Phụ nữ Thái giữ gìn bản sắc dân tộc
Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa đã dựng bản, lập mường và trải qua bao thăng trầm họ đã xây dựng và gìn giữ cho dân tộc mình một nền văn hóa phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc. Trong đó, những người phụ nữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Người phụ nữ Thái ở bản Leo, xã Yên Thắng (Lang Chánh) duy trì nghề dệt thổ truyền thống của dân tộc Thái.
Thanh Hóa có hơn 200.000 người Thái, sinh sống chủ yếu ở các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát. Người Thái được chia thành 2 hệ: Thái trắng và Thái đen. Người Thái rất yêu văn nghệ, thích ca múa, họ thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với sinh hoạt đời sống và tín ngưỡng, như: mừng nhà mới, mừng cơm mới, xên bản xên mường. Và những người phụ nữ dân tộc Thái sinh ra là để múa, họ là chủ nhân đích thực của các điệu múa xòe đơn, xòe khép, đại xòe có sức lôi cuốn cộng đồng. Nó thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Họ cũng là chủ nhân của những bản hòa tấu khua luống độc đáo, đậm chất dân dã của núi rừng.
Những người phụ nữ Thái rất giỏi ươm tơ, xe sợi, dệt vải, may vá, thêu thùa. Họ đã làm nên những tấm thổ cẩm mà hoa văn đường nét màu sắc đạt đến sự tuyệt tác. Bởi trong xã hội truyền thống, một cô gái Thái lúc còn nhỏ đã được mẹ dạy cho nghề dệt thổ cẩm. Trước khi lấy chồng, các thiếu nữ Thái phải tự dệt và thêu những bộ chăn, đệm, gối và váy để làm của hồi môn cho nhà chồng.
Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội và văn hóa đang có những thay đổi nhanh chóng. Vì thế, vai trò của người phụ nữ Thái trong bảo tồn văn hóa truyền thống cũng bị thách thức mạnh mẽ. Những người già là những người đang lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Họ được trải nghiệm trong đời sống xã hội, thừa hưởng các yếu tố văn hóa truyền thống. Vậy nên, họ luôn cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa của mình và mong muốn truyền đạt lại cho lớp trẻ. Nhưng những người trẻ đi ra hội nhập với các cộng đồng khác đang có xu hướng tiếp nhận nhiều các yếu tố văn hóa mới từ cuộc sống hiện đại, ngại quay lại văn hóa truyền thống. Sự đứt đoạn về hệ giá trị và sự trải nghiệm của các thế hệ khác nhau trở thành một rào cản lớn đối với việc bảo tồn văn hóa của dân tộc Thái. Ở các địa phương có yếu tố thương mại, dịch vụ phát triển thì vấn đề bảo tồn càng khó khăn hơn.
Vì thế, cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực miền núi Thanh Hóa đang chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa của đồng bào Thái. Tại xã Lũng Niêm (Bá Thước) đã xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài, với 94 hộ gia đình tham gia, gắn với khai thác lợi thế du lịch. Bà Lò Thị Dân, nghệ nhân “giữ lửa truyền nghề” dệt thổ cẩm, cho biết: "Chính quyền địa phương đã phối hợp với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động dệt thổ cẩm. Người dân tái trồng bông, se sợi, nhuộm màu bằng chiết xuất từ các loài thực vật để dệt thổ cẩm, hoa văn. Nhờ thế, khăn thổ cẩm Mường Khoòng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. Ngoài ra, huyện Bá Thước cũng nhân rộng các câu lạc bộ bảo tồn, tái hiện dân ca, dân vũ của người Thái; tập luyện, biểu diễn các nhạc cụ, bộ gõ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân và khách du lịch".
Hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cũng tổ chức liên hoan văn hóa, trình diễn trang phục các dân tộc, văn nghệ dân gian, phiên chợ vùng cao, thúc đẩy bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Trong buổi liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024, chương trình văn nghệ của đồng bào Thái huyện Thường Xuân có nội dung ngợi ca Nàng Han, người con gái của đất Trịnh Vạn giả trai, giúp vua diệt giặc ngoại xâm. Bà Cầm Thị Đành, người duy nhất ở xã Vạn Xuân đang “giữ” tất cả các tục lệ, bài hát, bài cúng trong lễ hội Nàng Han, gửi lời nhắn nhủ: “Con cháu bản ta ơi/ Dù sướng hay khổ/ Chúng ta không quên phong tục đất ta/ Phải chung tay lưu giữ bản sắc” giữa âm thanh của khua luống, tiếng sáo họa theo điệu khặp.
Sự tồn tại như những “cây cổ thụ” về văn hóa truyền thống như bà Đành, bà Dân đã và đang giúp duy trì những tập quán xã hội và tín ngưỡng, trao truyền tri thức bản địa, văn hóa tộc người cho thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-25 10:28:00
Thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi: Thêm hành lang pháp lý để bảo vệ di sản
-
2024-11-25 08:57:00
Những điểm đến mùa đông hấp dẫn tại Thanh Hóa
-
2024-11-25 08:25:00
Á hậu Khánh Linh mang bản sắc Việt lan tỏa tại Miss Intercontinental 2024
Khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ 3 với chủ đề “Dòng chảy di sản”
Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là Di sản tư liệu thế giới
Lai Châu mang đến miền Trung một sắc màu riêng để kết nối văn hóa, du lịch
Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh
Quê hương tựa khúc dân ca
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Lần đầu trưng bày bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì tương lai bền vững
Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy