(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không cần đăng ký kinh doanh, cũng không có chứng nhận của cơ quan chức năng, chỉ cần tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội, giao hàng tận nơi, kinh doanh thực phẩm trên mạng đang là mốt thời thượng hiện nay. Tuy vậy, vẫn tiềm ẩn những nguy hại cho người tiêu dùng khi niềm tin gần như chỉ đặt vào... người bán.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảnh giác với thực phẩm kinh doanh qua mạng

(VH&ĐS) Không cần đăng ký kinh doanh, cũng không có chứng nhận của cơ quan chức năng, chỉ cần tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội, giao hàng tận nơi, kinh doanh thực phẩm trên mạng đang là mốt thời thượng hiện nay. Tuy vậy, vẫn tiềm ẩn những nguy hại cho người tiêu dùng khi niềm tin gần như chỉ đặt vào... người bán.

Rộ kinh doanh thực phẩm online

Với những người nội trợ bận rộn, không có nhiều thời gian, việc mua thực phẩm trên mạng online được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp họ bảo đảm bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Chỉ cần lên mạng xã hội như facebook, zalo... là có thể thỏa mãn nhu cầu đó, nhất là khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với thực phẩm ngoài chợ hiện khiến không ít người phải lo lắng.

Nắm bắt tâm lý đó, phong trào kinh doanh thực phẩm online thời gian gần đây nở rộ khắp nơi. Các loại thực phẩm từ tươi sống đến loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại đặc sản của các vùng miền, cho tới các món ăn vặt... Không chỉ ở các thành phố lớn, mà ngay cả ở các tỉnh, trong đó có Thanh Hóa, hay ở khu vực nông thôn, miền núi, nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh đều khẳng định “mười mươi” rằng, hàng đều rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn không ngại ngần gắn mác “sạch” kèm với lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo an toàn”, có hạn sử dụng đàng hoàng và tất nhiên là giao hàng tận tay, tận nhà.

Thực phẩm được bán trên mạng internet (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Trên thực tế, cũng có nhiều cá nhân từ sự khéo tay, đam mê bếp núc của mình để sản xuất những món ăn ngon, nhận được sự tin tưởng của không ít khách hàng dù kinh doanh online. Chị Trần Bích Liên, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) cho biết: "Lúc đầu chỉ là xuất phát từ đam mê nấu nướng, tôi có học và làm một số món ăn ngon, rồi giới thiệu, tặng cho bạn bè trên facebook. Mọi người khen ngon và tôi bắt đầu thử giới thiệu trên trang facebook cá nhân. Không ngờ, tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ một số món ăn ngon cho bữa cơm, các loại bánh như ga-tô, bánh trung thu... hay một số món tráng miệng, ăn vặt như thịt bò khô, các loại thạch rau câu... Để khách hàng tin tưởng, có chữ tín, tôi hiểu rằng, bản thân phải làm ra những sản phẩm không chỉ ngon, mà còn phải bảo đảm chất lượng và an toàn”.

Dù vậy, có không ít những khách hàng đã vấp phải những tình huống trớ trêu. Chị Lê Thị Trang, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, kể lại: Cách đây hai tháng, tôi có đọc thông tin trên một trang kinh doanh thực phẩm online có tiếng trên facebook và đặt mua trứng gà ta sạch. Nhân viên giao hàng đem đến tận nhà, trao tận tay. Tuy nhiên, khi chế biến thành món ăn mới phát hiện đây là trứng gà công nghiệp và lại không rõ xuất xứ. Hỏi nhân viên giao hàng thì nhận được câu trả lời là phải hỏi người bán hàng mới rõ”.

Những tình huống như trên không hiếm, đặc biệt là đối với các món ăn chế biến sẵn. Ngay khi mua hàng xong, để xác định nguồn gốc của thực phẩm trước khi được chế biến có an toàn, có “sạch” và không gây hại về sức khỏe cho người tiêu dùng hay không là một dấu hỏi lớn. Bởi đã tin tưởng, đặt mua thì đều phó mặc cho người bán. Với mục đích trục lợi, không ít cơ sở kinh doanh theo hình thức “3 không”: không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng VSATTP.

Đề cao cảnh giác

Theo quy định mới nhất của Bộ Công thương, từ ngày 20/01/2015, mọi hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ phải kê khai thông tin và đóng thuế. Do đó, cơ sở kinh doanh phải cung cấp thông tin gồm: tên, trụ sở thương nhân, tổ chức hoặc tên, địa chỉ thường trú cùng các chứng thực đăng ký kinh doanh của cá nhân. Tuy nhiên, do nhiều trở ngại trong việc xác định các cơ sở kinh doanh online nên cho đến thời điểm này, Sở Công thương vẫn chưa thể triển khai việc quản lý kinh doanh qua mạng nói chung và quản lý kinh doanh thực phẩm trên facebook nói riêng. Chính vì vậy, các cơ sở này vẫn đang vô tư hoạt động, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Có lẽ vậy, nên việc "tuồn" những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng của những chủ buôn kiểu này cũng là điều dễ hiểu.

Theo các chuyên gia và cơ quan chức năng về VSATTP, người tiêu dùng nên cân nhắc và cảnh giác khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp.

Vì vậy, thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm online, là điều cần thiết. Chỉ có sáng suốt trong việc chọn sản phẩm có nhãn mác đầy đủ ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm; hay chọn các sản phẩm được bày bán ở nơi có đủ điều kiện bảo quản như siêu thị, cửa hàng tiện ích, đó mới là người tiêu dùng thông thái.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]