(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong vai người đi buôn rượu chúng tôi đã tiếp cận với vô vàn loại men, rượu rởm. Men Trung Quốc thường có giá thành rẻ cộng thêm tỷ lệ thu hồi rượu cao, điều này khiến nhiều lò nấu rượu lựa chọn. Tuy nhiên, loại men này lại chứa rất nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Ma trận" thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng (Kỳ 2): Men Trung Quốc tràn ngập các lò rượu

(VH&ĐS) Trong vai người đi buôn rượu chúng tôi đã tiếp cận với vô vàn loại men, rượu rởm. Men Trung Quốc thường có giá thành rẻ cộng thêm tỷ lệ thu hồi rượu cao, điều này khiến nhiều lò nấu rượu lựa chọn. Tuy nhiên, loại men này lại chứa rất nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe.

Ma trận men Trung Quốc

Chị Dương Thị Tư, xã Minh Lộc (Hậu Lộc), là người nấu rượu có tiếng lâu năm bật mí: Ủ rượu giờ có mấy ai dùng bằng men gạo đâu em, đa phần dùng men Trung Quốc mới được rượu. Trước đây chúng tôi phải nhờ người lên TP Thanh Hóa lấy, nhưng giờ thì không phải đi xa nữa, nhiều người bán họ về tận các vùng quê nhập cho các cửa hàng gạo.

Khu vực chợ Vườn Hoa, Cầu Bố (TP Thanh Hóa) có đủ các loại men bột Trung Quốc; giá rẻ và điều quan trọng loại men gì cũng có. Muốn rượu nhiều nước: có, muốn ủ ít ngày: có, chị Thu, người bán men gạo tại chợ Vườn Hoa (cũ) cho hay.

Có mặt tại một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở vùng quê ven biển xã Minh Lộc (Hậu Lộc), khi hỏi mua men về ủ rượu, chủ quán không chút băn khoăn trả lời; lấy mấy chục cái, vừa nói tay vừa chỉ vào rổ men đang để kế bên. Thấy tôi có vẻ không mấy thiện cảm với loại men gạo cổ xưa này, chủ quán biết ý bèn hỏi: “Hay loại men bột kia? Loại đó thì 17.000 đồng 1 gói, 1 gói có 6 gói con bên trong, mỗi gói con như vậy nấu được khoảng 10 cân gạo, không lo mất nước. Nhưng nếu là nấu uống thì em nên dùng men viên kia kìa, chứ men này độc lắm, chỉ để bán thôi”.

Mặc dù túi men trên tay chưa được cắt nhưng đã thấy mùi hăng hắc khó chịu của hương liệu bay ra. Và theo tìm hiểu thì loại này được giới nấu rượu gọi là "men ngâm". Cách dùng loại "men ngâm" này cũng không mấy phức tạp; chỉ cần nấu cơm lên đảo lộn với men rồi cho nước vào, cứ thế ngâm vài ba ngày là cho vào nồi trưng cất ra rượu. Dùng men này thì đỡ được một nửa thời gian, sẽ không mất công ủ kín trước mới cho nước vào như trước kia.

Một trong những địa chỉ cung cấp loại men chỉ cần ngâm không phải nấu cơm rượu theo cách truyền thống.

Theo tìm hiểu, được biết trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tồn tại loại men Trung Quốc cực mạnh có khả năng kỳ diệu là biến gạo sống thành rượu.

Có được thông tin, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán men nấu rượu nằm trên đường Trần Phú, phường Đông Vệ, kề bên Cầu Bố. Chủ cửa hàng không ngần ngại giới thiệu về các loại men đang bán. Khi chúng tôi ngỏ ý cần loại men có thể rút ngắn được thời gian nấu. Bà chủ cửa hàng này có vẻ hoài nghi, đi tới lui rồi ghé sát người tôi nói: “Có. Nhưng loại này mạnh lắm, độc hại lắm, giết người như chơi, chủ yếu bán lên khu vực miền núi thôi”. Và khi chúng tôi tỏ vẻ hài lòng với loại men này thì bà chủ cửa hàng nói tiếp: “loại men này không bán lẻ nhé em, 1 bao lớn là 40 cân, giá là 350 nghìn”.

Cũng theo bà chủ này, sở dĩ các chủ nấu rượu đều thích sử dụng men Trung Quốc do loại men này có công dụng cực mạnh. Người nấu rượu không cần ủ cơm mà chỉ cần trộn men trực tiếp với gạo sống, sau đó đổ nước vào ngâm qua hai ngày thì gạo sẽ lên men. Người nấu rượu được “ăn bớt” công đoạn nấu cơm rượu. Đặc biệt, trước kia nấu men gạo phải mất 4kg mới được 1 lít rượu thì nay ủ bằng men Trung Quốc có thể được 2 - 3 lít...

Kẻ “giết” người thầm lặng

Anh Hạnh ở Hậu Lộc là nạn nhân của rượu gạo, thuộc vào hàng “rượu đứng”, có nghĩa là anh ta được xếp vào tốp đầu của chứng nghiện rượu. Nhà anh cũng là nhà nấu rượu lâu năm, mỗi khi thiếu rượu thì tay chân run lẩy bẩy, không thể làm được việc. Anh Hạnh nói: Tau uống rượu vào là người khỏe khoắn, yêu đời! Bữa ăn nào không được vài tợp thì người thiếu thiếu cái chi đó!

Một người tên Oanh (cũng ở Hậu Lộc), chồng chị là dân rượu đã than thở: Buồn bực, ức chế nhưng con cái lớn cả rồi, muốn giữ hạnh phúc gia đình nên không nỡ nói xấu chồng. Nhậu nhiều quá đâm ra bỏ bê công việc, mà người say rượu thì biết rồi, về cằn nhằn, xử lý sự việc không được minh mẫn”.

Chị Oanh nói thêm rằng trước đây chồng chị siêng năng, chỉn chu với con cái và chỉ biết lo làm ăn, thế rồi chẳng bao lâu sau đó, ông ấy đâm ra nghiện rượu, mà nguyên nhân nghiện rượu này nghe ra rất buồn cười. Đó là do giá rượu rẻ, là lúc rượu nấu từ men Trung Quốc lên ngôi.

Hiện tại, chồng chị Oanh không thể nào làm việc nếu như thiếu rượu. Nhưng khi đã có rượu rồi, sức khỏe của anh này cũng chẳng cải thiện hơn, chỉ bớt run tay run chân nhưng không thể làm bất cứ việc gì nặng. Nhiều lần chị Oanh nghĩ đến chuyện đâm đơn ly hôn cho thoát khổ. Nhưng nghĩ lại con cái đã lớn rồi, làng xóm cười cho, rồi chị đành cam chịu mọi nỗi khổ, cắn răng mà sống chung với người chồng thiếu rượu thì run, có rượu thì mạnh miệng chửi vợ mắng con.

Do lợi nhuận lớn của việc kinh doanh rượu, nên hiện nay nhiều người đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng và đạo đức kinh doanh, họ vẫn tiếp tục tuồn các sản phẩm men lậu, rượu kém chất lượng ra thị trường. Họ đâu biết chính họ là những người đi gieo rắc mầm mống tội ác cho nhiều gia đình, cộng đồng, xã hội. Rượu có thể biến một người chồng, người cha hiền lành trở thành kẻ vũ phu đánh vợ, đánh con, hạnh phúc gia đình trở nên mong manh và nguy cơ đổ vỡ có thể nổ ra bất kỳ lúc nào...

Doãn Tài



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]