(vhds.baothanhhoa.vn) - Có người nói những bức thư tay luôn mang theo tâm hồn và cốt cách của người viết. Với những người phụ nữ Việt Nam, năm tháng chiến tranh - hoàn cảnh bất bình thường, những bức thư tay vừa gói ghém tình cảm, niềm tin, là hậu phương “tâm hồn” nâng đỡ họ vượt qua bao biến cố để vững tin về ngày mai toàn thắng, nước nhà hòa bình, độc lập, mọi người được yên vui, hạnh phúc. “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” - một thời vừa bi tráng vừa rất đỗi kiêu hùng, tỏa sáng truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Phẩm chất và cốt cách phụ nữ Việt Nam

Có người nói những bức thư tay luôn mang theo tâm hồn và cốt cách của người viết. Với những người phụ nữ Việt Nam, năm tháng chiến tranh - hoàn cảnh bất bình thường, những bức thư tay vừa gói ghém tình cảm, niềm tin, là hậu phương “tâm hồn” nâng đỡ họ vượt qua bao biến cố để vững tin về ngày mai toàn thắng, nước nhà hòa bình, độc lập, mọi người được yên vui, hạnh phúc. “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế” - một thời vừa bi tráng vừa rất đỗi kiêu hùng, tỏa sáng truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Phẩm chất và cốt cách phụ nữ Việt Nam

Cuốn sách tập hợp hàng trăm lá thư. Mỗi lá thư như một trang sử về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc của gia đình Việt Nam thời chiến.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định - tên tuổi của bà gắn với phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre năm 1960. Những năm tháng chiến đấu gian khổ ác liệt bị địch lùng sục bắt bớ ráo riết, bà vẫn không quên viết thư gửi con trai đang học tập ở miền Bắc. Lá thư ấy được bà viết tháng 7 năm 1954 nhưng mãi đến tháng 3 năm 1960, anh On mới nhận được. Tháng 7 âm lịch cũng nhằm ngày giỗ người chồng đã mất của nữ tướng. Trong bức thư ấy, tình yêu thương gia đình với con, với người thân đã hòa quyện với tình yêu Tổ quốc. Lòng yêu nước mến dân căm thù giặc sâu sắc cũng chính là tình yêu gia đình một cách thực tế nhất.

Bà Nguyễn Thị Thập là lãnh tụ xuất sắc của phong trào phụ nữ, lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ; người phụ nữ duy nhất cho đến nay được nhận Huân chương Sao Vàng. Những lá thư của bà Nguyễn Thị Thập gửi cháu thể hiện tình cảm và trách nhiệm với 3 cháu nội khi con trai bà sớm hy sinh. Người phụ nữ ấy đã động viên cháu mình bằng những dòng mộc mạc thắm tình: “Thôi chiến tranh phải có hư hao mất mát, bà cũng như hàng vạn bà mẹ khác mất chồng, mất con trong cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc Việt Nam ta. Dân tộc ta đã làm nên lịch sử rất vĩ đại mà gia đình ta cũng đóng góp một phần xương máu vào sự nghiệp ấy”.

Là người Việt, ai cũng biết đến bức ảnh nổi tiếng “nụ cười chiến thắng” của chị Võ Thị Thắng. Chị Thắng sinh năm 1945 ở tỉnh Long An, năm 16 tuổi chị tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1968 chị bị địch kết án tù khổ sai 20 năm, lúc nghe phán xét chị đã cười và nói: “Tôi chỉ sợ chính quyền các ông không tồn tại để thi hành bản án”. Nụ cười chiến thắng của chị khi ấy đã được một phóng viên nước ngoài chụp lại và trở thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam. Lá thư của chị Võ Thị Thắng viết khi bị giam ở nhà tù Côn Đảo gửi về cho gia đình. Trong thư, người phụ nữ ấy chỉ có một canh cánh nỗi lo là sức khỏe của người thân và dặn cha mẹ nếu thương con thì ráng giữ gìn bảo trọng. Phụ nữ Việt Nam là vậy, không chỉ có mình đồng da sắt, thịt da ai cũng là người với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Trong họ luôn đong đầy và thao thức nỗi niềm hướng về người thân yêu ruột thịt của mình; biết yêu thương nên càng biết căm thù lũ giặc bạo tàn là vậy.

Hay lá thư của chị Võ Thị Tần, nữ tiểu đội trưởng nhận cắm chốt ngã ba Đồng Lộc - “tọa độ chết” thường xuyên bị địch bắn phá. Trong bức thư cuối cùng gửi mẹ, chị Tần tâm sự những cung đường ở đây liên tục được nối lại bằng cả tâm hồn và trí lực của biết bao thanh niên. Mẹ ơi, mẹ đừng lo, “ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm giặc Mỹ thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con mẹ ạ”.

Nếu người Mỹ ngày ấy và cả sau này còn khó hiểu vì sao họ đã thất bại thảm hại trên đất nước Việt Nam; thì những dòng thư tay của người con gái kiên cường anh dũng ngày đêm bám trụ ở “tọa độ chết” này đã nói lên tất cả. Nếu bom đạn và vũ khí chiến tranh có thể làm cày xéo mảnh đất này, nhưng mãi không bao giờ có thể khuất phục tinh thần, ý chí và khát vọng của những con người nơi đây. Sự sống luôn được hồi sinh từ những “vùng đất chết”. Niềm lạc quan, lòng nhân ái, trung dũng kiên cường, không đầu hàng trước nghịch cảnh và kẻ thù đã khiến những người phụ nữ tưởng như tay yếu chân mềm ở trong thời khắc nguy nan nhất vẫn có thể tự tin kiêu hãnh đến vậy.

Đúng như những lá thư của chị Đặng Thùy Trâm đã viết: “Ở đây ác liệt nhưng người ta sẽ lớn lên, trưởng thành trong gian khổ và trong yêu thương”.

Ở bình diện chiều sâu văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định: Trong cốt cách của người Việt có thể dung hòa rất nhiều mặt đối lập, vừa kiên nhẫn dịu dàng, lại rất đỗi kiên trung; vừa mạnh mẽ căm thù những điều xấu xa bạo tàn lại biết yêu thương trân trọng những điều tốt đẹp dù rất nhỏ. Và ở trong tâm hồn mỗi người phụ nữ Việt Nam, ở hoàn cảnh bất bình thường - hoàn cảnh chiến tranh khói lửa đạn bom, vẻ đẹp nội tâm ấy lại bừng lên một sức sống mãnh liệt. Họ là hậu phương lớn cho cả một dân tộc; song chính những bức thư tay viết vội trao cho người thân yêu như mẹ, bà, cháu, con là “hậu phương tâm hồn” nâng đỡ cho chính họ.

Có thể rất lâu sau, những cường quốc từng xâm chiếm nước ta mới có thể hiểu được vì sao người Việt Nam gan dạ anh dũng song cũng rất nhân hậu và vị tha. Bom đạn, chết chóc có thể hủy diệt đi nhiều thứ, song tình yêu giữa con người với con người vẫn luôn còn mãi. Người Việt Nam có thể đối mặt với nhiều thử thách nhưng không vì thế mà mất đi lòng yêu thương với con người. Người phụ nữ Việt Nam vẫn có thể nở nụ cười kiêu hãnh, hát một bài ca trong làn mưa bom bão đạn, song họ vẫn là người phụ nữ bình thường giản dị nhất, luôn biết yêu thương trân quý sự sống và tình người.

Nguyễn Hường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]