Quà tặng Ngày 20/11
1. Sáng đầu tuần, tôi nhận được những dòng tin nhắn từ nhóm phụ huynh, đại để nội dung: Chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), nhà trường tổ chức hội thi văn nghệ, giữa các lớp, các khối. Để có kinh phí trang trải cho hoạt động ngoại khóa trên của các con, ban chi hội mong có sự ủng hộ, đồng lòng động viên các con của tất cả các bậc phụ huynh. Số tiền ủng hộ ít nhất 100.000 đồng, tùy vào sự hảo tâm của từng phụ huynh (không bắt buộc). Nếu số tiền chi không hết, có dư sẽ chuyển vào quỹ chi hội lớp. Nếu thiếu sẽ lấy quỹ bổ sung (nguồn quỹ lớp để tặng quà các thầy cô ngày 20/11).
Tôi nhẩm tính sơ sơ tiền thuê biên đạo chừng 10 triệu, rồi tiền ăn uống, trang phục cho gần 30 cháu, tổng lên tới chừng 20 triệu ấy chứ. Nhưng rất nhanh thôi, trong khi tôi còn đang ngơ ngác thì tin nhắn chiu chíu biên lai chuyển khoản gửi tới nhóm zalo.
Cũng trong ngày tôi đọc được thông tin ở Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, quận 12, TP Hồ Chí Minh, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp 8A1 đã vận động phụ huynh góp tiền cho tiết mục văn nghệ mừng thầy cô Ngày 20/11 với chi phí gần 22 triệu đồng.
Chắc chắn đấy không phải là trường hợp cá biệt ở một trường học nào, tỉnh/thành nào. Bởi, nếu đã là trào lưu, là xu hướng thì sẽ như một làn sóng mà rất nhiều nơi học và làm theo.
- 20 triệu bằng hơn 1 tấn gạo đấy con ạ. Múa hát cho ai nghe, cho ai xem và múa hát để làm gì mà phải tốn kém thế. Đúng là ở thành phố, ngoài nước mưa thì cái gì cũng tốn, con nhỉ?, mẹ tôi tính nhẩm rất nhanh, khi nghe tôi kể lại.
2. Nhớ về ngày xưa, năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày 20/11, lớp chúng tôi cũng tập tành để thi văn nghệ. Xoay các kiểu thì cũng được tiết mục đơn ca do quản ca mà nay thường gọi là lớp phó văn nghệ, biểu diễn. Còn tiết mục tốp ca, đứa nào biết hát thì cho cầm míc, số còn lại là nhấp nháy miệng cho thật đều. Đúng ngày lễ, mỗi đứa tự nghĩ, tự kiếm cho mình một món quà rồi cùng nhau đến nhà thầy cô.
Cái Hằng nhà rộng lắm, có hẳn một vườn chuối vì thế mẹ nó thường cắt sẵn vài ba nải chuối để đó. Cái Minh có mẹ là nghệ sĩ nên trước cửa nhà trồng các loại hoa, trong đó ba cây hoa hồng gai dày đặc và nhọn hoắt nhưng có bông nào là chúng tôi cắt hết. Cái Lan thì ôm khư khư chục quả trứng gà... Chỉ có bọn con trai là thảnh thơi làm nhiệm vụ đèo các bạn nữ... tất cả vui vẻ đến nhà cô thầy. Nghĩ thôi cũng đủ để tôi vừa buồn cười vừa rưng rưng.
Kinh tế khá giả hơn, nhiều phụ huynh “đua tranh” thể hiện, chẳng muốn thua kém ai. Vừa vào đầu cấp, các phụ huynh còn chưa biết nhau thì đã được ban phụ huynh lâm thời tư vấn mua một chiếc tivi 85 inch, lắp điều hòa, thay mấy cánh cửa sổ lâu ngày cong vênh... với lý do “lớp mình phải đẹp hơn lớp khác”... Để thực hiện điều đó hoặc là chia đều số học sinh để đóng hoặc lại huy động ủng hộ đóng góp.
- “Sao con không đưa ra ý kiến của mình với ban phụ huynh: Cứ cây nhà lá vườn tự biên, tự diễn cho nhẹ nhàng vui vẻ. Biểu diễn có thu tiền vé đâu mà biên đạo nọ kia cho tốn kém”, mẹ tôi nhẹ nhàng nói, sau một hồi suy nghĩ.
Quả thật, đầu tư cơ sở vật chất thì các con có thể dùng trong cả cấp học, chứ bỏ ra một khoản tiền lớn cho tiết mục múa hát diễn ra 5 - 7 phút, liệu có nên chăng?. Bởi, mọi cuộc trình diễn dù có vui đến cỡ nào thì cũng qua đi. Với các thầy cô giáo, niềm vui lớn nhất là học sinh của mình ngoan ngoãn, trưởng thành, tiếp thu được các kiến thức trong nhà trường để có một kết quả học tập tốt, mai này trưởng thành tự tin quay về trường, vui vẻ và dõng dạc: Em chào cô ạ!
BẢO ANH
{name} - {time}
-
2024-11-15 07:29:00
Xác định rõ nghĩa vụ
-
2024-11-10 07:22:00
Vỡ hụi - Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
-
2024-10-31 16:22:00
Đề xuất sự miễn phí rất đáng giá