(vhds.baothanhhoa.vn) - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Quảng Xương trong những năm qua luôn được triển khai với nhiều hoạt động thi đua sôi nổi, rộng khắp gắn với đời sống mọi mặt của người dân. Đã có những việc làm cụ thể, thiết thực để cuộc vận động đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến toàn dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quảng Xương xây dựng đời sống văn hóa: Nhân lên những giá trị tốt đẹp

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Quảng Xương trong những năm qua luôn được triển khai với nhiều hoạt động thi đua sôi nổi, rộng khắp gắn với đời sống mọi mặt của người dân. Đã có những việc làm cụ thể, thiết thực để cuộc vận động đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến toàn dân.

Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại liên hoan nghệ thuật quần chúng chào mừng huyện Quảng Xương đạt chuẩn NTM.

Điểm sáng văn hóa

Để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, hằng năm xã Quảng Trường (Quảng Xương) kiện toàn ban chỉ đạo phong trào, đồng thời phân công thành viên trực tiếp chỉ đạo các thôn. Xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước để làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ban chỉ đạo xã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào và việc xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (NTM).

Năm 2015, xã Quảng Trường có 8/8 thôn khai trương xây dựng thôn văn hóa thì cả 8 thôn đều được công nhận thôn văn hóa lần đầu, trong đó có 1 thôn văn hóa tiêu biểu (nay sáp nhập còn 4 thôn). Nhằm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các thôn, làng văn hóa, ban chỉ đạo phong trào chỉ đạo các thành viên phụ trách các thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động, từng bước bổ sung các trang thiết bị thiết yếu cho nhà văn hóa; thực hiện xã hội hóa, thiết chế văn hóa, phong trào VHVN-TDTT và được nhân dân đồng tình ủng hộ, sẵn sàng đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn, cổng làng... Cơ sở vật chất trang thiết bị bảo đảm tạo điều kiện để xã, các thôn phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, bổ ích như: tìm hiểu kiến thức pháp luật; tìm hiểu kiến thức xây dựng NTM; an ninh trật tự; trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc;... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đánh giá về hiệu quả phong trào, ông Nguyễn Ngọc Cường - Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết: “Phong trào đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn và ngày càng đi vào chiều sâu, khơi gợi tinh thần, ý thức tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ khi phong trào được triển khai tại địa phương, người dân có trách nhiệm hơn với các vấn đề cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm càng thêm khăng khít, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.

Quảng Lưu được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào VHVN-TDTT phát triển mạnh của huyện Quảng Xương. Toàn xã hiện có 3 CLB thể dục thể thao. Từ CLB dưỡng sinh người cao tuổi, xã đã nhân rộng ra nhiều thôn, nâng số lượng người tham gia tập luyện thể dục thể thao đạt khoảng 25% dân số toàn xã. Ở Quảng Lưu, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy đặc biệt vào mùa lễ hội, xã thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như: chèo thuyền, ném vòng cổ chai, đánh cờ tướng tại sân đình, hát chèo, tuồng..., thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường cũng được chú trọng, xã đã chỉ đạo các thôn tổ chức tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân thu gom rác thải đúng nơi quy định; trồng cây xanh, xây dựng các mô hình cổng nhà, sân vườn, đường làng, ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp... bảo đảm mỹ quan, môi trường. Không còn tình trạng dùng thuốc lá, ăn uống linh đình trong đám cưới, đám tang và một số hủ tục lạc hậu khác trong đám tang, tiêu biểu ở các thôn Mậu Đông, Hiền Đông, Giang Đông...

Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, cho biết: “Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, phong trào TDĐKXDĐSVH đã trở thành một phong trào rộng lớn, có sức lan tỏa đến tất cả người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế, VH-XH, gắn chặt thêm tình làng, nghĩa xóm...”.

Khu phố 2, thị trấn Tân Phong được thành lập trên cơ sở sáp nhập khu phố 2 và phố Tân Phong (TT Quảng Xương cũ) cũng đã có những cách làm tích cực, linh hoạt trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Được chọn làm điểm trong việc xây dựng khu phố văn minh kiểu mẫu, ông Nguyễn Thế Tiến - Bí thư kiêm trưởng phố chia sẻ: “Kể từ khi sáp nhập, để đáp ứng nhu cầu của người dân, được sự quan tâm của thị trấn và sự chung tay góp sức của người dân khuôn viên nhà văn hóa được mở rộng hơn với diện tích 670m2. Phía trước nhà văn hóa nhiều năm trước là bãi rác, nay được mở rộng, và nâng cấp tuyến đường làm khuôn viên cây xanh, phục vụ bà con đi lại. Các thiết chế văn hóa của khu phố được mua sắm đầy đủ; khu phố 2 có CLB Tân Phong gồm nhiều lĩnh vực VHVN-TDTT, như CLB bóng bàn, cờ tướng, thơ, văn nghệ... được diễn ra thường xuyên và thu hút đông đảo bà con tham gia”.

Trung tâm hội nghị huyện Quảng Xương.

Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Nhìn lại chặng đường 10 năm (2010 - 2020) thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hơn nữa lại là huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, hệ thống hạ tầng còn thiếu và yếu, bình quân tiêu chí NTM chỉ đạt 6/13 tiêu chí/xã. Đặc biệt trong 19 tiêu chí NTM có 2 tiêu chí văn hóa (tiêu chí số 6 và 16) đối với xã là rất khó đạt.

Nhận thức được điều đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, Ban chỉ đạo huyện Quảng Xương đã tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa ở các xã, thị trấn. Để thực hiện thành công các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tranh thủ tối đa các nguồn lực. Nhờ đó từ chỗ không có xã nào đạt chuẩn văn hóa NTM đến năm 2018 huyện đã có 29/29 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM và 1/1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Trong việc thực hiện tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), huyện đã có 29/29 xã có trung tâm VH-TT với diện tích, quy mô đạt chuẩn. Song song với việc xây dựng các thiết chế VH-TT cấp xã, thôn thì thiết chế VH-TT cấp huyện cũng không ngừng được đầu tư nâng cấp.

Các phong trào TDĐKXDĐSVH và NTM, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH), thôn văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ, chất lượng GĐVH từ đó đã được nâng lên. Thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, huyện Quảng Xương đã hoàn thiện cơ bản các thiết chế VH-TT từ huyện đến cơ sở. Việc hoàn thiện các thiết chế đã góp phần thúc đẩy các phong trào VHVN-TDTT trên địa bàn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Kết quả nổi bật

Phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Quảng Xương đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Một trong những kết quả nổi bật của phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện Quảng Xương là xây dựng làng văn hoá và GĐVH. Toàn huyện có 73,48% gia đình đạt danh hiệu GĐVH; 25/25 xã đạt chuẩn NTM và xã đạt chuẩn văn hóa NTM, 1 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Phong trào xây dựng thôn, phố văn hóa đã phát triển mạnh mẽ trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng cả về số lượng và chất lượng, được các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhiều phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được thực hiện hiệu quả, nhờ đó, đời sống kinh tế của nhiều xã trên địa bàn ổn định và từng bước phát triển; nhiều nét đẹp truyền thống của gia đình Việt được phát huy; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt...

Việc xây dựng các thiết chế VH-TT luôn được các xã, thị trấn trong huyện chú trọng đầu tư xây dựng. 100% xã, thị trấn có sân chơi, bãi tập cho hoạt động TDTT, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, dụng cụ tập luyện được quan tâm từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động VHVN-TDTT ở cơ sở. Đến nay thiết chế văn hóa cấp huyện gồm sân vận động, nhà thi đấu, sân quần vợt, khuôn viên cây xanh, nhà truyền thống, thư viện và khu trung tâm hội nghị hơn 400 chỗ ngồi với đầy đủ trang thiết bị. Hiện nay, huyện Quảng Xương có 26/26 trung tâm VH-TT, 188/188 nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức lễ hội đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, có tác dụng giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với dân, với nước...

Những ngày này, ở khắp các địa phương trong huyện đâu đâu cũng dấy lên không khí thi đua chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI bằng những việc làm thiết thực. Từ thị trấn đến các vùng nông thôn đều rực đỏ sắc cờ hoa hướng về đại hội với niềm tin tưởng, sự kỳ vọng vào những định hướng, quyết sách sáng tạo, hiệu quả của Đảng bộ, đưa huyện Quảng Xương ngày càng phát triển nhanh và bền vững...

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]