(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ tháng 3/2016 đến nay, viện phí đã có 2 lần điều chỉnh tăng lên đối với nhóm người bệnh có thẻ BHYT.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lộ trình tăng giá viện phí: Gánh nặng cho những người chưa tham gia BHYT

(VH&ĐS) Từ tháng 3/2016 đến nay, viện phí đã có 2 lần điều chỉnh tăng lên đối với nhóm người bệnh có thẻ BHYT.

Cụ thể, đợt 1 là ngày 1/3, và đợt 2 là ngày 12/8 vừa qua, 16 tỉnh, thành có tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên 85% dân số đã tiếp tục tăng viện phí khi được tính thêm tiền lương vào giá dịch vụ y tế. Theo lộ trình, đến hết năm 2016, các tỉnh còn lại sẽ điều chỉnh viện phí theo giá mới có tính thêm tiền lương cán bộ y tế vào viện phí.

Chưa dừng lại ở đó, theo Bộ Y tế “biểu đồ” đi lên của viện phí sẽ tiếp tục được điều chỉnh với nhóm người bệnh không có thẻ BHYT vào đầu năm 2017 tới với lộ trình 2 bước tăng giá. Cụ thể là từ ngày 1/1/2017, viện phí của người không có thẻ BHYT sẽ tăng thêm trung bình khoảng 30% so với hiện nay khi tính thêm các chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù. Và từ ngày 1/7/2017, khi cộng thêm tiếp các chi phí tiền lương nhân viên y tế, viện phí sẽ có mức tăng trung bình khoảng 50% so với giá hiện nay.

Việc điều chỉnh lần này cũng chưa tính chi phí sửa chữa lớn, khấu hao, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bệnh viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất có thể trong thời gian tới, viện phí sẽ tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cả nước hiện còn hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT, nên việc tăng viện phí sẽ là gánh nặng rất lớn về chi phí khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Đức Minh (52 tuổi, ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) cho biết: Là lao động tự do, anh rất khỏe mạnh, vì vậy anh chưa bao giờ nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế. Trong đợt vừa qua cảm thấy trong người mệt mỏi và sốt quá cao gia đình phải đưa đi viện cấp cứu thì được bác sĩ chẩn đoán bị tràn dịch màng phổi nặng gây biến chứng. Sau một thời gian dài điều trị khá tốn kém tại BVĐK tỉnh gia đình đã đưa anh đi Hà Nội để tiếp tục điều trị. Chi phí cả quá trình điều trị hơn 50 triệu đồng nhưng bệnh vẫn chưa khỏi hẳn. Với điều kiện kinh tế eo hẹp, đây quả là gánh nặng đối với gia đình trong khi anh lại là lao động chính trong nhà.

Không chỉ có anh Minhmà nhiều người bệnh không có BHYT cũng bày tỏ sự lo lắng khi chi phí khám chữa bệnh tiếp tục tăng. Đang điều trị tại Khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh, bà Lê Thị Hà(ở thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia) bày tỏ: “Hiện giờ đi bệnh viện đã phải chi phí tiền thuốc men nhiều lắm, vậy mà tới đây viện phí còn tăng nữa thì chúng tôi có ốm đau cũng không dám tới bệnh viện, vì lấy đâu tiền mà chi trả”...

Không chỉ lo lắng về gánh nặng chi phí khám chữa bệnh tăng cao mà rất nhiều người cũng bày tỏ sự băn khoăn và bức xúc khi cho rằng việc tăng viện phí liên tục nhưng chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện vẫn chưa được cải thiện tương xứng; tinh thần, thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận y, bác sĩ và những người làm việc trong bệnh viện còn chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ. Các sự cố, sai sót y khoa liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, thậm chí tại cả những bệnh viện đầu ngành, đang khiến cho cộng đồng, dư luận không khỏi hoang mang... Vì vậy rất cần việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng trong công tác khám chữa bệnh nhiều hơn nữa của ngành Y tế trong thời gian tới.

Với những trường hợp không may mắc phải những bệnh nan y và hiểm nghèo như ung thư, suy thận mà phải chạy thận nhân tạo, bệnh tim mạch, tim bẩm sinh, các bệnh cấp cứu... nếu không tham gia BHYT thì việc chi phí cho mỗi lần xạ trị, chạy thận, hay phẫu thuật, điều trị... là rất lớn. Nếu tham gia BHYT thì BHYT sẽ chi trả gần như toàn bộ số chi phí trong việc khám và điều trị bệnh.

Theo Luật BHYT, có một số đối tượng được miễn phí đóng BHYT và một số đối tượng phải đóng BHYT bắt buộc. Vì vậy, mọi người dân chưa tham gia BHYT, vì sức khỏe và quyền lợi của bản thân, gia đình và xã hội hãy tham gia BHYT để tiến tới “BHYT toàn dân”.

Mai Hoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]