(vhds.baothanhhoa.vn) - Y tế học đường có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị ban đầu cho học sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều chưa có cán bộ y tế chuyên trách, điều đó cho thấy công tác y tế học đường vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cái “khó” của y tế học đường

Y tế học đường có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị ban đầu cho học sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều chưa có cán bộ y tế chuyên trách, điều đó cho thấy công tác y tế học đường vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.

Cán bộ y tế nói chuyện với học sinh về chăm sóc dinh dưỡng.

Không có cán bộ y tế chuyên trách

Khối lượng công việc của các nhân viên y tế ở các trường không hề nhỏ. Nhiều trường mầm non, tiểu học thực hiện bán trú thì thời gian học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà. Bếp ăn bán trú phải do cán bộ y tế quản lý, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, mỗi mùa dịch nhân viên y tế phải phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, xử lý môi trường sống... Khối lượng công việc lớn là vậy, nhưng hầu hết nhân viên y tế tại trường đều là kiêm nhiệm hoặc phối hợp với y bác sỹ trạm y tế địa phương.

Trường Mầm non Xuân Giang (xã Xuân Giang, Thọ Xuân) hiện có 250 trẻ theo học, trường không có nhân viên y tế mà hợp đồng với trạm trưởng trạm y tế xã. Theo chị Đỗ Thị Nhàn - Hiệu trưởng nhà trường thì việc không có nhân viên y tế chuyên trách trực tiếp tại trường khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, đã hợp đồng với trạm y tế xã tuy nhiên trạm có nhiệm vụ riêng không thể có mặt thường xuyên tại trường, trong khi trẻ em đùa nghịch có thể gặp tai nạn thương tích bất cứ khi nào. “Không có nhân viên y tế nên áp lực lên giáo viên càng nhiều, chúng tôi luôn “căng” mình để giám sát học sinh, thậm chí trong lúc ăn các giáo viên cũng phải luân phiên nhau để theo dõi chặt chẽ các em, bởi với lứa tuổi mầm non chưa biết gì thì chỉ cần một dị vật nhỏ cũng có thể xảy ra thương tích nguy hiểm”, chị Nhàn chia sẻ.

Tương tự như vậy, Trường Mầm non Hạnh Phúc (xã Hạnh Phúc, Thọ Xuân) cũng rất lo lắng về công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Hiện nhà trường có nhân viên y tế nhưng là kiêm nhiệm từ nhà bếp. Theo cô Hoàng Thị Huân - Hiệu trưởng nhà trường thì mặc dù trường hết sức tạo điều kiện cho giáo viên đi tập huấn kiến thức về y tế khi có lớp nhưng những lớp tập huấn với thời gian ngắn ngủi khó cung cấp đầy đủ kiến thức y tế học đường.

Vì vậy, đã từ nhiều năm nay nhà trường không nhận thuốc phụ huynh gửi cho học sinh mặc dù có kèm theo đơn và khuyến khích phụ huynh cho con ở nhà nếu bị ốm. Lý giải việc này, chị Huân cho biết: Ở trẻ nhỏ diễn biến bệnh nhanh, phức tạp, chúng tôi không am hiểu về thuốc nên không thể nhận cho trẻ uống. Nếu có cán bộ chuyên trách, có trình độ chuyên môn đứng ra kiểm tra, giám sát, xửlý kịp những tình huống nguy cấp thì chúng tôi yên tâm mà phụ huynh cũng yên tâm. Chính vì lẽ đó, với những bệnh nhẹ hoặc trẻ đang trong thời gian điều trị đều không thể đến lớp. Bên cạnh đó, với những trẻ có tiền sử bị bệnh sẽ không có cán bộ chuyên môn giám sát, xử lý những tình huống nguy hiểm xảy đến.

Vì không có chuyên môn hoặc chỉ là hợp đồng bán chuyên trách nên công việc của các nhân viên y tế học đường chủ yếu là quản lý sổ sách, ghi chép cân nặng xem trẻ thiếu cân hay thừa cân, có cận thị, cong vẹo cột sống hay không.

Ông Lê Huy Nhị - Trưởng phòng Giáo dục Thọ Xuân cho biết “Tháo gỡ khó khăn cho các trường, ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức y tế cho cán bộ, đồng thời tạo điều kiện để nhân viên y tế đi học nâng cao trình độ”.

Còn nhiều vướng mắc

Theo quy định chung, các trường học phải có phòng y tế, nhân viên y tế nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu phòng học, nên nhiều trường không thể bố trí phòng y tế hoặc phòng y tế chưa đảm bảo yêu cầu. Mặt khác, thời gian qua thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, nên ngành tạm ngừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế trường học.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến y tế học đường. Ở nhiều trường, nhân viên y tế chưa đảm bảo bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ theo quy định, phòng y tế chưa đảm bảo về diện tích, trang thiết bị yêu cầu. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, chỉ riêng ngành giáo dục không thể giải quyết được, mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các địa phương.

V.A


V.A

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]