(vhds.baothanhhoa.vn) - Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các chủ thể sản xuất và tiện lợi cho người tiêu dùng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

Khi sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các chủ thể sản xuất và tiện lợi cho người tiêu dùng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

Khi sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tửSản phẩm Miến gạo Thăng Long.

Từ “hành trình” đưa miến gạo lên sàn!

Tôi về làng nghề miến gạo Tân Giao (xã Thăng Long, huyện Nông Cống) khi bà con nơi đây đang tất bật với những đơn hàng mới. Kể từ tháng 7-2020, Miến gạo Thăng Long được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao và được bán trên nhiều kênh thương mại điện tử, đơn hàng đã đến với bà con nhiều hơn.

Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất Miến gạo Thăng Long, cho biết: Những năm đầu của thập kỷ 90, nghề miến gạo nơi đây mới manh nha ở một xóm nhỏ với cách làm thủ công, nhiều công đoạn vất vả. Ngày nay, nhờ việc áp dụng kỹ thuật, máy móc vào quá trình sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên gấp nhiều lần, nên đã có gần 60 hộ tham gia làm nghề, với mức thu nhập từ 4- 6 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng miến gạo là mặt hàng thiết yếu, ít bị tác động, những đơn hàng vẫn được duy trì.

Khi sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Nói về chất lượng sản phẩm Miến gạo Thăng Long, ông Hoa khẳng định: "Người tiêu dùng biết đến sản phẩm của chúng tôi bởi chất lượng, đặc tính sợi giai hơn so với miến ở những nơi khác. Đó là nhờ những bí quyết riêng của bà con trong quá trình sản xuất miến. Tuy nhiên, trước đây, miến làm ra chỉ bán được trong huyện, trong xã mà thôi. Điều này có thể lý giải bởi sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...

Nhìn ra hạn chế, bà con làng nghề đã tập trung vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến gạo. Nhờ đó, năm 2016, UBND tỉnh đã công nhận làng nghề miến gạo truyền thống Tân Giao; năm 2018, HTX Miến gạo Thăng Long được thành lập; tháng 2-2019, Miến gạo Thăng Long được UBND tỉnh công nhận là hàng nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và là sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào tháng 7-2020. Hơn hết, đó là sản phẩm đã có trong danh mục bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đây được xem là bước ngoặt lớn, giúp cho Miến gạo Thăng Long vươn mình ra thị trường cả nước, đủ tiêu chí để xuất khẩu.

“Sân chơi” của người nông dân và nhà đầu tư

Không chỉ có Miến gạo Thăng Long (Nông Cống), nhiều sản phẩm như: Măng khô Thanh Lâm (Như Xuân), tương Xuân Phả (Thọ Xuân)... từ chỉ được định danh trong một bộ phận Nhân dân, phạm vi phân phối bó hẹp trong xã, huyện, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP và phân phối qua các kênh thương mại điện tử, vị thế đã khác. Lên sàn thương mại điện tử, những sản phẩm này được hỗ trợ quảng bá, phát triển thị trường, thúc đẩy mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có nhiều sản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử. Khách hàng Nguyễn Thị Hạnh, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa, cho biết, kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị ít khi ra ngoài, việc đi chợ được chuyển sang hình thức online. “Tôi thường mua hàng trên app “VCCI Thanh Hóa” ở điện thoại thông minh (smartphone), bởi ở đây đa dạng sản phẩm OCOP để lựa chọn. Các sản phẩm được kiểm định và ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ trong ngày, sau cú nhấp chuột đã có người mang hàng đến. Tôi không phải ra ngoài đi chợ, hạn chế tiếp xúc với nhiều người, đảm bảo phòng dịch COVID-19”, chị Hạnh cho biết.

Khi sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tửGiao diện bán hàng của app “VCCI Thanh Hóa”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh, cho biết: Sau khi các sản phẩm được công nhận OCOP, đơn vị đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP được phát triển thương hiệu, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, sử dụng.

Cũng theo ông Bùi Công Anh, đã có nhiều sàn thương mại điện tử phân phối sản phẩm OCOP, như: postmart.vn của Bưu điện Việt Nam; langnghethanhhoa.vn, VCCI Thanh Hóa... Tuy nhiên, xét về tính hiệu quả, app “VCCI Thanh Hóa” trên điện thoại thông minh là 1 trong những sàn thương mại điện tử hoạt động tốt ở Thanh Hóa thời gian qua.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc phân phối sản phẩm, hàng hóa từ các kênh bán lẻ truyền thống đã gặp nhiều khó khăn do phải tập trung đông người, đa tiếp xúc. Việc giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử được nhiều khách hàng lựa chọn với nhiều tiện lợi như, không phải ra ngoài, biết rõ nguồn gốc sản phẩm, không phải mặc cả... Chỉ cần click chuột, sản phẩm sẽ được chuyển đến tận nhà. Còn chủ thể sản xuất được quảng bá sản phẩm và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, như: Hỗ trợ chi phí chuyển phát, hỗ trợ tài chính từ các đối tác...

Chị Đỗ Thị Thục, chủ một gian hàng trên sàn thương mại điện tử “VCCI Thanh Hóa”, cho rằng: Ở bất kể nơi đâu người tiêu dùng cũng có thể mua sản phẩm OCOP, hoặc sản phẩm khác chỉ với chiếc điện thoại thông minh thông qua hệ thống App Store của hệ điều hành iOS và CH Play hệ điều hành Android. “Tôi tin tưởng những sản phẩm như bánh răng bừa Xuân Lập, dưa Kim Hoàng hậu Lam Sơn,... sẽ được nhiều người biết đến, tin tưởng hơn khi tham gia gian hàng trên sàn giao dịch”, chị Thục chia sẻ.

Có thể khẳng định, việc xây dựng các sản phẩm thế mạnh địa phương thành sản phẩm OCOP và đưa lên sàn thương mại điện tử là bước đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, đánh dấu bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Sơn Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]