(vhds.baothanhhoa.vn) - “Để đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia đối với nhà trường phải có phòng y tế, nhân viên y tế, tủ thuốc y tế... Tuy nhiên, nghịch lý khi có phòng y tế, tủ thuốc y tế nhưng nhân viên y tế lại thiếu?” - Đi sâu tìm hiểu mới thấy nhiều trường mầm non đang trong tình trạng trên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghịch lý... y tế học đường!

“Để đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia đối với nhà trường phải có phòng y tế, nhân viên y tế, tủ thuốc y tế... Tuy nhiên, nghịch lý khi có phòng y tế, tủ thuốc y tế nhưng nhân viên y tế lại thiếu?” - Đi sâu tìm hiểu mới thấy nhiều trường mầm non đang trong tình trạng trên.

Có mặt sớm ở Trường Mầm non Điện Biên (TP Thanh Hóa), nhiều phụ huynh đã tranh thủ chở con đi học sớm hơn thường nhật để tránh cái nắng gay gắt, đảm bảo sức khỏe cho con em. Thế nhưng, câu chuyện lo lắng của phụ huynh trường này không chỉ ở vấn đề thời tiết. Một phụ huynh lắc đầu bảo: “Thời tiết như “chảo lửa” những ngày này đã đành là lo cho sức khỏe của các cháu. Thế nhưng cái lo hơn là thời điểm hiện tại, nhà trường không có nhân viên y tế?!”

Lo lắng trên được cô Bùi Thị Thu - Hiệu trưởng trường này xác nhận. Do thiếu nhân viên y tế nên nhà trường gặp vô vàn những khó khăn trong công tác chăm sóc, phát hiện cũng như xử lý các vấn đề về sức khỏe, y tế của các cháu. Thiếu nhân viên y tế, mọi triệu chứng, bệnh lý, công tác sơ khám ban đầu như một bài toán khó đối với các cán bộ giáo viên nhà trường.

Trong khi đó, để nhà trường đạt trường chuẩn quốc gia, tiêu chí y tế lại không thể thiếu. Nhiều trường dù thiếu nhân viên y tế, thiếu phòng học... nhưng để đạt thành tích, buộc phải đầu tư một phòng y tế “hữu danh, vô thực”, có biển báo, có tủ thuốc... để đạt chuẩn.

Thực tế, tại Trường Mầm non Điện Biên, theo cô Thu thì tủ thuốc hiện tại chỉ để những loại thuốc thông thường về đường ruột, về ho, sốt... và các cô cũng chỉ dám sử dụng theo khả năng hiểu biết có hạn của bản thân để sử dụng. Đó là hạn chế, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những yếu tố không an toàn.

Được đầu tư phòng y tế, tủ thuốc y tế nhưng lại thiếu nhân viên y tế tại Trường Mầm non Điện Biên.

Tìm hiểu rộng hơn, không chỉ Trường Mầm non Điện Biên thiếu nhân viên y tế, mà công tác y tế trường học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nói riêng dường như đang thiếu sự quan tâm đúng mức? Ngoài những trường “trắng nhân viên y tế chuyên trách” thì nhiều trường đang tự bơi với công tác này.

Trường Mầm non Quảng Thành, cô giáo Trần Thị Thảo - Hiệu trưởng thở dài bởi nhà trường phải xoay sở hợp đồng với một nhân viên y tế. Lương, phụ cấp và các chế độ nhà trường phải tự sắp xếp nguồn chi. “Không thể thiếu nhân viên y tế, bởi ngoài đảm bảo sức khỏe cho các con còn là tiêu chí, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường”. Trong khi đó, Trường Mầm non Đông Sơn - phường Đông Sơn thì may mắn hơn khi nhân viên y tế trường này thuộc diện hợp đồng của thành phố. Nhà trường không phải lo nguồn kinh phí trả lương, công tác y tế nhà trường cũng được đảm bảo.

Theo tìm hiểu được biết, vấn đề y tế học đường đã là câu chuyện nhiều lần được UBND thành phố Thanh Hóa đưa ra nghị trường bàn bạc, tuy nhiên kết quả, cũng như hiệu quả vẫn chưa thấy đâu? Gần nhất, ngày 29/7/2019, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại Hội nghị làm việc với hiệu trưởng các trường trên địa bàn. Vấn đề bố trí nhân viên y tế tại các trường đã được Chủ tịch UBND thành phố giao cho Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính - Kế hoạch rà soát việc bố trí nhân viên y tế. Giao phòng Nội vụ tham mưu tờ trình bố trí nhân viên y tế tại các trường mầm non theo hình thức nhà trường ký hợp đồng, thành phố hỗ trợ kinh phí. Song, tới nay, nhiều trường vẫn đang phải “mòn mỏi” chờ?!

Ông Tạ Hồng Lựu - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho rằng: “Vấn đề y tế học đường là vấn đề quan trọng, nhiều lần được đưa ra bàn bạc, rà soát nhu cầu. Tuy nhiên, do không có tiêu chí định biên của tỉnh dành cho nhân viên y tế học đường nên rất khó để giải quyết bất cập. Thay vào đó, nhiều trường phải tự túc tiêu chí này hoặc phối hợp với các trạm y tế cơ sở trong công tác khám chữa bệnh ban đầu”...

Một thực tế, tiêu chí y tế học đường là bắt buộc, song để đối phó với tiêu chí này, nhiều trường phải “tự bơi”. Đó là sử dụng cán bộ, giáo viên (không chuyên trách) kiêm nhiệm; là tự xoay kinh phí ký hợp đồng riêng, thậm chí “bỏ ngỏ”. Phải chăng, công tác y tế học đường đã đến lúc phải nhìn lại.

“Thông tư Liên tịch số 13/2016/BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 Quy định về công tác y tế trường học phải đảm bảo các điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học. Cụ thể, phải có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Phòng y tế của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt được trang bị tối thiểu 1 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, cùng các trang thiết bị y tế đi kèm theo quy định, có sổ khám bệnh theo mẫu... Đối với nhân viên y tế trường học, phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên đủ điều kiện theo quy định”.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]