(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở vùng có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển ngành nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Thạch Thành đã có nhiều giải pháp thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất mô hình nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Huyện Thạch Thành phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nằm ở vùng có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển ngành nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Thạch Thành đã có nhiều giải pháp thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất mô hình nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Huyện Thạch Thành phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trang trại trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ cao của gia đình anh Trịnh Văn Quế ở thị trấn Vân Du.

Đến thăm trang trại trồng cam, bưởi của gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc ở Đội Quản lý bảo vệ rừng Thành Vân, chúng tôi cảm phục ý chí quyết tâm cải tạo diện tích đất đồi, vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có múi của gia đình anh. Anh Ngọc cho biết: Năm 1996, gia đình anh nhận thầu 6ha đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành để trồng mía nguyên liệu, ngô, khoai, sắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không đáng bao nhiêu. Nhận thấy cây bưởi Diễn, bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai trang trại của mình, năm 2013, sau khi dành thời gian đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm các trang trại trồng cây ăn quả ở tỉnh Bắc Giang, anh quyết định cải tạo lại đồng đất, đầu tư 1.500 cây bưởi Diễn, bưởi da xanh (loại 2 năm tuổi) về trồng trên diện tích gần 4ha. Đồng thời đầu tư hệ thống tưới, phun tự động vừa bảo đảm việc cung cấp nước vừa có tác dụng rửa sương muối hàng ngày cho cây cam. Diện tích còn lại gần 2ha anh trồng ổi, nhãn, hồng xiêm. Hiện nay, diện tích cây ăn quả của gia đình đang phát triển tốt, mỗi năm cho thu nhập gần 600 triệu đồng.

Cũng như gia đình anh Ngọc, năm 2015, nhận thấy tiềm năng về cây ăn quả, anh Trịnh Văn Quế, ở huyện Yên Định quyết định mua 20ha đất của các hộ dân ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành cải tạo để trồng cây ăn quả áp dụng CNC. Để mô hình thành công, anh Quế đã lăn lội ra tận Hưng Yên để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời thuê kỹ sư nông nghiệp có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp CNC. Sau khi cải tạo đất, anh trồng 10ha cam canh, 3ha cam Vinh, 7ha bưởi Diễn, đồng thời đầu tư hệ thống tưới nước tự động và bán tự động, các công đoạn làm đất, phay cỏ đều được cơ giới hóa. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích cây ăn quả của gia đình anh Quế phát triển tốt, cho thu nhập từ 7 - 8 tỷ đồng/năm. Sản phẩm cam, bưởi được thương lái ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng về tận trang trại thu mua. Hiện nay, trang trại cây ăn quả của gia đình anh Quế đã mở rộng lên 50ha. Năm 2021, doanh thu từ cây ăn quả của gia đình anh đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Những năm qua, huyện Thạch Thành đã phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện quy hoạch vùng cây ăn quả sản xuất tập trung quy mô lớn để có điều kiện ứng dụng CNC trong sản xuất, giúp nâng cao sản lượng, giá trị trên một diện tích canh tác. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 2.500ha (là huyện có diện tích cây ăn quả lớn nhất tỉnh), trong đó có 255,74ha cam áp dụng kỹ thuật CNC, tập trung chủ yếu ở thị trấn Vân Du 128ha; diện tích còn lại ở các xã: Thành Công, Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Minh, Thành Tâm. Chủ yếu là giống cam chín sớm Xã Đoài lòng vàng, cam đường canh, cam chín muộn V2, cam Vân Du và một số diện tích bưởi Diễn, bưởi da xanh. Hầu hết các giống cây ăn quả đều phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trồng cây ăn quả đã đầu tư lắp đặt các thiết bị ứng dụng khoa học, CNC, bán CNC, như: tưới nước nhỏ giọt, hệ thống châm phân thông minh, tưới béc... Ngoài ra, các chủ vườn còn thuê các chuyên gia hướng dẫn, tư vấn thực hiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, thiết kế vườn bảo đảm tính khoa học. Nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM); xây dựng chuồng trại chăn nuôi giun quế quy mô lớn nhằm tạo ra nguồn phân hữu cơ để chăm bón cho cây cam. Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn huyện Thạch Thành có 61 hộ gia đình, 7 doanh nghiệp, tổ chức sản xuất cam, bưởi da xanh. Hiện đã có 122ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, 59ha áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP, giá trị sản xuất trên 1ha đạt từ 200 - 400 triệu đồng, sản lượng hàng năm đạt 33.000 tấn trở lên, tổng giá trị sản xuất đạt 220 tỷ đồng/năm. Điển hình như 4 mô hình trồng cam, bưởi ứng dụng hệ thống tưới và thâm canh quy mô ở các xã: Thành Công, Thành Tiến, Thành Tâm, thị trấn Vân Du.

Huyện Thạch Thành phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những năm gần đây, cam Thạch Thành ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Được biết, Thạch Thành đang xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả sản xuất tập trung để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đến năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả trên toàn huyện đạt 2.854ha, trong đó diện tích cây ăn quả tập trung đạt 1.000ha, sản lượng 25.000 tấn. Để đạt kế hoạch đề ra, huyện Thạch Thành đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng chuyển đổi diện tích đất màu, đất vườn, đồi thấp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; phát triển cây ăn quả gắn với bảo quản, bao tiêu sản phẩm; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư trồng cây ăn quả áp dụng CNC…

Bài và ảnh: Khắc Công


Bài và ảnh: Khắc Công

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]