(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch đã ra đời đáp ứng niềm mong mỏi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phân phối, tổ chức bán hàng và nhân rộng mô hình này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó nhân rộng cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch

Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch đã ra đời đáp ứng niềm mong mỏi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phân phối, tổ chức bán hàng và nhân rộng mô hình này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Người tiêu dùng còn hoài nghi

Trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 95 cửa hàng kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, trong đó có 35 cửa hàng do Sở NN&PTNT quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 63 cửa hàng do UBND cấp huyện quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Thực phẩm tại các cửa hàng này đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn... Đây là những địa chỉ tin cậy, được người tiêu dùng lựa chọn hàng ngày.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số địa phương thì số cửa hàng chưa tạo được lòng tin cho người tiêu dùng cũng không phải là ít. Theo anh Vũ Viết Thủy - Trưởng phòng Y tế huyện Đông Sơn: Mặc dù nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân là rất lớn, nhưng hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có 3 cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Hầu hết các cửa hàng này đều đảm bảo được chất lượng và đa dạng về mặt hàng. Người kinh doanh đã đến tận nơi sản xuất làm việc, cam kết rõ ràng với từng nhà cung cấp, đảm bảo ổn định về số lượng, chất lượng. Thế nhưng, với hàng loạt các thông tin "trái chiều" về thực phẩm sạch thiếu an toàn ngay trong các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, thì mức độ tin cậy của người tiêu dùng với các sản phẩm thực phẩm sạch tại các kênh phân phối này cũng "giảm"...

Việc nhân rộng cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch đang là cái khó của nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Liên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc thì: Chi phí để mở một cửa hàng thực phẩm sạch rất lớn, sản phẩm lại nhạy cảm trước tin đồn thất thiệt nên nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm sạch không lâu đã phải “đội nón ra đi". Cách đây không lâu trên địa bàn có khai trương cửa hàng thực phẩm sạch tại thị trấn Hậu Lộc, nhưng, khi chính thức đi vào hoạt động thì cơ sở này không thu hút được khách hàng, đành phải đóng cửa không lâu sau đó.

Cần giải pháp “kích cầu”

Nhu cầu cao, nhưng nhìn chung thực phẩm an toàn, sạch vẫn đang “khó” đầu ra. Đó là nghịch lý trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn, sạch lâu nay. Có thể nhận thấy, mặc dù tâm lý người tiêu dùng đã dần thay đổi, nhưng thực phẩm an toàn, sạch vẫn còn “lép vế”, nhiều cửa hàng vẫn trong tình trạng “đói” khách. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này theo ý kiến của giới kinh doanh là do mẫu mã nông sản sạch, an toàn không bắt mắt như sản xuất theo kiểu truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cao nên giá bán trên thị trường cũng cao hơn. Do đó, việc đưa thực phẩm an toàn, sạch đến tay người tiêu dùng đang là bài toán khó không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà còn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thực trạng này là do người tiêu dùng vẫn còn có thói quen mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, lề đường... Tâm lý của người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin tưởng vào thực phẩm sạch, an toàn từ những cơ sở, cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Huyền Thu - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT Thanh Hóa), cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số mô hình kinh doanh thực phẩm sạch hoạt động chưa hiệu quả, do nhiều nguyên nhân và cần có thời gian. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức về thực phẩm bẩn, sạch. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch cần chú trọng xây dựng thương hiệu bằng chất lượng. Trước khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cần quan tâm nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, tâm lý khách hàng ở từng địa phương để có cách thức cung ứng phù hợp, tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đúng quy định. Cùng với đó, cần phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, xóa định kiến, quan niệm chưa đúng về thực phẩm sạch, bẩn, nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đảm bảo được số lượng sản phẩm thực phẩm qua chuỗi. Trong đó, riêng năm 2018, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có 30% trở lên thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận. Đồng thời trên địa bàn mỗi huyện đồng bằng, ven biển phải có ít nhất 4 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, khu đô thị tập trung đông dân cư và mỗi huyện miền núi có ít nhất 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Riêng tại mỗi phường ở TP Thanh Hóa, Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn phải quy hoạch ít nhất 1 điểm có diện tích tối thiểu 30m2 để các tổ chức, cá nhân mượn (không thu phí) xây dựng cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn bởi việc có thêm các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là xu hướng tiêu dùng hiện đại và là nhu cầu tất yếu của người dân.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]