(vhds.baothanhhoa.vn) - Tính đến thời điểm ngày 6/9, Thanh Hóa đã kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 thứ 2 xâm nhập, tuy nhiên đây là đại dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan cao, có thể quay lại và bùng phát bất kỳ khi nào. Theo đó, các cấp, ngành tại Thanh Hóa vẫn luôn đề cao cảnh giác, thắt chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, nơi điều trị nội trú của nhiều bệnh nhân mang bệnh lý nền nặng, mãn tính.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mỗi bệnh viện là một "pháo đài" trước đại dịch

Tính đến thời điểm ngày 6/9, Thanh Hóa đã kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 thứ 2 xâm nhập, tuy nhiên đây là đại dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan cao, có thể quay lại và bùng phát bất kỳ khi nào. Theo đó, các cấp, ngành tại Thanh Hóa vẫn luôn đề cao cảnh giác, thắt chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, nơi điều trị nội trú của nhiều bệnh nhân mang bệnh lý nền nặng, mãn tính.

Ngừng thăm hỏi bệnh nhân trong mùa dịch

Đến các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa, Nhi, Nội Tiết, Ung bướu... những ngày này không còn thấy cảnh đông đúc, hàng dài người chờ khám bệnh như trước kia. Tất cả bệnh viện tuyến tỉnh đều đặt biển ngừng thăm hỏi ngay từ cổng ra vào.

Bác Lê Văn Hân, đang điều trị tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: “Việc ngừng thăm hỏi nhằm hạn chế lượng người vào bệnh viện là chủ trương hoàn toàn đúng. Những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng như chúng tôi rất ái ngại khi có quá nhiều người với vô số tiếp xúc bên ngoài vào viện. Trong khi đó, bệnh viện đã phục vụ ăn uống, chúng tôi có thể tự đi mua, hoặc nhờ nhân viên y tế, chứ không nhất thiết phải có người nhà trông nom, thăm hỏi”.

Chị Lê Thu Hương, người nhà chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi suy nghĩ: “Tôi cho rằng những người không liên quan không nên đến khu vực bệnh viện cho dù là thăm nom. Vì việc thăm nom có thể về nhà sau khi bệnh nhân đỡ. Quá nhiều người tập trung ở bệnh viện lúc này chỉ khiến chúng tôi có cảm giác không an toàn. Do đặc thù của bệnh nhi nên chúng tôi vẫn được bệnh viện cho duy trì một người chăm sóc”.

Ông Hoàng Hữu Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Thực hiện yêu cầu của Sở Y tế, bệnh viện đã ngừng hoạt động thăm hỏi bệnh nhân và có thông báo đến toàn thể người bệnh đang điều trị. Với những bệnh nhân nặng, bệnh viện vẫn duy trì 1 người thân cố định chăm sóc. Người này được nhân viên bệnh viện thường xuyên đo nhiệt độ và điều tra yếu tố dịch tễ trước đó. Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, lượng bệnh nhân nặng đông, thuộc nhóm nguy cơ tử vong cao nếu chẳng may bị lây lan Covid-19. Vì vậy, bệnh viện đã và đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch bệnh, đảm bảo môi trường an toàn cho các bệnh nhân cũng như đội ngũ y bác sĩ bệnh viện”.

Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa phòng dịch chặt chẽ ngay từ cổng vào bệnh viện.

Ngăn chặn dịch bệnh ở nơi trọng yếu

Theo tìm hiểu, không chỉ khi làn sóng Covid-19 thứ 2 xâm nhập Thanh Hóa, mà kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì các bệnh viện đã đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, đồng thời đều xây dựng các cấp độ ứng phó. Hiện tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa đã phân luồng 2 cổng riêng biệt, trong đó 1 cổng dành riêng cho những người nghi nhiễm hoặc có biểu hiện nghi ngờ. Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Việc sàng lọc được thực hiện ngay từ cổng bệnh viện, trong đó những người có biểu hiện nghi ngờ được đi cổng riêng đồng thời cách ly ngay từ khu khám bệnh. Tại đây nếu yếu tố nghi ngờ gia tăng bệnh viện sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Bệnh nhân trong bệnh viện đều là bệnh nhân nặng và rất nặng, do vậy việc đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh được chúng tôi đặc biệt quan tâm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế, hướng dẫn của Sở Y tế về phòng, chống Covid-19”.

Tại Khoa Lão của Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa, nơi điều trị của những người cao tuổi, các bác sĩ cho biết, hầu hết người cao tuổi đang điều trị tại đây đều có từ 2 hoặc 3 bệnh lý nền trở lên. Với người cao tuổi, sự lão hóa của cơ thể khiến sức đề kháng bị suy giảm, hệ miễn dịch yếu hơn. Đây là nguyên nhân chính khiến người già nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc Covid-19. Đặc biệt, khi đã bị nhiễm virus, tốc độ suy đa phủ tạng càng nhanh, càng tử vong sớm hơn so với các đối tượng khác. Vì thế, đây là đối tượng cần bảo vệ nghiêm ngặt khỏi nguy cơ mắc Covid-19. The đó, mỗi khoa tại bệnh viện đều triển khai công tác phòng dịch theo tình hình riêng, như giảm số bệnh nhân trong cùng một phòng bệnh, giảm số lần tái khám, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch ngay từ cổng vào bệnh viện đến từng khoa, phòng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người cao tuổi: Hạn chế tiếp xúc với nhiều người, theo dõi sức khỏe thường xuyên, phản hồi ngay với bác sĩ khi ở nhà có các triệu chứng nghi ngờ.

Nhiều tuần qua, Thanh Hóa không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, đồng nghĩa với việc dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tại các bệnh viện, nhất là tại những khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân đã phụ thuộc vào máy móc, sự sống mong manh thì càng đề cao cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh. Trong đó, công tác tăng cường các biện pháp phòng dịch cùng với ý thức của bệnh nhân sẽ giúp mỗi cơ sở y tế là một “pháo đài” vững chắc đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]