Ghen-đéc đã đề nghị gọi tên nền văn hóa đồ đồng được phát hiện tại làng Đông Sơn là “Văn hóa Đông Sơn”. Từ đó đến nay tên “Văn hóa Đông Sơn” được dùng phổ biến trên toàn thế giới. Niên đại Văn hóa Đông Sơn được xác định là nền văn minh thuộc đời Đồng thau và Sắt sớm, cách ngày nay trên dưới 2.000 năm.

Theo nhà sử học Phan Huy Chú: "Lúc bấy giờ người Đông Sơn sống hòa thuận, bình đẳng, vua tôi cùng đi cày, cha con cùng tắm, không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền, thứ bậc, cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là thời rất hồn nhiên...".

Hiện nay, di chỉ khảo cổ học và những địa điểm về “Văn hóa Đông Sơn” trên đất Thanh Hóa có tới 120 di tích, được phân bổ ở khắp các vùng miền: miền biển, đồng bằng, trung du và miền núi, nhưng tập trung chủ yếu ở đồng bằng của hai con sông lớn của tỉnh Thanh Hóa là sông Mã và sông Chu. Đôi bờ của hai con sông lớn này là nơi có di tích “Văn hóa Đông Sơn” dày đặc, đó là cái nôi nền "Văn hóa Đông Sơn” trên vùng đất này.

Văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa cội nguồn, thể hiện sức mạnh trường tồn và mang dấu ấn đặc sắc của văn hóa dân tộc mà cha ông xưa đã tạo dựng nên. Nền văn hóa ấy đã đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật, về tinh thần chống ngoại xâm, tinh thần hòa nhập, cởi mở và đổi mới. Những giá trị của nền Văn hóa Đông Sơn mãi mãi là nền tảng tinh thần, là động lực để đưa dân tộc ta nói chung và Đảng bộ, Nhân dân phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, trong đó có Nhân dân làng cổ Đông Sơn- nơi phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên trên thế giới, không ngừng đổi mới và phát triển.

Dòng họ Nguyễn Văn ở làng Đông Sơn coi sự kiện cụ trưởng tộc của họ phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên của nền “Văn hóa Đông Sơn” năm 1924 là niềm tự hào của cả dòng họ. Trong buổi lễ giỗ cụ, các ý kiến phát biểu đều nêu nguyện vọng Nhà nước hoặc ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thanh Hóa nên có một hình thức ghi nhận công lao phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên của cụ Nguyễn Văn Nắm, để hàng năm vào dịp lễ giỗ con cháu tri ân cụ.

Bài và ảnh: Lê Xuân Giang (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]