(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã (HTX) nuôi ong mật đã chú trọng phát triển thương hiệu, đẩy mạnh liên kết bao tiêu sản phẩm.

Phát triển thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP mật ong

Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã (HTX) nuôi ong mật đã chú trọng phát triển thương hiệu, đẩy mạnh liên kết bao tiêu sản phẩm.

Phát triển thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP mật ongSản phẩm OCOP mật ong Hưởng Hoa được giới thiệu tại Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020.

Mật ong vừa có lợi cho sức khỏe vừa là sản phẩm làm đẹp, nên nhiều địa phương có lợi thế về nguồn hoa tự nhiên đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và nhiều xã bán sơn địa nên có rất nhiều lợi thế trong phát triển đàn ong mật, với hàng ngàn hộ nuôi, cho nguồn thu nhập đáng kể. Song, sự liên kết từ các hộ hay HTX trong xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức. Hầu hết các hộ nuôi ong là tự phát, nên chất lượng mật còn hạn chế,... Để nâng cao giá trị sản xuất cho nghề nuôi ong mật, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa đã có nhiều cách làm hiệu quả nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, trong đó có việc khuyến khích phát triển thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm mật ong.

Trong 120 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao của tỉnh đã có 5 sản phẩm OCOP mật ong: mật ong Hưởng Hoa (xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành); mật ong Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn); mật ong rừng Am Các (xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn); mật ong rừng Pù Luông (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước); mật ong hoa rừng Yên Nhân (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân).

Bình Sơn là một xã miền núi, dân số ít nhưng diện tích tự nhiên lại rất lớn với nhiều loại hoa rừng, là điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi ong mật. Hiện trên địa bàn xã đã có 400 đàn ong, cho sản lượng 5,3 tấn mật/năm, nhiều hộ dân trở nên khá giả. HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn đã liên kết các hộ và đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn.

Tương tự, thương hiệu mật ong Hưởng Hoa (Thạch Thành) có tới hàng trăm hộ tham gia sản xuất. HTX ong mật Hưởng Hoa đã đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu và kiểm soát chặt chẽ quy trình xử lý mật bằng hệ thống máy hạ thủy phần và khử nấm mốc. Sau khi trải qua các giai đoạn xử lý, mật ong trở nên sạch, nguyên chất, có độ sánh cao, hương thơm tự nhiên, thời gian bảo quản lâu, ít bị xuống màu... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao.

Nghề nuôi ong mật đang phát triển mạnh tại Thanh Hóa, thu hút hàng ngàn hộ dân tham gia. Việc được công nhận sản phẩm OCOP cho mật ong đã giúp nhiều địa phương phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để sản phẩm đi xa hơn, nhất là phục vụ cho xuất khẩu, các hộ, HTX nuôi ong sẽ phải cần đầu tư phát triển bài bản hơn cả về chất lượng sản phẩm và thương hiệu... Đồng thời đẩy mạnh liên kết, phát triển thị trường bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho mật ong.

Ngọc Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]