(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thanh Hóa có 10 nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016. Cùng với niềm vui, tự hào vinh quang ấy là nỗi niềm trăn trở, trách nhiệm, làm sao cho xứng đáng với danh hiệu được trao tặng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phía sau danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

(VH&ĐS) Thanh Hóa có 10 nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016. Cùng với niềm vui, tự hào vinh quang ấy là nỗi niềm trăn trở, trách nhiệm, làm sao cho xứng đáng với danh hiệu được trao tặng.

Vinh dự, tự hào những Nghệ nhân ưu tú

Lễ phong tặng “Nghệ nhân Nhân dân - Nghệ nhân Ưu tú” năm 2016 trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức đã tôn vinh 16 Nghệ nhân Nhân dân và 84 Nghệ nhân Ưu tú trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của 21 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, Thanh Hóa có 10 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú thuộc các nghề: Đúc trống đồng thủ công truyền thống; sản xuất tre luồng mỹ nghệ; điêu khắc gỗ; điêu khắc trên kim loại và khắc tranh đá đen.

Các nghệ nhân được vinh danh là những người đã có công bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống; tham gia truyền nghề cho các thế hệ sau và sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Không chỉ vậy, những nghệ nhân còn có công lớn trong việc đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đến với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong khuôn khổ diễn ra sự kiện, các nghệ nhân Thanh Hóa đã tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ diễn ra từ ngày 26 - 29/8/2016. Trong đó, hoạt động trình diễn kỹ thuật đúc trống đồng thủ công truyền thống đã thu hút sự quan tâm, thưởng lãm của đông đảo khách tham quan. Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh thứ 2 (sau Hà Nội) có số nghệ nhân được phong tặng đông nhất. Đó không chỉ là niềm tự hào riêng của các nghệ nhân, mà còn là niềm tự hào chung cả quê hương Thanh Hóa.

Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn Thanh Hóa cũng đến thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tặng gia đình hai bức tranh khắc đồng và khắc tranh đá đen về chân dung đại tướng của hai nghệ nhân Nguyễn Văn Tư và Hàn Viết Thắng. Bằng tình cảm thiêng liêng, bằng sự ngưỡng mộ dành cho Đại tướng, được đến thăm gia đình, thắp hương trước anh linh Đại tướng, các nghệ nhân như được nhân lên sức mạnh, niềm tin, phấn đấu hết mình, xứng đáng với sự đóng góp to lớn của Người.

Trở về sau buổi lễ phong tặng danh hiệu, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Tư - nghệ nhân trong lĩnh vực khắc tranh trên kim loại không giấu nổi niềm tự hào, xúc động, bởi gần 20 năm gắn bó, say mê với nghề, anh được ghi nhận, tôn vinh. Căn nhà nhỏ ở khu Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa bỗng nhộn nhịp hơn, bà con hàng xóm, bạn bè đến thăm hỏi, chúc mừng, chia sẻ niềm vui với gia đình anh.

Ông Nguyễn Văn Tư được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Với Nghệ nhân Ưu tú Hàn Viết Thắng (ngõ Nam Thượng, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa), người đã 20 năm gắn bó với nghề khắc tranh trên đá đen, loại hình nghệ thuật độc đáo, nhưng cũng khá kén người thưởng lãm. Khách của anh chủ yếu là người nước ngoài. Sau khi được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, anh càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào công việc, con đường mình đã chọn để cống hiến tài năng cho đời.Anh cho biết, hiện đã có chương trình kế hoạch phát triển, truyền nghề khắc tranh trên đá đen cho lớp trẻ đến học.

Trong số 10 Nghệ nhân Ưu tú của Thanh Hóa, có 6 nghệ nhân trong lĩnh vực đúc trống đồng thủ công truyền thống. Trong số đó có thể nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Bảy. Ông bắt đầu tham gia làm nghề từ năm 1986, là một người có kỹ năng đặc biệt xuất sắc trong nghề đúc đồng, trực tiếp thiết kế, chế tác hàng chục sản phẩm, tác phẩm trên chất liệu đồng mang tính thẩm mỹ, kỹ thuật cao. Bởi vậy, sau khi được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, ông Bảy cũng như những nghệ nhân khác, đều chung niềm vui, hạnh phúc cho những nỗ lực bền bĩ, tài năng, tình yêu nghề của mình.

Nhiều trăn trở phía sau danh hiệu

Những nghệ nhân được phong tặng lần này tất cả đều có chung tâm trạng phấn khởi, xúc động, bởi sự quan tâm của Nhà nước đối với các nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Nhưng, đằng sau niềm vui, tự hào đó còn là sự trăn trở, bởi, làm sao để họ có thể phát huy hết tài năng, trí tuệ, tạo ra sản phẩm đặc sắc, phục vụ đời sống nhân dân.

Họ, những nghệ nhân ưu tú là những người am hiểu nền văn hóa, lịch sử dân tộc. Qua bàn tay khéo léo, khối óc tài hoa, họ thổi hồn dân tộc qua những tác phẩm nghệ thuật. Để làm ra tác phẩm tinh túy, các nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, sự đánh giá, nhìn nhận của công chúng đối với các tác phẩm họ tạo ra chưa xứng đáng với giá trị, công sức làm nên tác phẩm và vẫn chưa có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Hầu hết các nghệ nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện học tập, nâng cao tay nghề, cải tiến kỹ thuật, phát triển nghề.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Tư cũng chia sẻ: “Vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để thêm yêu, gắn bó với nghề, phát huy hết tài năng của mình, xứng đáng với danh hiệu Nhà nước phong tặng, công chúng yêu mến. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, hầu hết các nghệ nhân đều chưa thể yên tâm sống với nghề, mà phải bươn chải cuộc sống bằng nghề khác. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa, có những cơ chế, chính sách phù hợp, bằng giá trị thực tế chứ không chỉ riêng sự vinh danh thuần túy, tạo điều kiện cho các nghệ nhân được cống hiến hơn nữa, phát huy tài năng của mình, cải thiện cuộc sống bằng chính nghề của mình”.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]