Sổ liên lạc điện tử có cần thiết?
Sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) là một phương tiện để nhà trường cập nhật về tình hình học tập và thông tin về quá trình theo học của học sinh tới phụ huynh. Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai sử dụng SLLĐT. Đây là dịch vụ đăng ký tự nguyện của các phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng SLLĐT chưa thực sự phát huy hiệu quả, thậm chí không ít người đặt câu hỏi SLLĐT liệu có cần thiết?
Học sinh Trường THCS Quảng Cát (TP Thanh Hóa) trong giờ học (ảnh minh họa).
Chị Nguyễn Thị T. ở phường Hàm Rồng có hai con đang theo học tiểu học tại các trường trên địa bàn TP Thanh Hóa cho biết, thông tin từ SLLĐT chủ yếu là tin nhắn SMS thông báo chung từ nhà trường, phụ huynh muốn nắm thêm thông tin thì phải truy cập web hoặc ứng dụng, rất lích kích và bất tiện. Trong khi đó việc nắm bắt thông tin học tập, sinh hoạt của con ở trường, hầu hết đều đã được trao đổi qua nhóm zalo.
“Thông thường, mỗi lớp học đều có một nhóm zalo chung, mỗi phụ huynh cũng đều kết nối với giáo viên qua zalo, messenger. Khi cần trao đổi, phản ánh điều gì chung thì giáo viên nhắn vào nhóm chung của cả lớp. Khi cần liên hệ riêng, các thầy cô sẽ nhắn riêng cho từng phụ huynh. Như thế vừa nhanh, tiện lợi cho cả giáo viên và phụ huynh mà lại miễn phí. Còn SLLĐT mất phí sử dụng, vừa lích kích, bất tiện, thông tin dữ liệu cập nhật không thường xuyên khiến nhiều người cảm thấy đăng ký sử dụng “có cũng như không”, chị T. nói.
Tương tự, chị Nguyễn Hồng A., một phụ huynh ở phường Đông Vệ có hai con đang theo học THCS và tiểu học cho rằng, cùng với các khoản đóng góp đầu năm học, chị phải đóng mức phí 90.000 đồng/học sinh để đăng ký tham gia SLLĐT cho con.
“SLLĐT có những lợi ích nhất định. Ngoài tin nhắn thông báo của nhà trường còn có những thông báo điểm riêng của từng học sinh đến điện thoại của bố mẹ, tránh tình trạng so sánh giữa các phụ huynh và học sinh khi đưa thông tin lên nhóm zalo chung của lớp. Tôi nghĩ đây là vấn đề tế nhị, các nhóm zalo của phụ huynh cũng cần thiết nhưng không phải thông tin gì cũng có thể đưa lên nhóm”, chị A. chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị H. có con đang học lớp 2 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Thanh Hóa bày tỏ quan điểm, dịch vụ SLLĐT chưa thật sự hữu ích. Tại ngôi trường con chị H. đang theo học mới đầu năm học nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh nhưng đã triển khai cho phụ huynh phiếu đăng ký các dịch vụ như bán trú, học tiếng Anh, học kỹ năng sống ngoài giờ chính khóa và dịch vụ SLLĐT. Năm học trước, chị H. đăng ký SLLĐT cho con với mức phí 90.000 đồng nhưng cả năm học chỉ nhận được vài tin nhắn SMS thông báo hoạt động của nhà trường. Chị dự kiến không đăng ký SLLĐT cho con ở năm học này. Tuy nhiên, sau cuộc điện thoại giải thích, vận động của giáo viên chủ nhiệm, chị H. đã đổi ý tham gia. Lý do mà giáo viên đưa ra là SLLĐT ngoài tin nhắn thông báo với phụ huynh, còn các dịch vụ sổ điểm điện tử, học bạ điện tử... Nếu phụ huynh không đăng ký, giáo viên chủ nhiệm sẽ rất bất cập trong việc cập nhập, quản lý hồ sơ học sinh.
Tại Trường THCS Quảng Cát (TP Thanh Hóa), SLLĐT được nhà trường sử dụng từ lâu với ứng dụng của VnEdu. Cô giáo Phạm Xuân Thu, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2024-2025, Trường THCS Quảng Cát có 766 học sinh. Việc thu phí đăng ký sử dụng dịch vụ VnEdu được triển khai công khai, đăng ký sử dụng dịch vụ nào thì đóng phí dịch vụ đó. Đối với dịch vụ tin nhắn, nhà trường đã sử dụng từ lâu; sổ điểm điện tử được thực hiện từ năm học 2021-2022. Mức phí của tin nhắn và sổ điểm điện tử là 60.000 đồng/học sinh/năm học. Từ năm học 2023-2024, nhà trường triển khai sử dụng thêm học bạ điện tử đối với học sinh khối 6, 7 và mức phí là 10.000 đồng/học sinh/năm học.
Đánh giá về hiệu quả của SLLĐT, cô Thu khẳng định: Với rất nhiều ứng dụng dịch vụ thông minh, SLLĐT mang lại nhiều tiện lợi cho nhà trường, giáo viên trong việc quản lý thông tin học sinh, sổ điểm, học bạ... Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là có quá nhiều gói ứng dụng, chi phí mua các gói ứng dụng còn cao. Ngoài việc đóng phí đăng ký dịch vụ của phụ huynh học sinh, một số khoản dịch vụ khác như tuyển sinh đầu cấp nhà trường phải tự cân đối.
Ngành giáo dục đang đẩy mạnh chuyển đổi số, với mục tiêu giúp giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, hỗ trợ việc quản lý tốt hơn. SLLĐT được xem là công cụ cần thiết để kết nối giữa nhà trường và gia đình. Song, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để SLLĐT phát huy được tác dụng và đáp ứng được nhu cầu thật sự của phụ huynh. Có như vậy thì kênh trao đổi này mới có nhiều ưu việt hơn so với các ứng dụng miễn phí, phụ huynh mới thấy thật sự cần thiết và tự nguyện đăng ký dịch vụ, tránh tình trạng “miễn cưỡng” tham gia như hiện nay.
Bài và ảnh: Minh Hiền
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-09-25 12:09:00
Định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên
Khắc phục khó khăn, nỗ lực đưa học sinh ra lớp
Phát triển kỹ năng “mềm” cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích
Khó đảm bảo quy định sĩ số học sinh tiểu học
Tín hiệu tích cực từ triển khai thí điểm học bạ số
Phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường 2024
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật trong trường học
Chương trình ngoại khóa ở Trường PTDT nội trú THCS huyện Bá Thước
Ổn định việc học sau lũ tại các điểm trường lẻ
Người thầy tâm huyết, sáng tạo trong sự nghiệp trồng người